Trồng Rau Trái Vụ Thu 1 Tỷ Đồng/ha
Nhờ áp dụng những phương pháp canh tác tiên tiến, hàng nghìn hộ dân ở Hà Nội đã trồng thành công các loại rau ôn đới vào mùa hè, thu nhập lên tới cả tỷ đồng/ha/năm.
Trồng su hào giữa mùa hè
Lâu nay, người tiêu dùng vẫn nghĩ các loại rau ôn đới như su hào, bắp cải… chỉ có thể trồng được quanh năm ở những vùng khí hậu lạnh như Sa Pa, Đà Lạt, Mẫu Sơn hay Tam Đảo. Tuy nhiên, vài năm gần đây, các cán bộ ngành bảo vệ thực vật (BVTV) đã giúp nông dân một số vùng ngoại thành Hà Nội áp dụng thành công các biện pháp kỹ thuật để trồng rau ôn đới quanh năm (còn gọi là rau trái vụ), góp phần giúp bà con tăng thu nhập, với mức trung bình 1 tỷ đồng/ha mỗi năm.
Bà Nguyễn Thị Vinh ở xã Tiên Dương (huyện Đông Anh) vừa thu xong lứa su hào trái vụ phấn khởi cho biết: “Gia đình tôi có 4 sào chuyên canh cây su hào, trung bình mỗi năm trồng 4 lứa, 2 lứa vụ đông và 2 lứa vụ hè, thu nhập bình quân đạt 10 triệu đồng/sào/vụ”. Theo bà Vinh, hiện giá su hào dao động từ 4.500 - 5.500 đồng/củ, mỗi sào thu được khoảng 3.000 củ. Nếu giá cả thị trường ổn định thì với 4 sào su hào, bà Vinh thu nhập khoảng 160 triệu đồng/năm.
Theo bà Nguyễn Thị Hằng – Phó Trạm trưởng Trạm BVTV huyện Đông Anh (Chi cục BVTV Hà Nội), để phát triển vùng rau hiệu quả, huyện đã “cắm” tất cả các kỹ sư xuống tận xã, mỗi kỹ sư phụ trách 20ha trên tổng số hơn 400ha rau của huyện. Theo đó, trong quá trình sản xuất, các kỹ sư sẽ chỉ đạo bà con sản xuất rau an toàn từ đầu vào cho tới đầu ra để đảm bảo chất lượng. Bà Hằng cho biết: Chỉ cần dùng một kỹ thuật đơn giản là sử dụng nylon che cho rau, bà con có thể giúp cây hạn chế ánh sáng vào mùa hè, hạn chế mưa, giảm lượng nước tưới, giảm sâu bệnh... Nhờ biện pháp này nông dân Đông Anh đã thành công với các sản phẩm rau trái vụ.
Cần hỗ trợ đầu ra ổn định
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Nguyễn Duy Hồng – Chi Cục trưởng Chi cục BVTV TP.Hà Nội cho biết: “Vào mùa hè, nhiều nơi không thể trồng được su hào nên giá rau thường rất cao, đặc biệt những năm mưa úng nhiều, các vùng rau khác bị thiệt hại lớn thì ở vùng rau Đông Anh, người dân vẫn được thu hoạch với sản lượng khá nhờ ứng dụng các phương pháp kỹ thuật. Việc xây dựng thành công vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn, trong đó có trồng rau trái vụ, ngoài giá trị về mặt kinh tế còn đảm bảo an toàn cho người sử dụng bởi bà con tuân thủ quy trình kỹ thuật khá nghiêm ngặt, đặc biệt là giảm lượng thuốc BVTV”.
Ông Đỗ Duy Chuyên - Chủ nhiệm HTX Rau an toàn Tiên Dương cho biết, hiện xã có gần 200ha sản xuất rau đảm bảo đúng quy trình an toàn của ngành BVTV, nhưng do chưa có thương hiệu nên phần lớn lượng rau vẫn phải tiêu thụ qua thương lái.
Họ thường thu mua mang về chợ Thổ Tang (Vĩnh Phúc) rồi từ đó đem đi tiêu thụ khắp các tỉnh thành, chỉ một phần nhỏ vào được siêu thị với giá rau sạch. Do đó, rau sạch của Tiên Dương đã bị “đánh đồng” với các loại rau ở vùng khác, thậm chí còn phải cạnh tranh gay gắt với cả rau của Trung Quốc. Để ổn định đầu ra và giúp người trồng rau sạch Tiên Dương nhận được thành quả xứng đáng với công sức bỏ ra, rất mong các cơ quan chức năng hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho người dân.
"Hiện sản lượng rau của Hà Nội mới đáp ứng được 50% nhu cầu tiêu dùng của thành phố. Vì vậy, việc phát triển rau trái vụ không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân mà còn góp phần tăng nguồn cung rau cho Hà Nội” - Ông Nguyễn Duy Hồng – Chi Cục trưởng Chi cục BVTV TP. Hà Nội.
Có thể bạn quan tâm
Thực hiện mô hình luân canh 2 vụ lúa 1 vụ màu, nhiều nông dân tại xã Phú Ninh, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) đã chọn cây bắp lai trồng trên đất lúa cho lợi nhuận khá.
Bình Đại (Bến Tre) đang cố gắng khôi phục diện tích trồng cây ca cao bị chết do biến đổi khí hậu và triển khai nhiều giải pháp mở rộng diện tích, trong đó chú trọng việc sử dụng các loại giống có triển vọng như: TD3, TD5, TD7, TD8, TĐ, TD10, TD11.
Từ đầu năm đến nay, nhiều vườn đu đủ của nông dân xã Đá Bạc (huyện Châu Đức - Bà Rịa Vũng Tàu) đã bị nhiễm bệnh “khảm vàng” với tốc độ lây lan nhanh, làm năng suất thu hoạch giảm mạnh.
Những tháng đầu năm diện tích thanh long nhiễm bệnh đốm trắng ở Bình Thuận gần 2.400 lượt ha. Nhờ tăng cường tập huấn, hướng dẫn nông dân cách phòng trừ nên đến cuối tháng 5 giảm còn 44 ha. Tuy vậy vào tháng 6 do thời tiết mưa nhiều, độ ẩm cao nên bệnh đốm trắng trên cây thanh long có chiều hướng phát triển, diện tích bị nhiễm thêm 94 ha, nâng tổng số nhiễm bệnh đến nay trên cây thanh long toàn tỉnh là 144 ha.
Nông dân Lê Văn Chơn (31 tuổi) ngụ ấp Hòa An, xã Hòa Lạc (Phú Tân - An Giang) cho biết, tận dụng ao nuôi cá tra bỏ trống (khoảng 5.000m2), ông chuyển sang mô hình nuôi trứng nước.