Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Khai Thác Khơi Xa Gặp Khó

Khai Thác Khơi Xa Gặp Khó
Ngày đăng: 26/12/2014

Khai thác thủy sản khơi xa vốn là thế mạnh của ngư dân Khánh Hòa. Nhưng 2 năm trở lại đây, sản lượng đánh bắt ngày càng sụt giảm, giá cá lại thấp. Nhiều chủ tàu không còn động lực để vươn khơi.

Nhiều tàu khai thác xa bờ đang neo tại cảng Hòn Rớ

Gặp chúng tôi, ông Phan Tái Anh - chủ tàu KH 90016 TS (Hòn Rớ, Phước Đồng, TP. Nha Trang) buồn bã nói: “Năm nay, các tàu câu cá ngừ đại dương đều thất bát. 10 chuyến đi câu thua lỗ hết 6 chuyến, thậm chí thua lỗ nặng. Tuy giá cá ngừ đại dương có tăng (hiện ở mức 100.000 đồng/kg - PV) nhưng sản lượng khai thác đạt quá thấp, chỉ bằng 40 - 45% so với những năm trước nên chúng tôi vẫn lỗ”. Theo lời kể của ông Anh, trong 10 chuyến đi biển của ông, chuyến thắng lợi nhất là câu được 40 con cá ngừ đại dương, sản lượng đạt khoảng 2 tấn, với giá bán hiện nay được 200 triệu đồng, trừ phí tổn hết 130 triệu đồng, gia đình ông cùng với bạn thuyền lãi được 70 triệu đồng. Thế nhưng, trong năm qua, số chuyến đạt sản lượng cao như vậy rất ít; hầu hết chỉ đạt từ 15 - 25 con; có khi chỉ có 3 - 7 con/chuyến nên lỗ nặng.
Trường hợp của ngư dân Kiều Minh Thuận - chủ tàu KH96481TS (Cửa Bé, Vĩnh Trường, TP. Nha Trang) cũng tương tự. 3 chuyến đi biển liên tiếp gần đây của gia đình ông đều thua lỗ. Thế nên, tuy đang là đầu mùa câu cá ngừ đại dương nhưng ông vẫn quyết định cho tàu nằm bờ 1 chuyến để vay mượn tiền và tìm bạn câu mới. Bởi lẽ, sau nhiều chuyến đi không có thu nhập, vốn cạn, bạn câu đã rời bỏ tàu. “Từ đầu năm đến nay, tôi đã thua lỗ 5/8 chuyến ra khơi. Chuyến gần đây nhất lỗ gần 100 triệu đồng, những chuyến trước lỗ khoảng 35 - 40 triệu đồng”, ông Thuận chia sẻ. Khó khăn càng chồng chất khó khăn khi trước mỗi chuyến đi, ông đều phải ứng trước cho 7 bạn thuyền mỗi người 2 - 3 triệu đồng để họ chăm lo cho gia đình, sau khi về bờ nếu lãi thì còn trừ được tiền ứng, nếu lỗ thì cũng mất luôn chi phí này.
Không riêng gì các tàu câu cá ngừ đại dương mà các tàu lưới cản đường dài khai thác cá ngừ sọc dưa cũng lâm vào cảnh tương tự. Nhiều tháng liền, tàu về bờ luôn đạt sản lượng thấp, chỉ dưới 7 tấn cá, trong khi trước đây là 15 - 20 tấn mỗi chuyến. Không chỉ mất mùa mà ngư dân còn chịu cảnh mất giá. Nhiều ngư dân thắc mắc khi sản lượng cá về cảng ít mà giá lại không cao. Hiện cá ngừ sọc dưa chỉ dao động ở mức 19.000 - 20.000 đồng/kg, thấp hơn gần 10.000 đồng/kg so với cùng thời điểm này năm trước. Theo ngư dân Trần Văn Tài (Hòn Rớ, TP. Nha Trang), các ngư trường đánh bắt truyền thống ngày càng cạn kiệt, sản lượng đạt thấp. Không riêng tháng này, các tháng trước các tàu cập cảng chủ yếu thua lỗ, đi 10 chiếc thì lỗ hết 8 chiếc.
Theo thống kê của Ban quản lý cảng cá Hòn Rớ (TP. Nha Trang), năm 2014, tàu thuyền cập cảng đạt khoảng 14.000 lượt, trong đó số lượng tàu thường xuyên neo đậu tại cảng chiếm đến 40%. Nguyên nhân của việc tàu cá nằm bờ là do đánh bắt không có sản lượng.
Hiện nay, ở Hòn Rớ thường tập trung tàu hoạt động 2 nghề chủ yếu là câu cá ngừ đại dương và lưới cản đường dài. Năm nay, 2 nghề này sản lượng đánh bắt đều rất thấp; tính từ đầu năm đến giữa tháng 12-2014, sản lượng thủy sản qua cảng chỉ đạt 16.000 tấn, bằng 88% kế hoạch năm 2014.
Hiện đang mùa mưa bão, không phải là thời điểm thuận lợi cho tàu thuyền ra khơi nên chắc chắn sản lượng sẽ tăng không đáng kể. Ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng Ban quản lý Cảng cá Hòn Rớ khẳng định: “Không chỉ mất mùa mà giá cá cũng thấp khiến nhiều chủ tàu lâm vào cảnh thua lỗ; một số phương tiện nằm bờ hoặc chuyển đổi sang nghề khác. Hoạt động khai thác khơi xa ngày càng gặp nhiều khó khăn”.
Đến cảng cá Hòn Rớ những ngày này, hàng trăm tàu thuyền khai thác xa bờ đang nằm bờ. Trao đổi với nhiều ngư dân, sở dĩ họ không mạnh dạn vay vốn để đóng mới tàu thuyền khai thác theo Nghị định 67 là do cần phải tính toán kỹ hiệu quả khai thác, bởi với sản lượng đánh bắt thấp, giá cá không cao sẽ dẫn đến thua lỗ. Vay rồi làm sao trả được nợ?


