Mía, mì héo hắt vì hạn

Giữa trưa, tại vùng mía thuộc thôn Lam Sơn (xã Ninh Sim), 10ha mía của ông Lê Mạnh Hùng (thôn Lam Sơn) xơ xác dưới những đợt gió nóng. Ông Hùng chia sẻ: “Từ tháng 4 tới nay, cứ 1 tuần/lần, tôi phải bơm nước từ suối lên cứu mía, tưới giáp vòng một đợt mất khoảng nửa tháng, chi phí cho mỗi lần tưới hết 800.000 đồng. Tuy vậy, đến thời điểm này, nước suối cũng đã cạn kiệt, không thể tiếp tục bơm tưới được nữa...”. Ông Hùng còn lo bệnh trắng lá mía hoành hành. Vụ trước, ông có 4ha mía bị trắng lá, sản lượng chỉ còn 20%, thất thu 70 triệu đồng. Năm nay, bệnh trắng lá tiếp tục phát triển với diện tích 1ha, ông đã nhổ bỏ một số. Tuy nhiên, theo ông, nếu trời mưa, bệnh này sẽ còn lây lan mạnh hơn.
Những diện tích mía lưu gốc còn có thể chống đỡ với thời tiết khắc nghiệt, còn diện tích mía trồng mới, mầm bị điếng do thiếu nước nên chết hàng loạt. Bà Phùng Thị Tuyết Vân (thôn Lam Sơn) cho biết, vừa qua, bà phải phá bỏ 2,5ha mía do thiếu nước, mầm khô. Bà chuyển toàn bộ diện tích này sang trồng mì; thế nhưng, hom mì cũng không được, mầm chết khô, thiệt hại hàng chục triệu đồng. Ông Nguyễn Hà Trung - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Lam Sơn cho biết, toàn thôn có 280ha mía, mì (160ha mía). Thời gian gần đây, tình hình nắng nóng đã làm thiệt hại 70% diện tích mía, 100% diện tích mì, chủ yếu là những ruộng mía, mì giống.
Theo ông Trương Công Danh - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Sim, xã có gần 2.000ha đất nông nghiệp, trong đó mía 1.500ha, mì 200ha, còn lại là hoa màu. 9 tháng qua, địa bàn xã không có mưa nên các ao, hồ, suối đã khô cạn. Nắng hạn cộng với gió Nam khô nóng khiến cây trồng héo rũ, đặc biệt là các diện tích trồng mới đều bị chết. Ước tính, diện tích mía chết 200ha, mì chết 100ha, thiệt hại bình quân 22 triệu đồng/ha mía, 12 triệu đồng/ha mì. Xã đang thống kê diện tích thiệt hại trình thị xã hỗ trợ.
Tại các cánh đồng mía của xã Ninh Tây, rải rác đã có nhiều diện tích mía non chết, để lại vùng đất trống. Theo ông Nguyễn Văn Được (thôn Xóm Mới), 0,5ha mía giống ông vừa đưa vào trồng cách đây 1 tháng hầu như không thể mọc lên được, ngọn mía thiếu nước chết mầm, tỷ lệ sống chỉ khoảng 10%, thiệt hại cả chục triệu đồng. Ông Y Ty - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Tây xác nhận, hàng trăm hecta mía, mì trên địa bàn xã bị thiệt hại.
Theo lãnh đạo Trạm Bảo vệ thực vật Ninh Hòa, thời tiết khắc nghiệt đã ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng, chủ yếu là cây mía với diện tích bị héo hơn 2.000ha, tập trung tại 10 xã phía tây thị xã; tỷ lệ mọc mầm chỉ đạt 50 - 60%, có diện tích bị chết mầm cây con. Bệnh trắng lá mía tiếp tục gây hại trên diện tích mía lưu gốc khoảng 130ha. Trạm khuyến cáo nông dân tiến hành xới xáo kịp thời ruộng mía non để giữ ẩm cho đất, giúp cây mía có thể chịu được hạn; ngoài ra cần tiếp tục nhổ bỏ mía bị bệnh trắng lá đem tiêu hủy và xử lý vôi tại vị trí nhổ bỏ.
Ông Đặng Cửu - Trưởng phòng Kinh tế thị xã cho biết, do hầu hết các diện tích mía, mì đều nằm trong vùng có độ dốc, không có hệ thống thủy lợi nên không chủ động được nước tưới. Đến nay, thị xã vẫn chưa triển khai việc thống kê, rà soát diện tích thiệt hại do chưa có kinh phí hỗ trợ. Về bệnh trắng lá, năm 2014, kinh phí tỉnh hỗ trợ gần 5,6 tỷ đồng cho 2.100ha. Từ đầu năm đến nay, thị xã đã tổ chức 9 lớp chuyên đề cho khuyến nông viên và nông dân phòng, chống bệnh trắng lá mía, nhưng tình hình bệnh chưa thể dừng lại.
Trong tình hình nắng hạn kéo dài như hiện nay, thị xã cần chỉ đạo các xã thống kê, rà soát thiệt hại để có kế hoạch hỗ trợ cho nông dân.
Có thể bạn quan tâm

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố mức áp thuế chống trợ cấp đối với con tôm Việt Nam vào thị trường Mỹ sẽ chịu mức thuế chung là 4,52%. Hệ lụy của việc áp thuế này, vựa tôm sú ĐBSCL sẽ tiếp tục phải đối mặt với khó khăn và thách thức mới.

Sản phẩm cá tra xuất khẩu đã rơi vào tình trạng thừa, thị trường xuất khẩu khó khăn vì rào cản thương mại, kỹ thuật. Làm gì để phát triển bền vững ngành cá tra là vấn đề một lần nữa được đặt ra tại Hội nghị Ban chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL ngày 21-8, tại TP Cần Thơ. Dịp này, Tổng Cục thủy sản trình bày Dự thảo về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra và lấy ý kiến đóng góp từ các DN.

Do diện tích đất trồng cỏ bị thu hẹp, nhiều người dân ở xã Dương Hoà (Thừa Thiên Huế) nuôi trâu, bò bằng cách chăn thả rong trong rừng, thỉnh thoảng mới vào kiểm kê và thăm nom. Nắm được quy luật này, bọn trộm trâu đã ra tay khiến người dân thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Dù sản phẩm gà đồi Yên Thế (Bắc Giang) đã được cấp nhãn hiệu chứng nhận từ năm 2011, nhưng cho đến nay, việc giữ gìn và phát huy nhãn hiệu đặc sản này vẫn gặp không ít khó khăn do phải cạnh tranh với các loại gà thương phẩm khác trong nước và gà Trung Quốc (TQ)...

Ông Huỳnh Kim - Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Cù Lao Dung cho biết, trong các năm qua, đơn vị đã tập trung ưu tiên đầu tư vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Riêng với cây trồng chủ lực của địa phương là cây mía, Agribank Cù Lao Dung có sự quan tâm đặc biệt hơn.