Ùn Tắc Nông Sản Bài Học Đến Hẹn Lại Lên
Mỗi năm vào vụ dưa hấu tại cửa khẩu Tân Thanh huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) thường xuyên xảy ra ùn tắc xe chở nông sản. Năm nay do các tỉnh phía Nam được mùa dưa nên lượng hàng nông sản đổ về cửa khẩu tăng đột biến khiến các lực lượng chức năng phải dồn sức giải tỏa ùn tắc.
Mỗi ngày chỉ có khoảng hơn 300 xe xuất được hàng trong khi đó xe dồn về cửa khẩu khoảng 500 xe mỗi ngày
So với mọi năm lượng dưa hấu xuất khẩu đổ về Cửa khẩu Tân Thanh huyện Văn Lãng tăng gần gấp đôi. Nguyên nhân là do các tỉnh phía nam được mùa dưa, thu hoạch rộ. Tính trung bình mỗi ngày có trên 500 xe dưa dồn về cửa khẩu. Thế nhưng lượng hàng xuất, chỉ đạt khoảng 300 xe mỗi ngày, cộng với hàng hóa nông sản khác khoảng 100 xe khiến cho bến bãi Cửa khẩu Tân Thanh lúc nào cũng quá tải.
Nhìn những xe dưa hấu ùn ứ dồn về cửa khẩu dài hàng chục km, những chủ hàng, lái xe đội mưa chạy đôn chạy đáo tìm chỗ đỗ, làm thủ tục ai cũng ái ngại cho một mùa dưa người nông dân vất vả mà nguy cơ lỗ do xuất chậm mỗi lúc một tăng.
Khu vực ngoài cửa khẩu, lượng xe dưa, xe hàng mỗi lúc một nhiều khiến cho lực lượng làm trật tự phải vất vả lắm mới ổn định được luồng tuyến, chống ùn tắc. Quyết tâm của các lực lượng làm nhiệm vụ tại cửa khẩu là tạo điều kiện cao nhất cho hàng hóa thông quan an toàn.
Có mặt tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Tân Thanh, Trạm trưởng Đặng Nam Cao cho biết, Trạm và các lực lượng tại đây đã trao đổi với phía nước bạn tạo điều kiện tốt nhất cho hàng hóa xuất nhập khẩu. Thế nhưng do kho bãi hạn chế, phía nước bạn chỉ đáp ứng được khoảng 300 xe mỗi ngày.
Trong khi đó lượng hàng xuất lớn nên trung bình mỗi ngày dồn ứ hơn 100 xe. Vận dụng mọi biện pháp cũng chỉ nâng lên được 320 xe xuất. Như vậy đã hơn bình thường 20 xe nhưng mức độ chống ùn tắc chưa được cải thiện là bao.
Hiện nay một trong những điều khó khăn là bến bãi hàng hóa, mặc dù đã được nhiều doanh nghiệp đầu tư nhưng kho bãi chưa đáp ứng được. Vì vậy khi xảy ra ùn tắc lượng xe dồn về ngày một đông càng gây tình trạng ùn tắc hơn.
Theo ông Chu Bá Toàn, Chi cục phó Chi cục Hải quan Tân Thanh, kho bãi không đáp ứng được nên dẫn đến ùn tắc, mặc dù lực lượng Hải quan đã vận dụng tối đa thậm chí làm việc đến tận 10 giờ đêm để các doanh nghiệp làm thủ tục. Phía ngoài cửa khẩu, lực lượng Cảnh sát giao thông phải huy động 100% quân số, trực tiếp phân luồng, dồn từng đoạn, khuyến cáo các doanh nghiệp không nên ồ ạt dồn lên cửa khẩu.
Thế nhưng họ đã lỡ thu mua, lỡ chở ra, quay về càng lỗ nên đành phải chen chân lên cửa khẩu. Để chống ách tắc, lực lượng Cảnh sát Giao thông và Bộ đội Biên phòng phải phân luồng vào cửa khẩu, ưu tiên xe nông sản. Thế nhưng lượng dưa xuất khẩu qua cửa khẩu vẫn chưa được như mong muốn.
Anh Huỳnh Văn Nghĩa, lái xe 75C - 2143 tâm sự, năm nay xe nhiều, dưa được giá, tầm 7 đến 10 nghìn 1 kg nên bà con thi nhau thu gom, xuất bán sang Trung Quốc. Thế nhưng, tắc thế này rất nhiều chủ hàng có nguy cơ lỗ. Phía nước bạn nhập nhỏ giọt nên lượng hàng ùn tắc càng lớn.
Hiện nay tính từ cửa khẩu đến khu vực thành phố Lạng Sơn ùn tắc khoảng 1.800 xe hàng hóa, trong đó có khoảng 1.000 xe chở dưa hấu. Trạm trưởng Đặng Nam Cao cho biết thêm, ngay từ khi nhận được tin dưa hấu được mùa, lượng hàng xuất tăng, cán bộ trạm đã thắt chặt an ninh, chống dẫn dắt xe, cò mồi làm thủ tục, đảm bảo không để mất an ninh trật tự.
Cho đến nay lượng dưa, nông sản dồn về cửa khẩu vẫn tăng lên từng ngày, nguy cơ ùn tắc càng cao. Không ít xe dưa do không chờ được đã phải quay đầu trở lại bán tại nội địa. Như vậy nguy cơ thua lỗ của người nông dân tăng rất cao. Đây có lẽ là bài học cho mùa dưa tới.
Chúng ta đang bán cái ta có mà chưa bán cái họ cần. Hơn thế thiếu hẳn sự điều tiết tầm vĩ mô. Vẫn nặng lối buôn bán theo phong trào nên dù giải tỏa ách tắc ở cửa khẩu được thì cũng khó lòng giải tỏa ách tắc phía nước bạn khi mà quyền chủ động chưa thuộc về chúng ta.
Có thể bạn quan tâm
Với mô hình nuôi dế, anh Nguyễn Văn Hưng (thôn Thanh Quýt 3, xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn) đã vươn lên làm giàu bằng đam mê và sự kiên trì của mình.
Khởi đầu bằng 10m2 ao nuôi với 20 con ba ba giống, sau hơn 10 năm gắn bó cùng sự tính toán đầu tư hợp lý, anh Hà Tiến Hùng (tổ 28, phường Yên Ninh, TP. Yên Bái, Yên Bái) đã sở hữu ao ba ba trị giá cả tỷ đồng...
Ngày 6.12, hàng ngàn người đã đến tham quan, tìm hiểu về 500 sản phẩm đến từ 7 tập đoàn nông nghiệp hàng đầu Nhật Bản được trưng bày tại công viên đá Nhật Bản Rin Rin Park, Hóc Môn, TP.HCM.
Với đặc thù sông ngòi chằng chịt, nhiệm vụ trong xây dựng nông thôn mới (NTM) ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không hoàn toàn chỉ là các con đường, mà quan trọng nhất là những cây cầu nối đôi bờ sông nước.
Ngày 22/9, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT Tiền Giang tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chuyên đề “Một số giải pháp phòng trị bệnh hại trên cây ăn trái vùng ĐBSCL”.