Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tỷ phú cam Đường Canh Bùi Đức Long yêu cây như yêu mình

Tỷ phú cam Đường Canh Bùi Đức Long yêu cây như yêu mình
Ngày đăng: 01/12/2015

Quả ngọt trên đất khó

Sinh ra trong gia đình thuần nông nghèo, đông anh em, ngay từ nhỏ ông Long đã phải sống tự lập.

Năm 1988, ông lập gia đình, được bố mẹ cho ra ở riêng cùng vài sào ruộng.

Cuộc sống ngày một eo hẹp khi 3 con lần lượt ra đời.

Năm 2003, tình cờ trong một lần xem truyền hình thấy nông dân tỉnh Hưng Yên có thu nhập cả trăm triệu đồng chỉ từ 1 - 2 sào cam mỗi vụ, ông luôn tự hỏi sao đất ít mà người ta thu nhiều tiền đến vậy?!

Đồng đất quê mình rộng rãi, không kém phần màu mỡ, vậy sao phải cam chịu nghèo khó, vậy là ông tính chuyện sang tận nơi học hỏi kinh nghiệm trồng cam.

Sau chuyến tham quan trở về, ông Long quyết định gom góp tiền, vay mượn thêm mua 1,5 mẫu ruộng trũng; thuê máy móc cải tạo thành vườn cao, có rãnh thoát nước rồi trồng cam Đường Canh.

Ông Long nói: “Vợ chồng gần nửa năm trời không nói chuyện với nhau chỉ vì tôi đã dùng hết số tiền ít ỏi tích cóp được sau bao năm và vay mượn để trồng cam.

Nghĩ lại tôi cũng thấy mình liều, không một ai ủng hộ, từ người thân cho đến xóm giềng đều can ngăn”.

Cũng dễ hiểu bởi xưa nay chỉ thấy người ta trồng cam trên đất đồi chứ ít thấy ai trồng cam ở chân ruộng trũng bao giờ.

Ban đầu, một mình ông cùng mấy người làm thuê kham mọi việc từ lên luống, làm bầu, trồng, chăm sóc 700 cây cam Đường Canh.

Mãi đến khi cam phát triển xanh tốt vợ ông mới nguôi giận, xắn tay cùng ông chăm bón vì thương chồng một tay lo liệu mọi việc.

Trồng cam mất nhiều vốn, trong khi lại vay nợ nhiều nên ông tận dụng diện tích đất lúc cam chưa khép tán để trồng xen canh đu đủ Đài Loan, nhờ đó mỗi năm cũng thu về 70 - 100 triệu đồng, dần trả hết nợ.

Hơn 3 năm miệt mài ngày đêm chăm sóc, lứa đầu tiên, ông Long bán 3,5 tấn cam thu về gần 200 triệu đồng.

Thu nhập từ vườn cam cứ thế tăng dần sau mỗi vụ.

Nhận thấy loại cây này hiệu quả hơn hẳn so với những cây trồng cũ, ông dùng tiền lãi từ bán cam tiếp tục mua đất mở rộng diện tích.

Đến nay, gia đình ông có 5 ha cam Đường Canh, trong đó gần 4 ha đã cho thu quả.

Để cam ngon, đẹp, đem đến cho người tiêu dùng những chùm quả mỹ mãn nhất đúng dịp Tết Nguyên đán, ông thuê 12 lao động hàng ngày theo dõi phòng trừ sâu bệnh, điều chỉnh lượng nước tưới, loại bỏ quả lép kẹ.

Ông Long dự tính năm nay lãi từ vườn cam ước đạt 2,5 tỷ đồng, tương đương năm ngoái

Giúp mọi người cùng làm giàu

Nhìn vào trang trại cam Đường Canh của ông chủ Bùi Đức Long, ai cũng thấy đây là giống cây cho quả “vàng” mà nhiều người ước muốn.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Long còn quan tâm giúp đỡ nhiều người cùng phát triển kinh tế.

Ông đến tận nhà 22 hộ trong xã hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cam bằng phương pháp “Xử lý ra hoa đậu quả không đào rễ trên cây cam Đường Canh”; đồng thời giúp các hộ mua chịu phân bón không lãi suất trong một năm.

