Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tư Nghĩa Dồn Sức Cho Vụ Hè Thu

Tư Nghĩa Dồn Sức Cho Vụ Hè Thu
Ngày đăng: 16/05/2014

Nắng gay gắt cùng với công trình bị rò rỉ, hư hỏng, không giữ, dẫn được nước, kênh mương bồi lấp là nguy cơ thiếu nước tưới cho vụ hè thu sẽ diễn ra trầm trọng. Ngành nông nghiệp lẫn nông dân Tư Nghĩa đang dồn sức cho vụ hè thu.

Từng bước duy tu công trình thủy lợi

Sau khi khảo sát các công trình thủy lợi bị hư hỏng nặng, ông Trần Thiên Thanh - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tư Nghĩa cho biết, toàn huyện có 8 công trình đập dâng và hồ chứa, 10 trạm bơm, 120 tuyến kênh mương nội đồng, trong đó chỉ có khoảng 30% tuyến kênh được kiên cố.

Đợt mưa lũ cuối năm 2013 đã làm 2 hồ chứa nước bị sạt lở, bồi lấp; 6 công trình đập dâng và các công trình khác bị hư hỏng nặng; hơn 5 km kênh kiên cố hóa bằng gạch, bê tổng bị sạt lở; gần 27 km kênh đất bị bồi lấp và sạt lở...

Các công trình trên không còn đảm bảo chức năng dự trữ hay dẫn nước tưới. Do kinh phí có hạn nên bước vào vụ đông xuân vừa qua, Tư Nghĩa chỉ trích ít kinh phí, huy động ngày công công ích để nạo vét, đắp đất kênh mương nội đồng, tu sửa nhỏ các công trình thủy lợi. Tuy nhiên, vụ đông xuân thường là vụ được hưởng nguồn nước dồi dào từ mùa mưa trước để lại nên không ảnh hưởng nhiều đến việc tưới tiêu.

Bước vào vụ hè thu năm nay, nắng vừa bắt đầu gay gắt thì hàng loạt hồ đập đã cạn, mực nước xuống thấp, bởi nước thất thoát, rò rỉ do công trình hư hỏng. Nghiêm trọng là công trình đầu mối đập Đồng Quang (Nghĩa Sơn), xây dựng đã hơn 12 năm, nhưng chưa được nâng cấp.

Các đợt lũ lụt, đặc biệt là đợt lũ cuối năm 2013, đã làm xói mòn quanh chân thượng, hạ lưu đến nền đá đập, gây trống chân đập và chân tường cánh gà 2 bên vai đập làm mất an toàn và ổn định dự trữ nguồn nước ở công trình. Các cống lấy nước bị rò rỉ... không còn khả năng tưới cho 70 ha diện tích lúa nước trong vụ hè thu.

Kênh tiêu Tây Hiệp xã Nghĩa Thương bị xói lở hiện cũng không đảm bảo tưới cho 100 ha diện tích lúa nước trong vụ hè thu đến. Các công trình kênh mương và hạ lưu tràn xả lũ hồ chứa nước Hóc Xoài xã Nghĩa Thọ; công trình kênh tưới VC7 xã Nghĩa Kỳ; hạ lưu cống điều tiết phóng thủy xã Nghĩa Hiệp... có công trình thì bị sạt lở, bồi lấp, cuốn trôi các hạng mục tích trữ, dẫn nước...

Chủ động phòng, chống hạn 

Công trình thủy lợi bị hư hỏng, gây thất thoát nguồn nước tưới, cộng với thời tiết nắng gay gắt kéo dài như hiện nay, lũ tiểu mãn lại không về là nguy cơ hạn hán xảy ra trong vụ hè thu đến trên địa bàn huyện Tư Nghĩa. Hiện nông dân, lẫn cán bộ thủy nông, ngành nông nghiệp đang tìm cách phòng, đối phó với hạn hán.

Ông Phạm Văn Sơn – Trạm phó Trạm Thủy nông số 3 huyện Tư Nghĩa, cho biết: Đa số các công trình do Trạm quản lý đã xuống cấp, hư hỏng. Kinh phí cần khắc phục khoảng 500 triệu đồng. Tuy nhiên, Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi chỉ phân về khoảng 100 triệu đồng.

Với kinh phí eo hẹp, Trạm sẽ khắc phục những công trình hư hỏng nặng trước; đồng thời huy động ngày công các địa phương làm sạch các tuyến kênh, sửa chữa các đập bổi, đập dâng để điều tiết nước. Riêng đập Hiền Lương, tạm thời còn giữ được nước ngọt, ngăn được nước mặn, nhưng sắp đến có lũ tiểu mãn, nguy cơ vỡ đập rất lớn. Trạm tiếp tục kêu gọi tỉnh, Công ty hỗ trợ kinh phí để sớm khắc phục.

