Trúng Mùa Gừng Non
Mỗi năm, khi mùa nước lũ về thì cũng là lúc người dân trồng gừng củ trên địa bàn huyện Long Mỹ lại bắt đầu vào vụ thu hoạch gừng non. Trái hẳn với không khí ảm đạm của vụ gừng năm trước, hiện nay, nông dân thu hoạch gừng trong niềm vui được mùa, trúng giá, đầu ra rất thuận lợi.
Huyện Long Mỹ là một trong những địa phương có diện tích trồng gừng lớn nhất của tỉnh. Vụ gừng năm nay, toàn huyện trồng được 41ha, tập trung ở các xã Xà Phiên, Thuận Hòa, Long Bình, Long Trị, Long Trị A, Vĩnh Viễn,...
Đến thời điểm này, đã có hơn 5ha thu hoạch và chủ yếu là gừng được trồng trên nền đất ruộng hoặc một số khu vực vùng trũng nên phải bán gừng non để chạy lũ. Riêng gừng chính vụ thường thu hoạch tập trung vào tháng 11 và 12 hàng năm.
Hiện nay, dù giá gừng đã giảm khoảng 5.000 đồng/kg so với cách nay gần 1 tháng, nhưng vẫn ở mức từ 17.000-20.000 đồng/kg. Tuy giá có giảm, nhưng nhiều nông dân thu hoạch gừng trong lúc này vẫn cảm thấy phấn khởi vì so với cùng kỳ năm trước thì giá vẫn cao hơn gấp 2 lần.
Vừa nhổ xong gần 1 tấn gừng thương phẩm, bà Trịnh Thị Phải, ở ấp Bình Lợi, xã Long Bình, vui vẻ cho hay: “Không ai ngờ năm nay gừng được giá như thế này. Năm trước, gia đình tôi chỉ bán với giá 8.000 đồng/kg, riêng vụ này vừa bán được 20.000 đồng/kg, thu về lợi nhuận gần 10 triệu đồng”.
Cùng niềm vui trên, anh Hồ Thanh Tuyền, ở ấp 1, xã Long Trị, chia sẻ: “Vụ gừng năm nay, gia đình tôi trồng 900kg gừng giống trên diện tích gần 4 công, với sản lượng thu hoạch gần 11 tấn, bán với giá 23.000 đồng/kg (bán cách nay gần 1 tháng), sau khi trừ chi phí, còn lợi nhuận hơn 100 triệu đồng”.
Hiện nay, do giá gừng đang ở mức cao, nên tình hình tiêu thụ của người dân rất thuận lợi, thu hoạch đến đâu đều có thương lái mua hết đến đó. Ông Nguyễn Văn Khải, một thương lái mua gừng trên địa bàn huyện Long Mỹ, thông tin: Năm trước, do giá gừng bấp bênh, cộng với thời tiết bất lợi làm cho nhiều diện tích gừng của người dân bị thiệt hại.
Từ đó, gừng vụ này ở nhiều nơi giảm, nguồn cung tương đối ít, trong khi nhu cầu tiêu thụ ở các tỉnh như: An Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng tăng cao và cả nguồn để xuất khẩu sang Campuchia đang thiếu, nên giá gừng tăng mạnh vào đầu vụ. Nếu giá gừng ở mức 7.000 - 8.000 đồng/kg là nông dân đã có lãi, còn với giá như hiện nay thì người trồng gừng thắng đậm.
Theo Phòng Kinh tế huyện Long Mỹ, hầu hết diện tích gừng trên địa bàn huyện chủ yếu người dân trồng trên nền liếp cao, có mương thoát nước.
Tuy nhiên, vài năm gần đây, một số hộ đưa gừng trồng xuống ruộng để thay thế cây lúa. Bởi theo kinh nghiệm của nhiều hộ trồng gừng, lúc nhỏ gừng rất cần độ ẩm, nhưng lại không chịu được ngập nước nên trồng trên nền đất ruộng sẽ tiện lợi, vừa tiết kiệm được chi phí bơm tưới, vừa tăng năng suất, lại nhẹ công chăm sóc và lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.
Trồng thời gian khoảng 6 tháng là có thể thu hoạch bán gừng thương phẩm (đối với gừng trồng dưới ruộng). Riêng ở những liếp cao có thể kéo dài thời gian chăm sóc từ khoảng 10 tháng đến 1 năm để bán gừng giống.