Trang trại cam Đường Canh của gia đình ông cũng tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức 6 triệu đồng/tháng và hàng chục lao động thời vụ với thu nhập 150 nghìn đồng/ngày.

Hiện ông còn là Chủ nhiệm Câu lạc bộ trang trại cây ăn quả có múi huyện Lục Ngạn.

Thông qua câu lạc bộ, ông Long vận động mọi người giúp nhau về giống, vốn để phát triển kinh tế.

Ông còn đứng ra liên hệ với các thương lái thu mua sản phẩm cho hội viên.

Nhờ có đầu mối thu mua, cam của số hộ này thường bán được giá cao hơn so với mặt bằng chung cùng thời điểm.

Để có được như ngày hôm nay, ông cho biết: “Bí quyết thành công lớn nhất của nhà vườn, đặc biệt là vườn trồng cam cần có vốn kiến thức về sản xuất và tâm huyết, yêu cây như yêu chính bản thân mình”.

Không giấu kiến thức, kinh nghiệm và biện pháp kỹ thuật tự mày mò nghiên cứu được làm của riêng, ông Long thường xuyên mời mọi người đến tham quan vườn, chia sẻ, phổ biến phương pháp chăm sóc cây.

Điển hình như tháng 9 vừa qua, ông cùng Hội Nông dân huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc cam cho hơn 100 cán bộ, hội viên nông dân tiêu biểu trong và ngoài tỉnh.

Tăng năng suất, giảm chi phí nhờ biện pháp mới

Cam Đường Canh muốn sai quả phải ngừng cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trong một thời gian ngắn, giúp phân hóa mầm hoa và đậu quả.

Tuy nhiên, cam là giống cây khó tính, mất nhiều công sức chăm sóc, chi phí đầu tư lớn.

Vì vậy trong quá trình canh tác, ông Long luôn trăn trở nhằm tìm ra phương pháp giảm đến mức thấp nhất chi phí đầu tư trên một đơn vị diện tích.

Đúc rút kinh nghiệm từ thực tế sản xuất, năm 2010, ông đã tự nghiên cứu và thí nghiệm thành công phương pháp “Xử lý ra hoa đậu quả không đào rễ trên cây cam Đường Canh”.

Với phương pháp này, chủ vườn không cần đào rễ mà dùng phân kali phối hợp với khoanh cành.

Ban đầu ông chỉ thí điểm trên 20 gốc, các bước được tiến hành tuần tự: Cuối tháng 11 âm lịch khi cây bung gần hết lộc non, dùng kali sunfat pha theo nồng độ 0,1kg với 20 lít nước phun ướt đều trên bề mặt lá.

Sau đó khoảng 7 - 10 ngày, tiến hành tưới kali clorua dưới gốc theo tỷ lệ 0,2kg hòa với 8 lít nước/1m đường kính tán lá, tưới đều từ tán cây trở vào gốc.

Sau tưới 10 ngày, lá cây chuyển màu xanh sang vàng nhẹ, dùng dao mỏng tiện một vòng cách gốc 0,3 - 0,4m để cây suy yếu tạm thời, tích tụ dinh dưỡng và kích thích ra hoa.

Sau 15 - 20 ngày, khi cây phân hóa mầm hoa thì phun kích thích tố hoa trái Thiên nông của Công ty Quang Nông theo khuyến cáo.

Sau khi hoa nở bung hết khoảng 1 tuần thì tiện gốc lần hai, nếu cây yếu chừa lại 1 - 2cm vỏ.

Kết quả, cả 20 cây cam đều sai quả.

Vụ cam năm 2011, ông Long nhân rộng lên 1 nghìn cây sau khi áp dụng thành công ở bước đầu.

Theo ông Long, trước đây, hằng năm gia đình ông phải thuê 60 - 70 lao động về đào rễ cây, chi phí 150 - 200 nghìn đồng/ngày công.

Khi ấy, những cây khoanh rễ không kịp do chậm muộn ra rất ít hoa, nhiều cây không có.

Một số lao động mới làm không quen, đào đất sâu quá khiến rễ cây chết hoặc ngừng ra hoa nhiều năm liền.

