Từ Vùng Chăn Nuôi Đến Chợ Thực Phẩm An Toàn Xây Dựng Chuỗi Khép Kín
Trước thông tin về dịch cúm gia cầm H5N1 có khả năng bùng phát và lây lan nhanh, cùng với đó, vi rút cúm H7N9, người tiêu dùng e ngại khi mua gia cầm và thịt gia cầm tại các chợ. Nhiều bà nội trợ ưu tiên chọn mua hàng tại chợ thực phẩm tươi sống Lifsap hoặc các vùng chăn nuôi an toàn.
Chợ Lifsap được người tiêu dùng lựa chọn
Khu bán thực phẩm tươi sống tại chợ Đôi (thị trấn Tiên Lãng, Hải Phòng) được dự án Lifsap cải tạo theo mẫu chuẩn. Các quầy bán thịt bề mặt lát đá, nền ốp lát sạch sẽ, bên dưới có tủ đựng, trong chợ có hệ thống chiếu sáng, cấp thoát nước hợp vệ sinh. Chị Nguyễn Thị Nhớ, người bán thịt lợn và thịt gia cầm ở đây cho biết: “Khi chưa nâng cấp chợ thực phẩm tươi sống, chúng tôi bày hàng trên bàn gỗ, sử dụng lâu ngày sạp xập xệ, đến mùa mưa nhớp nháp bẩn.
Từ ngày được dự án Lifsap đầu tư, quầy bán thịt và lối đi đều được ốp đá, lát gạch khang trang, sạch đẹp, thuận tiện vệ sinh trước, sau khi bán hàng. Hàng bán chạy hơn vì người mua an tâm về chất lượng. Đặc biệt thời điểm bùng phát dịch cúm gia cầm, bà con lựa chọn mua gia cầm giết mổ có kiểm dịch an toàn tại chợ thực phẩm Lifsap”.
Theo chị Nguyễn Thị Xuyến, người bán hàng ở chợ Cầu, xã Vĩnh An (Vĩnh Bảo), hiện nay, các hộ bán thịt lợn và thịt gia cầm ở đây đều lấy hàng từ lò giết mổ tập trung tại vùng chăn nuôi VietGAHP của xã Vĩnh An và Việt Tiến.
Đây là 2 cơ sở giết mổ được dự án Lifsap hỗ trợ kinh phí đầu tư nâng cấp, cải tạo, sản phẩm bảo đảm an toàn từ gốc, kiểm soát dịch bệnh từ trại chăn nuôi đến lò giết mổ nên bà con đến mua nhiều hơn.
Còn theo bà Đào Thị Hà, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, Khuyến ngư Hải Phòng, BQL dự án Lifsap Hải Phòng đang tích cực hoàn thiện hồ sơ nâng cấp, cải tạo 19 cơ sở giết mổ gia súc quy mô nhỏ nằm trong vùng chăn nuôi GAHP trong quý 1-2014.
Phấn đấu đến năm 2015, Hải Phòng có 40 cơ sở giết mổ nằm trong vùng chăn nuôi an toàn GAHP được dự án Lifsap hỗ trợ kinh phí nâng cấp, cải thiện điều kiện vệ sinh thú y, môi trường.
Việc đầu tư đồng bộ tạo chuỗi cung ứng an toàn từ 8 vùng chăn nuôi VietGAHP đến các cơ sở giết mổ tập trung nằm trong vùng GAHP, đưa sản phẩm tiêu thụ tại 40 chợ Lifsap (đến năm 2015) và các điểm bán hàng có quầy lạnh sẽ bảo đảm sản phẩm an toàn dịch bệnh, rõ nguồn gốc đến tay người tiêu dùng.
Đến nay, người tiêu dùng có thể mua sản phẩm an toàn tại 5 chợ Lifsap được vận hành sau khi nâng cấp và hết quý 1-2014, sẽ có thêm 18 chợ thực phẩm bày bán sản phẩm chăn nuôi từ vùng GAHP và được giết mổ tại 19 cơ sở giết mổ an toàn được dự án Lifsap đầu tư nâng cấp.
Tăng tốc xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chi cục phó Chi cục Thú y Hải Phòng cho biết, qua giám sát chợ gia cầm sống tại các tỉnh, thành phố phía Bắc và Hải Phòng cho thấy có sự xuất hiện vi rút cúm gia cầm H5N1, tỷ lệ dương tính trong khoảng 10% số gia cầm được xét nghiệm. Như vậy, nguy cơ lây lan dịch cúm từ các chợ buôn bán gia cầm sống, các điểm giết mổ gia cầm nhỏ lẻ là rất cao.
