Phát triển kinh tế gia đình từ việc nuôi dúi
Trong đó, điển hình có hộ anh Trần Vỹ Nhân ở thôn Triêm Đức, xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Đây là mô hình khá thành công, mang lại thu nhập kinh tế cao, mở ra hướng đi mới nhiều triển vọng cho đối tượng vật nuôi này trên địa bàn huyện nhà.
Tôi tìm đến trang trại nuôi dúi của anh Nhân và bắt gặp anh Nhân đang tất bật chẻ tre, chẻ cây mía để làm thức ăn cho dúi. Khu nuôi dúi nằm trên khu đất sau lưng gia đình khoảng 400m2, trước kia là khu nuôi bò và chỉ chuyên trồng cỏ nhưng nay đã được thay áo mới bởi trang trại nuôi dúi được xây kiên cố với hơn 50 ô chuồng dùng để nuôi dúi giống và thương phẩm.
Anh Nhân chia sẻ, anh hiện nay là một công nhân, nơi anh công tác cũng gần nhà nên những lúc thời gian tan ca anh cũng muốn phát triển thêm kinh tế gia đình. Qua tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, anh biết đến mô hình nuôi dúi cho hiệu quả kinh tế cao, thích hợp với điều kiện khí hậu tỉnh Phú Yên, anh đã quyết định mày mò học hỏi, ghi chép cẩn thận, đồng thời tìm đến trang trại nuôi dúi Bảy Hội cách nơi anh sống khoảng 20 km để tìm hiểu thực tế và học hỏi kinh nghiệm.
Năm 2019, anh Nhân đã bắt đầu xây chuồng trại nuôi và mua 10 cặp dúi giống sinh sản trị giá 15 triệu đồng và cải tạo lại chuồng bò cũ để nuôi. Với diện tích nuôi gần 200m2 anh đã xây làm nhiều ô và chia thành nhiều ngăn theo kích thước 50 x 50 (cm) để nuôi dúi. Chuồng được thiết kế phải kín gió, bố trí nên ít tiếng động vì dúi rất mẫn cảm với tiếng động và không bị ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào. Thức ăn của dúi cũng rất đơn giản mà dễ tìm kiếm gồm: tre, nứa, ngô, mía, cỏ vôi, tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp. Theo anh Nhân, dúi là loại vật nuôi không khó nhưng cần lưu ý là thức ăn phải khô ráo, sạch sẽ để dúi phòng tránh được bệnh tiêu chảy vìnếu dúi bị tiêu chảy sẽ làm dúi kém phát triển, ảnh hưởng đến thu nhập.
Lúc đầu, anh Nhân tuy gặp khó khăn vì thiếu kinh nghiệm nhưng anh luôn cố gắng tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm để phát triển trang trại của mình. Đến hôm nay, anh đã khá thành công với trại nuôi dúi của mình, hiện tại anh có trên 50 ô chuồng nuôi. Từ 10 đôi dúi giống ban đầu qua hơn 3 năm gắn bó với nghề anh Nhân đã xây dựng được đàn dúi lớn và đã xuất bán được 51 cặp dúi giống và hơn 40 con dúi thương phẩm. Mỗi năm dúi cái đẻ 3 lứa, mỗi lứa 2-3 con, khi con non sinh ra khoảng 2-3 tháng là có thể bán dúi giống, mỗi cặp dúi giống bình quân khoảng 1-1,5 triệu đồng tùy loại. Còn dúi thương phẩm thì sau 7-8 tháng nuôi đạt trọng lượng từ 1,2-1,5 kg, giá bán bình quân 600 nghìn đồng/kg giúp gia đình anh có khoản thu nhập tăng thêm.
Trang trại nuôi dúi của anh Nhân luôn tuân thủ theo pháp luật, có giấy phép chăn nuôi của Kiểm lâm, xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của con vật. Anh Nhân khẳng định là nuôi dúi có lãi và quyết định sẽ đầu tư, mở rộng thêm diện tích để nuôi. Anh đang ấp ủ liên kết với các hộ nuôi dúi nhỏ tại địa phương và các tỉnh lân cận trên địa bàn huyện để thuận lợi hơn trong việc tiêu thụ dúi nhằm tăng thu nhập kinh tế gia đình.
Không chỉ phát triển kinh tế cho gia đình, anh còn luôn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm cho những hộ mới bắt đầu nuôi dúi để cùng nhau phát triển, góp phần chuyển đổi đối tượng vật nuôi mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần phát triển quê hương giàu đẹp./.
Có thể bạn quan tâm
29 năm gắn bó công việc trồng rau, ông Trương Văn Luận (67 tuổi) và vợ là bà Võ Thị Thắm (62 tuổi), ở ấp Giồng Kiến, xã Phú Long, huyện Bình Đại
Nhắc đến mô hình nuôi gà Ai cập trắng sinh sản không ít các hộ dân trong và ngoài vùng đều biết đến chủ hộ Bùi Thị Tơ, thôn Đông, xã Dương Phúc, huyện Thái Thụy
Khoảng 3 năm trước, chim đà điểu bắt đầu được người dân xã Khai Thái (huyện Phú Xuyên) đưa về chăn nuôi.