Đến nay, toàn bộ diện tích cam Đường Canh của gia đình ông đều được chăm sóc theo phương pháp này.

Biện pháp kỹ thuật xử lý ra hoa đậu quả không đào rễ ngoài giảm chi phí đầu tư thì năm nào vườn cam của gia đình ông cũng sai trĩu quả.

Ông Long tính toán: “So với cách trồng thông thường sẽ giảm chi phí nhân công được gần 70 triệu đồng/5 ha/năm; cây ra hoa nhiều, tỷ lệ đậu quả đạt 95%, ít mắc bệnh, năng suất tăng, mã quả đẹp, mọng nước, không bị nứt nên tiêu thụ thuận lợi.

Vườn cam của gia đình tôi mấy năm trở lại đây luôn có thu nhập ổn định từ 2 - 3 tỷ đồng/năm”.

Chưa bằng lòng với thành công này, ông Long dự tính sẽ tiếp tục thuê đất mở rộng diện tích tồng cam.

Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lục Ngạn đánh giá: “Biện pháp chăm sóc cam của ông Long là hướng đi mới, cho hiệu quả cao.

Chúng tôi đang phối hợp cùng ông Long triển khai nhân rộng ở một số xã và nhận được phản hồi tốt từ các hộ thử nghiệm”.

Ngày 13-11 vừa qua, ông Bùi Đức Long vinh dự là một trong 63 nông dân tiêu biểu toàn quốc được Bộ Nông nghiệp và PTNT tuyên dương.

Giải pháp kỹ thuật “Xử lý ra hoa đậu quả không đào rễ trên cây cam Đường Canh" của ông đã đoạt giải nhất cuộc thi Sáng tạo nhà nông tỉnh lần thứ VI năm 2015.

"Bí quyết thành công lớn nhất của nhà vườn, đặc biệt là vườn trồng cam cần phải có vốn kiến thức về sản xuất và tâm huyết, yêu cây như yêu chính bản thân mình”.

(Ông Bùi Đức Long)


Có thể bạn quan tâm

Kiểm Soát Chặt An Toàn Vệ Sinh Thực Phẩm Thủy Sản Kiểm Soát Chặt An Toàn Vệ Sinh Thực Phẩm Thủy Sản

Nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh hàng thủy sản xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa yêu cầu Tổng cục Thủy sản kiểm tra, rà soát, lập danh mục các sản phẩm thức ăn thủy sản có chứa Ethoxyquin (cả sản xuất trong nước và nhập khẩu) và báo cáo Bộ trưởng trước ngày 15/8/2012.

24/06/2012
Mô Hình Trồng Chanh Bông Tím Xã Nhị Bình Đạt Hiệu Quả Kinh Tế Cao Mô Hình Trồng Chanh Bông Tím Xã Nhị Bình Đạt Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Từ năm 2010 trở lại đây, nhiều nông dân xã Nhị Bình, huyện Châu Thành (Tiền Giang) chuyển đổi từ cây trồng cho hiệu quả kinh tế thấp sang trồng chanh bông tím cho hiệu quả kinh tế cao. Theo đó, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

13/04/2012
"Nhịp Cầu Nhà Nông" Cho Người Trồng Ớt

Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Ngãi, Trạm Khuyến nông huyện Bình Sơn vừa tổ chức "Nhịp cầu nhà nông" với chủ đề "Trao đổi kỹ thuật sản xuất ớt" cho nông dân các xã Bình Minh, Bình Nguyên và thị trấn Châu Ổ (huyện Bình Sơn).

25/06/2012
Anh Phạm Văn Bình Vươn Lên Từ Cây Cam Sành Anh Phạm Văn Bình Vươn Lên Từ Cây Cam Sành

Anh Phạm Văn Bình ở ấp Phú Thạnh, xã Phú Mỹ, huyện Mỏ Cày Bắc thành công với mô hình trồng cam sành cho hiệu quả kinh tế cao

15/03/2012
Sống Khỏe Nhờ Nghề Nuôi Cá Chình Sống Khỏe Nhờ Nghề Nuôi Cá Chình

Từ khi triển khai thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020", đời sống của nhiều nông dân (ND) Quảng Trị đã có những khởi sắc.

26/06/2012
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.