Tuổi đời vườn tiêu tại các tỉnh Tây Nguyên cũng như khu vực Đông Nam Bộ đã giảm từ 20 – 25 năm xuống còn 10 – 12 năm do ảnh hưởng của bệnh dịch, thuốc kích thích và tình trạng bón nhiều phân đạm của nông dân trong thời gian qua.
Ồ ạt trồng vì giá cao
Hồ tiêu hiện là mặt hàng nông sản hiếm hoi giữ được giá bán ra ở mức cao. Cụ thể, từ đầu vụ tiêu 2012 đến nay giá tiêu đen bình quân ở mức 120.000 đồng/kg, tăng 33% so với cùng kỳ 2011, tiêu trắng có giá 190.000 đồng/kg, tăng 46%. Giá tiêu xuất khẩu 3 năm trở lại đây cũng liên tục tăng cao, từ 2.500 USD/tấn năm 2007, đến nay, giá tiêu xuất khẩu đã trên mức 6.300 USD/tấn.
Nhờ giữ được giá bán, nhiều hộ trồng tiêu thu được lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm, như các hội viên Liên hiệp Câu lạc bộ năng suất cao Phước Lộc (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) hay các hộ tại vùng hồ tiêu huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai)…
“Thời điểm giá tiêu xuất khẩu xuống dưới giá thành sản xuất, chúng tôi đã khuyên bà con nên trữ hàng lại và không bán ra với giá thấp, kết quả là Việt Nam đã làm chủ được giá tiêu thế giới”, ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết.
Trước sức hút từ hạt tiêu, nông dân các tỉnh Đông Nam Bộ như Đồng Nai, Bình Phước đang ồ ạt phá bỏ vườn điều, vườn cà phê để trồng tiêu.
Ông Đỗ Hà Nam cũng dự báo, diện tích trồng tiêu trong năm nay sẽ tăng đột biến tại các địa phương. Tuy nhiên, việc phát triển vườn ồ ạt, không đảm bảo kỹ thuật canh tác đã khiến nhiều vườn tiêu “dính” dịch bệnh, tiêu bị chết dây nhiều hoặc sinh trưởng chậm, cho năng suất thấp.
Như tại huyện Cư Mgar (tỉnh Đăk Lăk), chỉ trong thời gian ngắn, hơn 60% trong tổng diện tích gần 6.000ha tiêu bị chết dây, 40% còn lại cũng rải rác bệnh. Hay tại huyện Chư Pưh (Gia Lai), ngành nông nghiệp địa phương đã ra sức dập dịch bệnh tiêu chết nhưng đến nay vẫn chưa ngăn được tình trạng này.
Tự mình hại mình
Một vấn nạn nữa trong ngành hồ tiêu hiện nay là do giá tiêu liên tục tăng mạnh, nhiều nông dân thúc ép tiêu phát triển bằng cách bón nhiều phân hóa học và thuốc kích thích tăng trưởng. Do đó, vòng đời của tiêu đang giảm mạnh.
“Trước đây, vòng đời của tiêu kéo dài từ 20 – 25 năm thì nay chỉ còn từ 10 – 12 năm. Việc này nếu tiếp tục diễn ra sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng suất, sản lượng và vốn đầu tư của nông dân vào vườn tiêu” - ông Nam lo lắng.
Hiện tại, diện tích tiêu cả nước ước đạt gần 52.200ha, trong đó diện tích đang cho thu hoạch khoảng 46.100ha, năng suất gần 2,4 tấn/ha. Tổng nguồn cung năm 2012 cả nước dự đoán khoảng 100.000 – 115.000 tấn, giảm khoảng 15 – 20% so với năm 2011.
Nhằm hạn chế những thiệt hại, VPA kiến nghị Sở NNPTNT các tỉnh cùng với cơ quan chức năng nên có biện pháp hạn chế diện tích tiêu trong mức vừa phải. Đồng thời, cần tăng cường mở rộng mô hình trồng tiêu theo các tiêu chuẩn chất lượng của Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC) và chuẩn VietGAP nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.