Gặp lão nông xuất sắc dưới chân dãy Tam Đảo
Nhớ lại những ngày đầu đặt chân tới khai hoang vùng đất dưới chân dãy núi Tam Đảo, ông Thiệp nói: “Hai vợ chồng tôi tự tay phá đá, san mặt bằng, phát nương trồng rừng, ngô, khoai, sắn... Lương thực làm ra, dư giả thì tôi đem bán, tích góp tiền để đầu tư chăn nuôi. Tận dụng địa hình đồi núi, vợ chồng tôi mua dê về thả, rồi nuôi thêm trâu, bò, lợn. Lúc đầu chỉ vài con, sau cứ xuất được lứa lợn, bán được đàn bò nào tôi lại mua thêm giống về nuôi tiếp…”.
Sau nhiều năm cần cù, chịu khó, vợ chồng ông đã khai hoang được gần 20ha đất rừng trồng keo, bạch đàn, vườn ăn quả, chuồng trại… Ông cũng từng lặn lội trong và ngoài tỉnh đến các mô hình trang trại để học hỏi. Tích lũy được vốn, ông dần dần mở rộng trang trại. Một trong trong những việc làm thể hiện sự nhạy bén, sáng tạo của ông trong quá trình lao động sản xuất là đã tận dụng địa hình, địa thế đào 1ha ao thả cá, làm mương dẫn nước từ các khe ở trên rừng về phục vụ chăn nuôi.
Cùng với đó, nắm bắt nhu cầu của thị trường, ông mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng hệ thống chuồng trại nuôi lợn khép kín. Khu chuồng trại được xây toàn bộ bằng kính, có điều hòa nhiệt độ, được chia làm nhiều khu chăn nuôi khác nhau. Chất thải được xử lý bằng hệ thống hầm biogas.
Hiện, trang trại của ông Thiệp đang có khoảng 1.700 con lợn thịt, 200 con lợn nái ngoại. Trung bình mỗi năm, gia đình ông xuất trên 400 tấn lợn hơi có chất lượng cao ra thị trường. Đàn bò, đàn dê của gia đình sau nhiều năm cũng đã tăng lên gần 200 con. Khu chuồng gà ông thường nuôi 4.000 con gà thịt/lứa. Hằng năm, ông xuất bán trên 14 tấn cá chim, rô phi đơn tính, chưa kể 16ha cây lâm nghiệp và cây ăn quả… Tổng lợi nhuận từ mô hình VACR của ông Thiệp đạt hơn 2 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho 12 lao động với mức lương từ 3,5 – 6 triệu đồng/người/tháng.
Để có được thành quả như ngày hôm nay, ông Lý Văn Thiệp và gia đình đã phải vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, từ dịch bệnh đến hạn hán, bão lũ... Nhưng với tinh thần lạc quan, ý chí quyết tâm làm giàu của 1 cựu chiến binh, ông Thiệp đã từng bước khắc phục khó khăn để đi đến thành công. Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông còn rất cởi mở trong việc chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, trực tiếp giúp đỡ, hướng dẫn nhiều hộ khó khăn tại địa phương cách làm kinh tế, thoát nghèo và vươn lên khấm khá, kể cả cho vay vốn không lãi.
Với những kết quả đã đạt được, ông Thiệp là 1 trong những hội viên tiêu biểu đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp nhiều năm liền. Ông Thiệp vinh dự là nông dân tỉnh Thái Nguyên được bình chọn nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2016”.
Có thể bạn quan tâm
Bà con nông dân ở ấp Phú Thuận, xã Long Khánh, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang chủ yếu sống bằng nghề trồng cây ăn trái kết hợp chăn nuôi, việc nuôi lươn còn rất mới mẻ, ít được bà con quan tâm. Với quyết tâm học hỏi và sự chí thú làm ăn tìm cách vươn lên làm giàu, anh Nguyễn Văn Bộ mạnh dạn nuôi lươn thương phẩm từ con giống đẻ tự và đã đạt được hiệu quả ngoài mong đợi.
Gia đình bà Nguyễn Thị Bình ở thôn Gia Phong, xã Tân Hưng, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) là một trong vài hộ đầu tiên tại huyện Vĩnh Bảo nuôi gà Ai Cập đẻ trứng.
Thăm trang trại nuôi lợn của chị Trịnh Thị Mý, xã Phù Lương, huyện Quế Võ (Bắc Ninh), chúng tôi tin ngay lời giới thiệu của Hội nông dân tỉnh về mô hình “nuôi lợn công nghệ cao, lợn nằm điều hòa”.