Trồng Rong Sụn Trong Lồng Lưới
Nhằm giúp ngư dân trồng rong sụn hiệu quả, đầu năm 2011 Trung tâm Khuyến nông QG giao Trung tâm KN-KN các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa triển khai dự án “Nhân rộng mô hình trồng rong sụn trong lồng lưới trên biển”.
Trung tâm KN-KN Khánh Hòa triển khai tại 2 phường Cam Phúc Bắc và Cam Nghĩa (TP Cam Ranh) với 6 hộ tham gia. Kết quả qua 2 vụ SX năm 2011 - 2012 đạt năng suất bình quân 12,5 tấn rong khô/ha, trừ chi phí mỗi hộ lãi 45 triệu đồng. Vụ năm 2012 - 2013, sau 6 tháng trồng rong sụn trong lồng lưới, năng suất bình quân mỗi hộ đạt 18 tấn rong khô/ha, bán với giá 17.000 đ/kg, lãi hơn 100 triệu đ/hộ.
Anh Lê văn Hoàng, tổ dân phố Hòa Do 4, phường Cam Phúc Bắc tham gia mô hình cho biết, khi áp dụng trồng rong sụn trong lồng lưới thì năng suất, chất lượng rong tốt hơn so với cách trồng lâu nay mà gia đình anh vẫn áp dụng là trồng dây đơn trên đáy. Bởi mô hình này khắc phục được tình trạng cá, cua cắn phá và rong bị thất thoát do bị rụng.
“Nếu trồng 1 tấn rong theo phương pháp dây đơn trên đáy, sau 6 tháng nuôi trồng nếu thuận lợi thì thu hoạch khoảng 30 tấn tươi, tương đương 4 tấn khô, bán với giá 17.000 đ/kg, trừ chi phí lãi hơn 40 triệu đồng. Còn trồng rong trong lồng lưới cũng chừng diện tích ấy nhưng thu hơn 50 tấn tươi (hơn 7 tấn khô), bán giá trên người trồng lãi gần 100 triệu đồng”, anh Hoàng chia sẻ.
Trong vụ chính năm nay, anh Hoàng trồng 1 tấn rong giống, với giá đầu tư 7.000 đ/kg, thu hoạch 3 lứa, sản lượng trên 65 tấn tươi, phơi khô được 8 tấn. Với giá bán rong khô hiện nay từ 17.000 - 18.000 đ/kg, doanh thu trên 140 triệu đồng, trừ chi phí thu lãi trên 100 triệu.
Còn hộ anh Vi Thanh Hưng ở gần bên cũng nhờ áp dụng mô hình trồng rong sụn trong lồng lưới cho thu nhập khá. Anh Hưng khẳng định: "Qua vài vụ áp dụng mô hình này tôi thấy rong sụn không còn bị cá, cua ăn và thất thoát như trước. Với diện tích 6 sào, vụ đầu tiên gia đình tôi thu hoạch cho lãi gần 60 triệu đồng, còn vụ năm nay thì lãi hơn 80 triệu, cao hơn so với phương pháp trồng rong trên dây đơn trên đáy".
Anh Hưng còn cho biết, mấy năm trước gia đình chỉ đầu tư trồng vụ chính, từ tháng 10 đến tháng 3 âm lịch; còn vụ từ tháng 4 đến tháng 9 thì không làm bởi dịch hại nhiều, không có lãi. Khi tham gia mô hình trồng rong sụn trong lồng lưới có thể trồng được quanh năm.
Tương tự, tại phường Cam Nghĩa nhiều hộ tham gia mô hình trồng rong sụn trong lồng lưới cũng cho năng suất cao, trên 18 tấn khô/ha, lãi trên 100 triệu đ/ha.
Trao đổi với ông Vũ Thọ Sơn, Trưởng phòng Khuyến ngư (Trung tâm KN-KN Khánh Hòa) cho biết: Dự án trồng rong sụn trong lồng lưới trên biển là mô hình mới góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao cho ngư dân. Với mô hình này, thì quá trình trồng rong sụn của bà con sẽ khắc phục “vấn nạn” rong bị cá ăn và sóng đập gãy.
Bởi thực tế trước đây, rong sụn thường được thả trực tiếp xuống biển thông qua giàn dây leo rồi cột rong vào. Đây là những hạn chế khiến người trồng bị thiệt hại về kinh tế. Thay vào đó, trồng rong sụn trong lồng lưới (mỗi lồng cao 1m, đường kính 50 cm, cách nhau 1m và đặt trồng cách bờ khoảng 20 - 30 m) có tác dụng ngăn cá vào ăn rong. Đồng thời người trồng có thể dễ dàng kiểm tra, thu hoạch cũng như vệ sinh lồng lưới hằng ngày.
Ông Sơn cho biết, tỉnh Ninh Thuận đang xây dựng một nhà máy chế biến rong sụn tại TP Phan Rang - Tháp Chàm có công suất 6.000 tấn rong nguyên liệu/năm để chiết suất keo carrageenan - một loại keo có giá trị sử dụng rất lớn trong ngành công nghiệp thực phẩm, mỹ phẩm…
Vì vậy để đáp ứng đủ nguyện liệu cho nhà máy này thì việc hình thành và mở rộng vùng SX rong nguyên liệu là cần thiết. Hy vọng khi nhà máy đi vào SX sẽ tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nghề trồng rong sụn ở Khánh Hòa.
Có thể bạn quan tâm
Theo đánh giá ban đầu của Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Bộ NNPTNT, hiện trung bình mỗi tỉnh người dân bỏ ruộng với diện tích từ 100ha trở lên.
Vừa qua, tại Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Nam bộ (An Thái Trung, Cái Bè) đã diễn ra Hội nghị triển khai Quy chế quản lý đàn cá tra bố mẹ chọn giống. Đồng chủ trì hội nghị có ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản và ông Nguyễn Văn Trọng Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, cùng hơn 30 đại biểu là lãnh đạo Sở NN&PTNT, chi cục thủy sản, trung tâm giống và các cơ sở sản xuất giống có nhận đàn cá tra chọn lọc của 10 tỉnh vùng ĐBSCL.
Hiện người nuôi cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phải “gồng lưng” chịu lỗ từ 3.000 đến 5.000 đồng/kg cá tra thương phẩm. Đã lỗ, còn bị doanh nghiệp ép giá, chiếm dụng vốn khiến nông dân không còn tiền tái đầu tư nuôi mới. Tình trạng “treo ao” diễn ra khắp vùng, có nơi diện tích “treo ao” lên đến 60%. Sản phẩm chiến lược quốc gia vì đâu nên nỗi?
Nghề nuôi vịt đẻ trứng lúc thăng lúc trầm, nhưng nhờ quyết tâm cao, chịu khó học hỏi mà ông Vũ Ngọc Quy (ấp 2, xã Phú Điền, huyện Tân Phú, Đồng Nai) được xem là vua vịt đẻ trứng ở xứ này.
Cách đây gần 2 năm, Đồng Nai đã triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn ở một vài địa phương, kết quả mang lại khá tốt. Thế nhưng, khi chính sách hỗ trợ rút đi thì người dân lại khó duy trì cánh đồng mẫu lớn.