Đáng lo ngại là, Hải Phòng hiện có 731 điểm giết mổ và kinh doanh gia súc, gia cầm nhỏ lẻ. Việc kiểm soát giết mổ do vậy rất khó khăn vì phân tán, hoạt động bất thường, đơn vị thú y không đủ lực lượng kiểm tra. Chi cục Thú y Hải Phòng mới kiểm soát 8% điểm giết mổ và chợ buôn bán gia cầm nhỏ lẻ.
Với dịch cúm gia cầm đang bùng phát mạnh và có khả năng lây lan nhanh như hiện nay, việc xây dựng chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn từ vùng chăn nuôi đến các cơ sở giết mổ an toàn và các chợ thực phẩm Lifsap là rất cần thiết.
Theo ông Nguyễn Văn Quảng (Văn phòng dự án Lifsap tại Hải Phòng), hiện việc xây dựng chợ Lifsap và các cơ sở giết mổ an toàn của dự án đang có nhiều khó khăn. Chẳng hạn hợp phần nâng cấp các chợ thực phẩm, từ khảo sát đến thi công phải qua 15 bước và nhiều lần thẩm định với bộ hồ sơ 7 thủ tục bắt buộc.
Ngoài ra, việc nâng cấp, mở rộng chợ thực phẩm tươi sống theo đúng tiêu chuẩn thiết kế của dự án cũng có nhiều vướng mắc do đa số chợ đã cố định diện tích, việc mở rộng chợ để xây dựng khu kinh doanh thực phẩm tươi sống đạt diện tích, tiêu chuẩn của dự án không dễ, thậm chí không thể thực hiện đối với một số chợ.
Hạ tầng cơ sở nhiều chợ xuống cấp, trong khi định mức đầu tư thấp và hạng mục đầu tư ít, rất vướng mắc khi thiết kế. Hợp phần nâng cấp các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm cũng khó khăn, nhất là các cơ sở giết mổ quy mô lớn.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2011- 2015, Hải Phòng nâng cấp 12 cơ sở giết mổ quy mô lớn, bảo đảm VSATTP theo nguồn vốn của dự án. Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai, việc nâng cấp cơ sở giết mổ lớn vẫn dừng ở việc đề xuất danh mục, hạng mục và định mức hỗ trợ và chưa thực hiện được.
Nguyên do tại hợp phần nâng cấp cơ sở giết mổ do hướng dẫn của Ban dự án Trung ương và các ngành liên quan thiếu, chậm và nhiều vướng mắc, khó đẩy nhanh tiến độ. Do vậy, việc hỗ trợ của dự án Lifsap cho xây dựng các khu giết mổ, chợ thực phẩm an toàn chính là cơ hội để thành phố đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch quản lý kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn.
Có thể bạn quan tâm
Từ ngày 26-29/6/2013, tại Cẩm Phả, Quảng Ninh, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với Trường Cao đẳng Thủy sản tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cá sủ đất cho cán bộ khuyến nông và cộng tác viên khuyến nông cấp tỉnh. Học viên đến từ các tỉnh/thành phố có lợi thế phát triển về ngư nghiệp như: Hải Phòng, Quảng Ninh và Thanh Hóa.
Trong những năm qua, một số gia đình giàu lên nhờ nuôi con đặc sản đúng thời điểm. Thế nhưng, thời gian gần đây, khi con đặc sản được nuôi với số lượng nhiều, thị trường tiêu thụ giảm đã khiến cho không ít hộ gia đình phải chịu cảnh ế ẩm, thua lỗ nặng nề…
Với ý chí và lòng quyết tâm của chàng trai trẻ Dương Quốc Trung, 33 tuổi ở tiểu khu Thạch Lý, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình đã xây dựng thành công mô hình nuôi rắn hổ mang và là người duy nhất nuôi “rắn độc” ở huyện Đà Bắc. Mỗi năm anh xuất bán 3 tạ rắn, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Mặc dù giá các sản phẩm chăn nuôi đã tăng nhẹ trong hơn 1 tháng qua nhưng ngành chăn nuôi vẫn đang phải đối mặt với tình trạng càng nuôi càng lỗ.
Ông Lê Hồng Duyên ở thôn Bồng Lai (Hiệp Thạnh, Đức Trọng, Lâm Đồng) đang trở thành một “địa chỉ cầu nối ”cho người nông dân quanh vùng đến trao đổi kinh nghiệm nuôi bò sữa, đầu tư trang bị máy vắt sữa, hợp tác tiêu thụ ổn định, lâu dài sản phẩm sữa bò tươi.