Tỷ Phú Chân Đất Miền Đông: Bản Lĩnh Ông Chủ Trại Gà
Nhìn cơ ngơi của ông chủ trại gà Thanh Đức (ấp Bình Tân, xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) ai cũng trầm trồ thán phục. Để có được ngày hôm nay, vợ chồng ông phải trải qua bao khó khăn, cay đắng, xây dựng cơ nghiệp từ con số không và nhiều lần thất bại.
THỢ MAY NGHÈO VÀ 20 CON GÀ
Dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, khuôn mặt khá lém cùng giọng nói nhanh và thân tình, ông chủ trại gà Thanh Đức đã cho tôi cảm giác gần gũi ngay từ những phút đầu gặp mặt. Tôi hỏi: “Nghe nói anh lập nghiệp từ 2 bàn tay trắng, từng thất bại nhiều lần?”. Ông Đức trầm ngâm một lúc lâu, rồi kể: “Tôi lập gia đình năm 1992, lúc mới 20 tuổi. Khi ấy tôi có nghề may, làm rất vất vả mà thu nhập chẳng đáng là bao, chỉ chừng 200 ngàn/tháng.
Đang trong lúc bí, tình cờ xem tivi giới thiệu mô hình nuôi gà công nghiệp chỉ 42 ngày đạt đến 2 kg, trong khi gà ta phải nuôi 6 tháng mới được. Tôi thấy hay nên mua 20 con gà giống 2 tuần tuổi với giá 10 ngàn đồng/con về nuôi thử. Sau 4 tuần, gà được 2 kg/con. Lúc đó giá một ký gà thịt chỉ 10 ngàn đồng, bằng 1 con gà giống. Sau khi trừ tiền giống, thức ăn, vẫn còn lãi 2 ngàn đồng/con. Lần đó tôi lãi đàn gà được 40 ngàn, số tiền không nhiều, nhưng so với nghề may mặc thì thấy đơn giản, dễ dàng hơn. Vợ chồng phấn chấn bởi hướng làm ăn mới và tiếp tục mua 100 con về nuôi.
Cứ thế, số lượng tăng dần lên. Năm 1997, vợ chồng tôi bán hết đồ nghề làm tóc, máy may được 2 triệu đồng, mua 2.000 con gà nuôi. Vì không có vốn nên phải “lấy ngắn nuôi dài” bằng cách dồn hết tiền lãi sau mỗi đợt bán gà vào việc tăng đàn. Đến năm 2003, khi đàn gà đã lên hơn 20 ngàn con thì tai họa ập xuống. Dịch cúm gia cầm bùng lên chẳng khác nào có một trái bom nổ ngay trong nhà mình. Mọi thứ tiêu tan sau bao nhiêu năm vất vả. Vợ chồng tôi tưởng như không thể gượng lại nổi sau khi phải gạt nước mắt tiêu hủy đàn gà”.
Sau khi đàn gà bị tiêu hủy, vợ chồng ông Đức lại phải quay về vạch xuất phát năm 1993. Không thể ngồi gặm nhấm nỗi buồn mãi. Ông Đức quyết định cầm cố miếng đất mới mua, bán chiếc xe tải lấy tiền mua heo về nuôi. Nhưng khi đàn heo lên đến hơn 10 ngàn con thì cũng là lúc dịch tai xanh, lở mồm long móng “ghé thăm” trại heo của ông. Một lần nữa, vợ chồng ông Đức lại gần như trắng tay. “Lúc đó tôi nhìn vợ và 3 đứa con buồn ủ rũ mà lòng quặn đau. Song chính họ đã cho tôi quyết tâm phải làm lại, không thể thất bại thêm. Tôi quyết định bán lỗ đàn heo và tiếp tục gom sạch gia tài cho canh bạc cuối: Nuôi gà đẻ theo mô hình chuồng lạnh. Và cuối cùng, mọi cố gắng của vợ chồng tôi đã được đền đáp”, ông Đức nói.
SƯỚNG NHƯ… GÀ
Nói vậy chẳng ngoa chút nào, bởi ngoài trời đang nắng nóng như đổ lửa, mở cánh cửa bước vào chuồng gà, luồng không khí mát lạnh tỏa ra từ những chiếc máy lạnh khiến tôi thấy khoan khoái hẳn. Hàng ngàn con gà đang lao xao mổ thức ăn, thấy người vào, chúng ngước lên nhìn vài giây rồi lại thản nhiên tiếp tục ăn. Theo ông Đức, giai đoạn con giống rất quan trọng, quyết định năng suất và tuổi thọ của gà. Lâu nay ông vẫn mua gà giống 1 ngày tuổi về úm theo kinh nghiệm và kỹ thuật của mình.
Bên cạnh đó, chúng tôi có dây chuyền tự SX thức ăn cho gà đạt tiêu chuẩn chất lượng. Chính vì thế, đàn gà luôn đẻ nhiều hơn gà của CP từ 10- 20%. “Bên Cty họ chỉ yêu cầu gà đẻ trong 52 tuần với năng suất 90% là đạt, nhưng đàn gà của tôi đẻ hơn 54 tuần vẫn giữ được "phong độ”, ông Đức cho biết.
Việc tự SX thức ăn cho gà không chỉ đảm bảo số lượng, chất lượng trứng, mà còn tăng lợi nhuận lên hơn 12%. Đây là một con số không nhỏ. Từ lâu nay, thương hiệu trứng gà sạch Thanh Đức đã tham gia bình ổn giá thị trường và cam kết giá bán sản phẩm thấp hơn thị trường 10%.