Có thể bạn quan tâm

Đồng Bằng Sông Cửu Long Mở Rộng Thị Trường Xuất Khẩu Trái Cây Đặc Sản Đồng Bằng Sông Cửu Long Mở Rộng Thị Trường Xuất Khẩu Trái Cây Đặc Sản

Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Cây ăn quả Miền Nam (SOFRI), hiện nay, trái cây đặc sản chủ lực của đồng bằng sông Cửu Long đang mở rộng thị trường xuất khẩu đến 76 nước trên khắp các châu lục, tăng hơn 13 nước so với năm trước.

14/08/2013
“Nữ Tướng” Trồng Rau Thủy Canh “Nữ Tướng” Trồng Rau Thủy Canh

Tuy là phận nữ nhi, nhưng chị Đoàn Thị Hoa (36 tuổi) ở khu phố 4, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh, không kém cánh mày râu, đã năng động, mày mò xây dựng mô hình trồng rau thủy canh, để hàng tháng thu lãi từ rau cải khoảng 15 triệu đồng.

14/08/2013
Nông Dân Điêu Đứng Vì Bảo Hiểm Tôm Nuôi Nông Dân Điêu Đứng Vì Bảo Hiểm Tôm Nuôi

Tôm chết kéo dài, không còn vốn tái sản xuất, kinh tế gia đình gặp khó khăn, nhưng người nuôi tôm công nghiệp (NTCN) vẫn phải mỏi mòn chờ số tiền được chi trả theo hợp đồng bảo hiểm. Nó giống như một món nợ xấu mà trước nay nông dân mới lần đầu gặp phải.

14/08/2013
Ðể Người Nuôi Tôm Không Phải Ðể Người Nuôi Tôm Không Phải "Treo Ao"

Chỉ còn hơn một tháng nữa, vụ nuôi tôm thứ hai của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) sẽ bước vào thu hoạch. Tuy vậy, suốt gần một tuần qua, mưa lớn kéo dài đang khiến cho người nuôi tôm lẫn doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) như ngồi trên đống lửa, bởi mưa lớn bất thường kèm bão sẽ làm thay đổi nguồn nước nuôi tôm, khả năng thất bát là rất lớn.

15/08/2013
Đề Phòng Dịch Cúm Trên Các Đàn Chim Đề Phòng Dịch Cúm Trên Các Đàn Chim

Hiện nay dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đang tạm thời được kiểm soát, tuy nhiên nguy cơ dịch cúm gia cầm trên đàn chim là rất cao.

15/08/2013