Tiềm Năng Xuất Khẩu Cá Ngừ Sang Thị Trường Đức

CHLB Đức hiện đang là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam trong số các nước EU, vì vậy có thể nói Đức thực sự là thị trường tiềm năng rất đáng quan tâm để mở rộng xuất khẩu.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), 3 năm trở lại đây, Đức luôn là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam trong khối EU, đồng thời là thị trường nhập khẩu đơn lẻ lớn thứ 2 thế giới của Việt Nam. Năm 2013, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Đức chiếm 8% tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam. Từ năm 2009 tới nay, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường này đã tăng mạnh, từ 13,7 triệu USD lên gần 43 triệu USD (2013).
Với riêng mặt hàng xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam, trong khi xuất khẩu sang Mỹ (thị trường lớn nhất) có xu hướng sụt giảm, thì xuất khẩu sang Đức (thị trường lớn thứ 2 của Việt Nam và thứ 7 thế giới nhập khẩu sản phẩm này với tốc độ tăng trưởng ổn định) vẫn tăng, chiếm hơn 19% tổng giá trị XK cá ngừ đóng hộp của Việt Nam trong năm 2013.
Hiện nước Đức đang nhập khẩu cá ngừ từ 42 nước trên thế giới, trong đó có 4 nước ASEAN, gồm Philippines, Việt Nam, Thái Lan và Indonesia.
Tuy nhiên, việc xuất khẩu cá ngừ của các nước ASEAN, do khó khăn và bất ổn về mặt nguyên liệu cùng với những thay đổi về Quy chế thuế quan phổ cập (GSP), đã tăng giảm thất thường trong 5 năm qua, chỉ trừ xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam vẫn tăng trưởng liên tục qua các năm.
Sau sự sụt giảm hồi năm 2010, hiện xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đã tăng trở lại và vượt qua Thái Lan, Indonesia trong bảng xếp hạng để đứng ở vị trí thứ 5/42 nước xuất khẩu cá ngừ sang Đức hiện nay (chỉ sau Philippines, Ecuador, Papua New Guinea, Hà Lan).
Philippines và Việt Nam tiếp tục cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường Đức do giá cá thấp hơn đáng kể so với Ecuador mặc dù vẫn phải chịu thuế 20,5-24% (Ecuador có lợi thế nhờ FTA với EU nên không phải chịu mức thuế trên).
Nếu trong thời gian tới, Việt Nam có thể tăng được sản lượng khai thác cũng như phẩm cấp của cá ngừ thì khả năng tăng trưởng xuất khẩu của các DN trong nước vào thị trường Đức là rất lớn.
Hơn nữa, mấy năm gần đây thủy sản Việt Nam vào châu Âu thường tập trung vào một số cảng biển lớn của Đức và đây được coi là cửa ngõ để phân phối tiếp sang các nước khác trong EU. Chính vì vậy, việc tăng cường xuất khẩu cá ngừ sang Đức cũng là cơ hội cho các DN nước ta mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước trong khối EU.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 04/9/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020. Theo đó, đối tượng áp dụng gồm các hộ gia đình trực tiếp chăn nuôi lợn, trâu, bò, gia cầm, trừ các hộ chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp (sau đây gọi là hộ chăn nuôi); người làm dịch vụ phối giống nhân tạo gia súc.

Dự án điều chỉnh quy hoạch chi tiết nuôi tôm chân trắng trên địa bàn tỉnh Bến Tre được UBND tỉnh phê duyệt tại quyết định số 1234 ngày 23 tháng 6 năm 2014, theo quy hoạch, đến năm 2015, diện tích nuôi tôm chân trắng của tỉnh đạt 4.390 ha, đến năm 2020 đạt 7.820 ha và đến năm 2030 đạt 8.300 ha. Sản lượng đến năm 2015 đạt 41.340 tấn, đến năm 2020 đạt 75.750 tấn và đến năm 2030 đạt 80.520 tấn.

Nhằm mục tiêu phát triển thế mạnh các loại hình sản xuất, đặc biệt là kinh tế thủy sản một cách bền vững, huyện Bình Đại được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre phân bổ kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nuôi thủy sản tập trung tại 3 xã Đại Hòa Lộc, Thạnh Trị và Thạnh Phước với diện tích khoảng 1.500 ha.

Tôm hùm, một loại hải đặc sản có giá trị kinh tế cao, được chú trọng trong nuôi trồng thủy sản, đem lại nguồn thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho người dân. Tuy nhiên, thời gian qua, nghề nuôi tôm hùm vẫn chưa thực sự phát huy được tiềm năng, thế mạnh.

Con tôm là một trong những đối tượng nuôi chủ lực của ngành thủy sản, với diện tích và sản lượng lớn nhất. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, dịch bệnh trên tôm đã khiến nhiều người nuôi điêu đứng. Nguyên nhân đã được công bố, nhưng khả năng khống chế đến đâu lại vẫn bỏ ngỏ.