Tôi thắc mắc sao không ngửi thấy mùi phân gà? Ông Đức chỉ xuống gầm chuồng nói: “Anh nhìn thấy sợi dây cáp dưới mỗi dãy chuồng đó không? Đó là cu roa mô tơ máy dọn phân. Nó chạy liên tục nên phân gà rơi xuống chưa kịp khô đã được lùa ra hết rồi”. Nói về chiếc máy dọn phân gà, ông kể: “Một lần đi tham quan mô hình nuôi gà của một công ty lớn, người bạn tôi làm trong đó cho biết dây chuyền này nhập từ Đức với giá gần 80 triệu đồng. Anh bạn vô tư giới thiệu về thiết kế, cơ chế vận hành của dây chuyền vì không nghĩ tôi có thể copy lại được. Về nhà tôi ngồi vẽ, viết lại rồi kêu thợ làm thử, sau vài lần thì thành công. Tổng giá thành chỉ 18 triệu đồng”.
Ông Đức sống rất tình cảm. Vì thế, không ai nỡ bỏ đi lúc ông “thất cơ lỡ vận”. Hiện nay, công nhân của ông có thu nhập khá và được ăn ở miễn phí. “Người có chuyên môn kỹ thuật được trả công từ 8- 10 triệu, nếu tiết kiệm một năm họ có thể để dành được hơn trăm triệu. Còn lao động phổ thông, một năm cũng được 50 triệu mang về cho gia đình”, ông Nguyễn Văn Biên, phụ trách kỹ thuật- người theo anh Đức từ thuở hàn vi, nói về ông chủ trại gà.
Không chỉ copy lại với giá chỉ bằng ¼ giá nhập, dây chuyền máy dọn phân gà của anh Đức còn ưu việt hơn ở chỗ có thể nối lại sợi dây cu roa khi bị đứt để dùng tiếp. Còn máy nhập, mỗi khi đứt sợi dây này là phải thay mới vì bánh xe lăn làm khe vừa đủ cho sợi dây nằm lọt bên trong. Nếu dây bị đứt thì phải thay vì nối sợi dây sẽ có đoạn cộm to hơn, sẽ bị trật ra ngoài bánh xe. Sợi dây được làm bằng chất liệu đặc biệt chống ôxy hóa do dính phân gà thường xuyên nên giá rất đắt. Một sợi dài hơn 200 mét có giá gần 40 triệu đồng. Nên đây là một khoản tiết kiệm không nhỏ chút nào”, anh Đức phấn khởi khoe.
Hiện trên khuôn viên rộng 4 ha, ngoài khu nhà ở cho gia đình và dãy nhà cho 20 công nhân, ông Đức có 8 trại gà, mỗi trại rộng 6 mét, dài 100 mét. Tổng đàn gà 80.000, trong đó 60 ngàn con đang đẻ. Với tỷ lệ đẻ 90%, trung bình mỗi ngày ông thu 54.000 quả trứng. Lúc tôi đến, ông Đức khoe đang làm một dãy chuồng mới theo công nghệ Châu Âu, cũng dài 100 mét nhưng rộng gấp đôi chuồng cũ và công suất nuôi đến 40 ngàn con mà chỉ cần 2 người làm (bằng ¼ số nhân công so với mô hình cũ).
Tuy nhiên, “tiền nào của nấy”, mô hình này có giá 12 tỷ đồng, một con số chẳng mấy nông dân dám mơ đến. “Dây chuyền này gần như tự động hoàn toàn, từ khâu cho ăn đến dọn vệ sinh, thu, đóng gói trứng. Chỉ cần 2 người quản lý điều khiển máy móc, hệ thống điện tử thôi. Cuối năm nay, khi dây chuyền mới hoàn thành, tổng đàn gà của tôi sẽ lên 120 ngàn con”, ông Đức khoe.
Có thể bạn quan tâm
Vụ lạc năm nay, nông dân các địa phương ở Thừa Thiên Huế thu hoạch xong. Khác với mọi năm, lạc đã hái trái, phơi khô nhưng chỉ đóng vào bao cất chứ không bán.
Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt vừa cấp miễn phí 1.500 cây cam canh giống cho nông dân xã Tà Nung. Đây là hỗ trợ của ngành nông nghiệp cho nông dân nhằm chuyển đổi diện tích cà phê già cỗi kém năng suất sang canh tác loại cây trồng mới.
Chọn giống cá rô phi đơn tính đực, nuôi thả theo hướng GAP, mô hình thí điểm nằm trong khuôn khổ dự án phát triển nuôi cá theo quy trình bán thâm canh được thực hiện tại xã Trung Minh và Dân Chủ (thành phố Hòa Bình) không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế hộ mà còn mở rộng khuyến cáo ở địa bàn 11 huyện, thành phố trong tỉnh.
Chúng tôi về thôn Cát Lợi, xã Vĩnh Lương, TP Nha Trang (Khánh Hòa), một trong những nơi hiện nay đang nuôi nhiều cá bớp, bởi hiệu quả kinh tế mang lại rất cao. Theo ông Nguyễn Phước, phó chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Lương thì hiện nay toàn xã có hàng chục hộ dân nuôi cá bớp trên đầm Nha Phu. Người nuôi ít nhất cũng khoảng 500 con, nuôi nhiều khoảng 3.000 con.
Với tổng diện tích 2.450 ha (trồng mới 165 ha), sản lượng bình quân hàng năm trên 8.000 tấn, Chư Pưh được xem là “thủ phủ” hồ tiêu của tỉnh Gia Lai. Tuy nhiên những năm trở lại đây cùng với việc người dân ào ạt trồng tiêu thì bệnh chết nhanh, chết chậm, tiêu điên trên cây tiêu diễn biến tương đối phức tạp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, sản lượng.