Trồng Táo Xanh Theo Tiêu Chuẩn VietGAP
Được triển khai từ tháng 8/2012 tại xã Phước Sơn (Ninh Phước) trên diện tích 2,5 ha, mô hình trồng táo xanh theo tiêu chuẩn VietGAP bước đầu mang lại hiệu quả trong việc “sạch hóa” nông sản, là hướng đi phù hợp, tạo chỗ đứng tin cậy trên thị trường.
Mô hình do Ban quản lý Dự án Cạnh tranh nông nghiệp tỉnh triển khai, với sự tham gia của 10 hộ dân ở hai thôn Ninh Quý 1 và Ninh Quý 3. Ngoài việc được hướng dẫn chi tiết quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn của VietGAP, các hộ còn được hỗ trợ một phần vật tư nông nghiệp và tập huấn về cách sử dụng các chế phẩm vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, an toàn, đảm bảo sức khỏe cho bản thân và người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Văn Thành (thôn Ninh Qúy 3) cho biết: “Tôi tham gia mô hình với diện tích 2 sào, được hướng dẫn thực hiện và ghi chép cụ thể từng thời điểm bón phân, tưới nước, sử dụng thuốc như thế nào,… Mặc dù tổng chi phí đầu tư có cao và quy trình phức tạp hơn nhưng qua nửa năm thực hiện, tôi thấy cây táo ít sâu bệnh, lượng thuốc phải dùng cũng ít hơn, năng suất táo thì đạt hơn, sạch và an toàn hơn.” Ông Thành cũng cho biết thêm, mặc dù quy trình này khá chặt chẽ nhưng rất dễ làm, không hề khó khăn như mọi người vẫn nghĩ. Các hộ nông dân ngoài mô hình cũng rất quan tâm, học hỏi cách làm mới này. Quy trình sản xuất nông sản theo VietGAP quản lý và đảm bảo an toàn ở tất cả các khâu từ chuẩn bị làm đất đến bảo quản sau thu hoạch, thông qua 4 tiêu chuẩn: kỹ thuật sản xuất, an toàn thực phẩm, môi trường làm việc và truy nguyên nguồn gốc. Do vậy, sản phẩm đưa ra thị trường không chỉ mang tính an toàn mà còn có khả năng truy nguyên nguồn gốc khi xuất hiện vấn đề liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm.
Xã Phước Sơn hiện có trên 250 ha táo, chiếm hơn ¼ diện tích táo toàn tỉnh nên nếu mô hình này được nhân rộng thì đây sẽ là vùng nguyên liệu táo sạch, hoạt động sản xuất và thu nhập của nông dân sẽ ổn định. Tuy nhiên, vấn đề người trồng táo theo tiêu chuẩn VietGAP đang băn khoăn là đầu ra của sản phẩm. Ông Dương Thanh Tùng, Chủ tịch Hội nông dân xã Phước Sơn cho biết: Hiện tại, các hộ tham gia mô hình này vẫn tự bán sản phẩm thông qua thương lái trên địa bàn, với giá ngang bằng giá táo loại thường, tức dao động quanh mức 10.000 đồng/kg, tùy kích cỡ và mẫu mã.
Hiện nay, các sản phẩm chế biến từ quả táo như nước ép, táo sấy khô, mứt táo, rượu táo,… chưa nhiều. Quả táo xanh Ninh Thuận chủ yếu dùng ăn tươi, sản xuất và tiêu thụ tự do, chưa có bao bì nhãn mác. Táo thu hoạch chưa qua sơ chế nên thời gian bảo quản ngắn, chỉ khoảng 4 ngày.
Được biết, hiện Hội Nông dân tỉnh cùng với Sở Khoa học và Công nghệ đang xúc tiến xây dựng Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Táo xanh Ninh Thuận. Đây sẽ là cơ sở tốt cho các doanh nghiệp mạnh dạn xây dựng thương hiệu, đưa sản phẩm táo sạch ra thị trường trong và ngoài nước. Khi ấy, cây táo xanh sẽ thật sự trở thành một trong những cây trồng chủ lực của địa phương với hiệu quả kinh tế bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Đến xã Quang Lãng (huyện Phú Xuyên – TP Hà Nội) qua khu Bãi Tạ (thôn Sảo Hạ) nếu như trước năm 2010 nơi đây là khu lò gạch, ngổn ngang những gò đất, hố sâu do lấy đất và những ống khói cao ngất hàng ngày xả khói ra môi trường, giờ đây khi thành phố có chủ trương cấm đốt, sản xuất gạch tại các khu vực này thì thay vào đó là các trang trại chăn nuôi bò sữa, bò thịt đang đi vào hoạt động có hiệu quả.
Hôm qua 5.8, Tổng cục Biển & hải đảo (Bộ Tài nguyên - môi trường) phối hợp với Chi cục Biển & hải đảo Quảng Nam tổ chức hội nghị “Truyền thông về quản lý tổng hợp đới bờ (THĐB) cho dải ven biển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ”. Hội nghị đã nêu một số bài học kinh nghiệm và đặt ra nhiều giải pháp hoàn thiện cơ chế, qua đó nâng cao công tác quản lý THĐB trong thời gian đến.
Sau một thời gian dài giảm giá mạnh, khoảng 1 tháng gần đây, giá bán các sản phẩm chăn nuôi như lợn, gà… đang tăng dần trở lại. Đây được xem là tín hiệu vui để người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Hưng Yên tiếp tục duy trì chăn nuôi, yên tâm tái đàn.
Cây dây leo rừng Amazon được sử dụng làm gốc ghép có tên khoa học là Piper Colubrinum link, xuất xứ từ Nam Mỹ, được nhập từ Campuchia, Thái Lan về để ghép, chúng có hình thái khá giống cây trầu nên thường được bà con gọi nôm na là cây trầu Nam Mỹ.
Lượng gạo thơm này được tạo ra chủ yếu từ các cánh đồng mẫu lớn (CĐML) mà nông dân thường gọi là cánh đồng liên kết. Mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp là nền tảng tạo ra cơ sở vũng chắc cho một hướng đi mới để tạo lập thương hiệu gạo Việt Nam theo hướng gia tăng giá trị hạt gạo, giúp nhà nông có thể yên tâm trồng lúa.