Ứng dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi
Những mô hình hiệu quả
Chúng tôi đến thôn Cẩm Toại Tây, xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang) gặp những người dân nuôi dê thâm canh chăn thả tại các triền đồi. Ông Phạm Dũng (một trong 20 hộ nuôi dê theo dự án) phấn khởi cho biết: Tham gia dự án nuôi dê, huyện hỗ trợ 8 con giống ban đầu, đến nay tổng lượng đàn dê của gia đình tôi lên đến 40 con.
Huyện Hòa Vang có 20 hộ dân thuộc các xã Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Nhơn, Hòa Phú, Hòa Ninh, Hòa Liên, Hòa Sơn và Hòa Bắc thực hiện chăn nuôi dê theo dự án. “Dự án nuôi dê thâm canh đã hướng dẫn người dân nắm được kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc khi dê sinh sản và dê bệnh. Trong tương lai sẽ mở rộng mô hình nuôi cung ứng dê thịt và dê giống cho thị trường”, ông Dũng cho biết.
Đến xã Hòa Khương, chúng tôi thăm trang trại nuôi thỏ của anh Lê Vinh tại thôn 5. Vừa lau dọn chuồng trại, anh Vinh cho biết, đây là mô hình đầu tư không lớn nhưng cho hiệu quả. Thỏ sinh sản nhanh, dễ nuôi, mức độ bệnh tật không lớn nên nhiều hộ đang muốn học tập và nhân rộng. Chỉ cần nắm được kỹ thuật xây dựng chuồng trại, chăm sóc thỏ… sẽ thực hiện thành công. Ban đầu, UBND huyện hỗ trợ mỗi hộ 50 con thỏ giống (40 con cái và 10 con đực), đến nay đàn thỏ của anh có 300 con.
Cần nhân rộng
Thời gian qua, Sở KH&CN phối hợp với huyện Hòa Vang triển khai nhiều đề tài, dự án, qua đó, du nhập nhiều loại giống vật nuôi như dê thâm canh, thỏ New Zealand, heo rừng, gà Ai Cập, ếch Thái Lan, bồ câu Pháp, bò lai Sind… mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, tại các xã miền núi, mô hình chăn nuôi dê thâm canh và thỏ trắng New Zealand đang được người nông dân quan tâm vì hiệu quả kinh tế cao, phù hợp điều kiện chăn nuôi ở địa phương.
Theo ông Đặng Ngọc Sơn, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Hòa Vang, các dự án đã triển khai đem lại thành công cho các hộ nông dân tham gia.
Thông qua dự án, các hộ dân và cán bộ kỹ thuật địa phương đã nắm vững hơn các quy trình công nghệ, từ đó, ứng dụng hiệu quả vào chăn nuôi. Từ lúc triển khai các dự án, Phòng NN&PTNT huyện phối hợp với UBND các xã khảo sát, chọn các hộ có điều kiện phát triển chăn nuôi, có lao động và diện tích đất trồng cỏ để triển khai mô hình.
Sau khi xét chọn các hộ, dự án hỗ trợ thức ăn chăn nuôi ban đầu, tập huấn kỹ thuật, kiểm tra dịch bệnh, tiêm phòng định kỳ… cho các đàn dê, thỏ. Hiện, các hộ dân cũng đã thành lập Câu lạc bộ chăn nuôi thỏ để hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Có thể nói, các dự án, mô hình KH&CN ở Hòa Vang đã góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp phù hợp với định hướng phát triển của thành phố. Vì vậy, UBND huyện Hòa Vang cần phối hợp với các ngành liên quan để nhân rộng các mô hình trên, qua đó, giúp nông dân phát triển kinh tế nông hộ, tăng thu nhập, tạo việc làm cho lao động địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Chăn nuôi trên đệm lót bằng trấu, mùn cưa, men sinh học không chỉ an toàn, thân thiện môi trường, mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Vườn cà phê moka rộng 2,4ha ở Trại Hầm, Đà Lạt được chủ nhân giữ lại chỉ để thu hoạch mỗi năm vài, ba trăm ký hạt nhân. Sau năm đầu đưa chồn về ăn trái tươi và đưa ngỗng về ăn cỏ, cho phân, vườn moka đã tăng giá trị lên hàng trăm lần.
Không làm rau giá bằng đậu xanh, bà Nguyễn Thị Thành ở xã An Vĩnh, Lý Sơn (Quảng Ngãi) làm rau giá bằng đậu ngự. Những cọng giá đậu ngự gieo nổi trên cát “phổng phao” gấp nhiều lần so với cọng giá làm theo cách thông thường khiến du khách đặc biệt ấn tượng khi được thưởng thức. Không những thế, loại rau này còn là thực phẩm thiết yếu vào mỗi mùa mưa bão, khi rau xanh đất liền không thể theo tàu ra đảo.
Nhằm tăng sản lượng trên cùng đơn vị diện tích, việc sản xuất thâm canh đã được nông dân áp dụng. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến thực trạng có người lạm dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), trong khi nhu cầu thị trường hiện nay là sử dụng sản phẩm sạch.
Nhờ khoai có giá nên sau khi thu hoạch xong vụ thứ 1, bà con nông dân huyện Bình Tân (Vĩnh Long) khẩn trương làm đất xuống giống tiếp vụ 2/2014.