Việc thu hoạch gừng sớm trong lúc này sẽ làm cho sản lượng giảm hơn so với vài tháng nữa, nhưng bù lại giá bán cao hơn gấp đôi so với vụ thu hoạch rộ mà lại không hao hụt do ngập úng, từ đó nhiều hộ vẫn thích bán gừng trong thời điểm này hơn.
Tuy nhiên, để trồng gừng trên đất ruộng đạt hiệu quả, thì đòi hỏi phải có kinh nghiệm và kỹ thuật. Ông Nguyễn Văn Thảo, ở ấp 1, xã Long Trị có hơn 10 năm trồng gừng, chia sẻ: “Trồng gừng trên đất ruộng phải xuống giống sớm (khoảng tháng 3) để khỏi bơm tưới và thu hoạch trước khi nước tràn bờ.
Đất trồng cần phải làm tơi xốp, khi trồng gừng phải lên luống cao ráo, tạo đường rãnh để dễ thoát nước và chăm sóc, nhằm tránh tình trạng gặp con nước lớn hay mưa dầm sẽ gây thối củ, chết cây”.
Bên cạnh niềm vui được giá, vụ gừng năm nay, người dân cũng có nhiều nỗi lo, đó là dịch bệnh trên cây gừng bắt đầu xuất hiện. Theo bà con nông dân, hiện nay củ gừng bắt đầu có dấu hiệu bị thối, ảnh hưởng lớn đến năng suất và việc chuẩn bị giống gừng để trồng vụ sau.
Anh Đoàn Minh Toàn, ở ấp Bình Lợi, xã Long Bình, chia sẻ: “Khi trồng gừng, sợ nhất là bị bệnh thối củ do vi khuẩn gây ra và hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị.
Trên diện tích gừng đang trồng nếu đã bị thối củ thì từ 4-5 năm sau mới có thể trồng lại, vì nếu trồng sớm, vi khuẩn còn tồn tại trong đất sẽ tiếp tục gây hại. Khi phát hiện gừng bị bệnh thì phải nhanh chóng nhổ bỏ và tiến hành thu hoạch, nếu không thì chỉ một thời gian ngắn sẽ lây lan toàn bộ diện tích và lúc này coi như thất thu hoàn toàn”.
Ông Lê Hồng Việt, Phó phòng Kinh tế huyện Long Mỹ, cho hay: Diện tích gừng của toàn huyện năm nay giảm khoảng 6ha so với cùng kỳ, do giá cả vụ rồi thấp nên bà con không trồng lại. Thời tiết năm nay cơ bản thuận lợi nên cây gừng cho sản lượng khá.
Hơn nữa, giá gừng đầu mùa năm nay cao hơn mọi năm nên nhiều gia đình đã có nguồn thu đáng kể. Tuy đầu ra và giá cả hiện nay có thuận lợi, nhưng chưa ổn định nên địa phương chỉ khuyến khích người dân duy trì ở mức hiện tại chứ không mở rộng thêm, vì rất có thể khi diện tích tăng cao sẽ dễ rơi vào tình trạng mất giá.
Có thể bạn quan tâm
Theo Sở NN - PTNT Bắc Giang, năm nay toàn tỉnh có 1,8 ngàn ha nhãn cho thu hoạch, sản lượng ước đạt hơn 15 ngàn tấn, tăng 2 ngàn tấn so với năm ngoái.
Bộ Tài chính vừa công bố giá thành lúa HT 2015 ở ĐBSCL. Theo đó, giá thành bình quân lúa vụ HT 2015 ở ĐBSCL cao hơn 196 đ/kg so với giá thành bình quân vụ HT 2014.
Đến tháng 6/2015, diện tích nhiễm bệnh đốm nâu đã tăng lên 2.582 ha, chủ yếu tại 2 huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc, tuy nhiên không có diện tích nhiễm nặng. Theo dự báo của Chi cục Bảo vệ thực vật, diện tích bị nhiễm và mức độ nhiễm bệnh đốm nâu trên cành non và các lứa trái chính vụ sẽ tiếp tục gia tăng trong mùa mưa.
Do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh trên biển Đông đã gây mưa lớn trên địa bàn huyện Tánh Linh từ ngày 7/7 cho đến nay, đồng thời nước sông La Ngà dâng cao đã gây ngập úng trên 661 ha lúa.
Tình trạng phá mía để chuyển sang cây trồng khác đang là một thực trạng diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương.