Tung Tin Đồn Hòng Mua Sắn Non

Trên địa bàn xã vùng sâu Lơ Ku, huyện Kbang (tỉnh Gia Lai), những tháng gần đây xuất hiện một số đối tượng tung tin đồn Trung Quốc sẽ không mua nông sản của Việt Nam, hòng lừa người dân bán sắn non cho họ.
Thông tin này làm cho nhiều hộ nông dân trong xã Lơ Ku hoang mang, lo lắng và họ đã báo chính quyền địa phương để xác minh. Ngay sau khi nắm bắt được thông tin, Đảng ủy xã Lơ Ku đã chỉ đạo cho chính quyền, mặt trận, các đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân và tiến hành điều tra làm rõ.
Ông Trần Văn Bảy, nông dân ở thôn 2 (xã Lơ Ku), một trong nhiều hộ dân đã từng gặp và trao đổi với các đối tượng tung tin đồn cho biết, ban đầu họ gặp nông dân trong vùng và nói đi mua sắn non với giá từ 10 đến 15 triệu đ/ha. Nếu bà con không bán thì cuối năm 2014, Trung Quốc không mua sắn nữa và cho không cũng không ai thèm tới lấy. Nhờ cảnh giác cao nên bà con nông dân đã không đồng ý.
Theo tính toán của nông dân xã Lơ Ku, nếu 1 ha sắn được chăm sóc tốt, với giá bán khoảng 2.000 đ/kg sắn tươi thì sẽ thu về gần 25 triệu đồng, sau khi đã trừ chi phí. Trong khi đó, các thương lái chỉ mua với giá từ 10 đến 15 triệu đồng/ha.
Như vậy, động cơ của các thương lái này khi đưa ra thông tin trên để làm nhụt chí bà con, nhằm mua sắn non của nông dân với giá rẻ mạt. Với tính toán như vậy, mỗi ha sắn mà các đối tượng này mua được sẽ có lời từ 10 đến 15 triệu đồng/ha. Theo ghi nhận, hiện cây sắn đang là cây trồng chủ lực ở vùng Đông Gia Lai, giúp người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế ổn định.
Ngày 17/7, ông Hồ Xuân Dương, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Lơ Ku, cho biết: Sau khi nắm bắt được tình hình thì lãnh đạo Đảng ủy, chính quyền phối hợp với mặt trận và các ban ngành, đoàn thể trong xã xuống các thôn, làng nắm bắt tình hình cụ thể.
Đồng thời, tuyên truyền, động viên bà con không nên tin vào những lời đồn thất thiệt và không bán sắn non cho các đối tượng trên, ảnh hưởng đến kinh tế hộ gia đình. Đảng ủy xã Lơ Ku cũng đã chỉ đạo lực lượng Công an xã kiểm tra, xác minh các đối tượng, các thương lái để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Trước đó, các thương lái Trung Quốc cũng đã đến các vùng chuyên canh của tỉnh Gia Lai để thu mua rễ, gốc cây hồ tiêu; thuê đất để trồng dưa hấu… một cách rất mơ hồ.
Có thể bạn quan tâm

Do tôm chết kéo dài làm cho không ít bà con nuôi tôm trên địa bàn huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) gặp khó khăn trong cuộc sống. Nhiều hộ vay vốn ngân hàng để cải tạo và mua giống thả nuôi với mong muốn có được kết quả khả quan. Nhưng tình trạng tôm chết vẫn cứ diễn ra…

Đa phần nông dân ít được hướng dẫn về an toàn lao động (ATLĐ). Tuy nhiên, nhiều xã tại tỉnh Thái Nguyên, bà con được hướng dẫn cũng chẳng làm theo.

Hệ lụy của việc buôn bán và sử dụng chất tạo nạc Salbutamol trên heo vừa mới tạm lắng thì dịch heo tai xanh tái bùng phát và có nguy cơ lây lan. Theo thống kê của Cục Thú y, cả nước có 8 tỉnh, thành xảy ra dịch và buộc phải công bố. Trong đó, tỉnh Bạc Liêu bị thiệt hại khá nặng nề. Giá heo hơi một thời gian dài không "ngóc đầu" lên nổi thì nay tiếp tục giảm.

Nếu như trước kia chỉ có các chủ vườn xoài mới “bán lá” (theo cách gọi của nhà vườn địa phương) cho thương lái, thì nay hàng loạt vườn trồng cam sành ở huyện Châu Thành (Hậu Giang) đã bị nhà vườn bán cho thương lái. Theo đó, chủ vườn thoả thuận giá cả và giao cả mảnh vườn cho thương lái canh tác theo thời gian giao kèo

Suốt hàng chục ngày nay, trên khắp địa bàn huyện Lục Ngạn - Bắc Giang từ các xã Tân Quang, Tân Lập, Nghĩa Hồ, Thanh Hải…không ngừng “nóng” lên bởi hàng nghìn hộ nông dân trồng vải ồ ạt thu gom lá vải khô bán cho các đại lý.