Trước nguy cơ hạn hán xảy ra sớm hơn mọi năm, Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi đã mở nước Thạch Nham đưa về đồng để nông dân chủ động làm đất xuống giống.

Trong những ngày này ngành nông nghiệp huyện Tư Nghĩa đang tập trung cho việc xuống giống trước mắt và nỗ lực phòng, chống hạn xảy ra ở giữa và cuối vụ. Huyện đã phê duyệt phương án phòng chống hạn, chỉ đạo các hợp tác xã, địa phương huy động nhân công ra đồng đắp đập đất, sửa chữa, nạo vét các tuyến kênh mương hư hỏng, bồi lấp, xuống cấp.

Ông Trần Thiên Thanh - Trưởng Phòng NN&PTNT  huyện cho biết, vào ngày 15.5 đến, huyện huy động lực lượng đoàn viên thanh niên cùng nhân dân ra đồng nạo vét kênh mương, đảm bảo cho tuyến kênh KN 85A xã Nghĩa Trung không rò rỉ, thất thoát nước.

Huyện đã lên phương án cơ cấu một số giống chủ lực để gieo sạ, chịu hạn trong vụ hè thu đến. Một số diện tích bấp bênh nước tưới sẽ chuyển đổi sang cây trồng cạn. Ngành nông nghiệp cũng đang triển khai xây dựng công trình kênh mương kiên cố để đưa nước từ hồ chứa nước Hóc Xoài về hồ Hố Tạc và hồ Hố Tre xã Nghĩa Thuận tưới cho 100 ha diện tích nơi này.

Với cách chủ động, phòng chống hạn sớm ngay từ đầu vụ, huyện Tư Nghĩa sẽ giữ hơn 4.100 ha gieo sạ lúa đúng lịch thời vụ và đảm bảo nguồn nước tưới để đạt năng suất, sản lượng như kế hoạch đề ra.


Có thể bạn quan tâm

Khánh Hải (Ninh Thuận) Đánh Bắt Cá Cào Nặng 200 Kg Khánh Hải (Ninh Thuận) Đánh Bắt Cá Cào Nặng 200 Kg

Ngày 5 - 10, tại bến cá Lăng Tô, ngư dân thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải - Ninh Thuận) đánh bắt được một con cá Cào dài 2 m, nặng khoảng 200 kg. Đây là tín hiệu phấn khởi cho ngư dân địa phương hứa hẹn một mùa biển bội thu.

07/10/2014
Chất Lượng Hải Sản Sau Thu Hoạch Nút Thắt Ở Khâu Bảo Quản Chất Lượng Hải Sản Sau Thu Hoạch Nút Thắt Ở Khâu Bảo Quản

Theo thống kê, trữ lượng cá ở vùng biển Khánh Hòa khoảng 116.000 tấn, hàng năm cho phép khai thác hơn 70.000 tấn. Tuy nhiên, sản lượng hải sản đưa vào chế biến, xuất khẩu của tỉnh chỉ khoảng 50%. Nguyên nhân chủ yếu là do chất lượng hải sản sau thu hoạch không cao.

07/10/2014
Đổi Đời Nhờ Dế Đổi Đời Nhờ Dế

Nằm giữa cánh đồng lúa xanh mơn mởn thuộc xóm Chay - quê hương của mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ - là 6 trại nuôi dế vàng của anh Nguyễn Văn Hưng (40 tuổi, ngụ thôn Thanh Quýt 3, xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).

07/10/2014
Vịt Ta Giảm Giá Mạnh Vịt Ta Giảm Giá Mạnh

Tại nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố như: Ô Môn, Thới Lai, Cờ Đỏ… hiện vịt ta loại đẹp (vịt lông trắng) được nhiều hộ chăn nuôi vịt bán cho thương lái chỉ còn ở mức 34.000 - 35.000 đồng/kg, vịt ta loại thông thường (vịt lông đen, lông xám…) có giá 30.000 - 33.000 đồng/kg. Giá vịt ta giảm chủ yếu do lượng vịt tới lứa xuất bán trong dân đang tăng mạnh.

07/10/2014
Phát Triển Ngành Chăn Nuôi Đòi Hỏi Sự Chủ Động Về Nguồn Thức Ăn Phát Triển Ngành Chăn Nuôi Đòi Hỏi Sự Chủ Động Về Nguồn Thức Ăn

Hầu hết các loại thức ăn chăn nuôi đều phải nhập khẩu, khiến cho giá đầu vào của Việt Nam luôn cao hơn 10 - 20% so với các nước khác. Để giảm chi phí đầu vào, các trang trại chăn nuôi lớn đang áp dụng biện pháp tự phối trộn thức ăn, song trong quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn…

07/10/2014