Trồng Rau Sạch Dưới Gầm Bàn, Trên Sân Thượng, Trong Bệnh Viện Để Ăn

Rau treo trên tầng cao
Trước kia, người ta chỉ thấy những vườn rau xanh tốt được trồng ở ngoài đồng ruộng; nay, với người thành phố, trên tầng cao chót vót cũng có thể trồng được những loại rau xanh tốt. Điều này đã trở thành phổ biến ở thành thị khi rau “bẩn” bán ngoài chợ ngày càng nhiều.
Chị Trần Thị Kim Nhung ở Nhân Mỹ (Mỹ Đình), đã trồng rau sạch được gần một năm nay trên tầng 5 ngôi nhà đang ở, cho biết, mới đầu chị chỉ mua một vài khay nhựa, đất và giống về trồng thử. Thấy quy trình không mấy phức tạp, tranh thủ thời gian rảnh nên chị mạnh tay đầu tư trồng thêm để có nhiều rau sạch cho gia đình dùng hàng ngày.
Chị Nhung cho hay, hiện khoảng trống sân thượng trên tầng 5 của gia đình đã trở thành vườn rau xanh tốt, với đủ loại từ rau ăn lá, ăn quả đến gia vị. Mùa nào thức ấy, chịu khó chăm sóc nên gia đình chị không còn phải ra chợ mua thêm rau xanh nữa.
Rau chui dưới gầm bàn
Trong khi đó, chị Quỳnh ở ngõ 20 Hồ Tùng Mậu (Cầu Giấy, Hà Nội) lại kể rằng một số gia đình tại khu phố nhà chị hết tận dụng sân thượng, ban công lại còn trồng rau ngay dưới gầm bàn uống nước ở phòng khách.
Chị Quỳnh nói: “Trồng rau mầm không cần ánh sáng nhiều, trong khi độ ẩm luôn phải đảm bảo nên nhiều nhà diện tích chật hẹp còn để khay rau mầm ở dưới gầm bàn uống nước hay trong phòng bếp. Để ở đó, rau còn phát triển nhanh hơn ngoài trời”.
Rau mọc trên rác thải
Anh Nguyễn Ngọc Khuyến (phường Tân Thới Hiệp, quận 12, TP.HCM) sau thời gian tự mày mò, nghiên cứu đã chế tạo thành công mô hình tháp xử lý rác kết hợp trồng cây bằng cách tận dụng nguồn rác bếp, hữu cơ để trồng rau sạch tại nhà.
Hiện với năm tháp, gia đình sáu thành viên đã dư rau sạch ăn hằng ngày, chưa kể ba tháng qua gia đình anh Khuyến không phải tốn tiền rác.
Anh Khuyến cho biết chỉ cần cho rác nhà bếp, rau củ mềm vào ống, vi sinh chuyển hóa thành mùn, trùn ăn mùn thải ra phân, phân trùn là nguồn dinh dưỡng cho cây nên cây trồng trong tháp sinh trưởng nhanh hơn trồng đất và không cỏ, ít tiêu tốn nước.
Đất khuôn viên bệnh viện thành vườn rau
Sau khi tận dụng hết không gian trống ở gia đình, không ít người còn “canh tác” rau trên cả đất khuôn viên cơ quan hay ở bệnh viện.
Vào khu nhà I (Trung tâm Xương khớp - Chấn thương chỉnh hình) của Bệnh viện E, hầu hết phần đất khuôn viên dành để trồng cây, hoa cảnh đều được tận dụng để trồng đủ các loại rau từ rau muống, rau lang, mùng tơi, rau bí cho đến diếp cá, ngải cứu...
Một bác sĩ tại bệnh viện này cho biết, mọi người làm ở đây tận dụng khuôn viên này để tự trồng lấy rau sạch ăn. Mỗi loại rau trồng một ít cũng gần đủ cung cấp rau xanh cho gia đình.
Rau lấn vỉa hè
Trên dọc vỉa hè đường Hồ Tùng Mậu (Cầu Giấy), không ít người dân còn có “phát kiến” trồng rau sạch trên phần đất dưới gốc cây trước vỉa hè của nhà mình.
Tại con đường này, mỗi gốc cây có diện tích chỉ khoảng 1m2 nhưng hầu hết đều được các gia đình sống ở đó tận dụng để trồng các loại rau tạo thành hàng trăm “vườn” rau trên vỉa hè khiến nhiều người đi đường vì tò mò, lạ mắt mà giảm tốc độ đi xe chậm lại để ngắm nghía.
Nhà giàu trồng rau vào chậu cảnh
Trong khi đó, tại các khu đô thị ở Hà Nội, người dân còn tạm gác thú chơi cây cảnh, cá cảnh để dùng bồn, chậu cảnh trồng rau sạch.
Dạo quanh những khu đô thị như Văn Quán, Yên Hòa, Mỹ Đình... ở Hà Nội, không khó để có thể bắt gặp cảnh những chậu trồng cây cảnh, những bể cá nay đã chuyển thành những “vườn” cải, xà lách... xanh tốt.
Nhiều người cho rằng, tự trồng rau vừa đảm bảo nguồn rau an toàn, vừa tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ.
Có thể bạn quan tâm

Sáng 31/3, tại TP Tuy Hòa, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT Phú Yên tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chuyên đề Quản lý và phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm tại các tỉnh Duyên hải miền Trung.

Thời điểm thu hoạch càphê niên vụ 2013-2014, giá càphê nhân trên thị trường Tây Nguyên đạt 34.000 đồng/kg, thậm chí có lúc chỉ còn 31.000 đồng/kg, khiến đa phần nông dân không dám bán mà cất trữ, chờ giá lên. Hiện tại, giá càphê nhân tại đây tăng lên 40.900 - 41.600 đồng/kg nên bà con đồng loạt bán ra thị trường.

Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, việc bà con nông dân được mùa-mất giá là do sản xuất nông nghiệp hiện vẫn trong tình trạng không chính quy, chạy theo phong trào.

Báo cáo tại hội nghị, ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó cục trưởng Cục Khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết: Vụ cá Bắc năm 2013 – 2014 gặp nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến thất thường; giá xăng, dầu tiếp tục tăng ảnh hưởng đến hoạt động khai thác hải sản; giá bán các sản phẩm khai thác không tăng; tình hình an ninh trên biển vẫn còn diễn biến phức tạp.

Bộ Công thương vừa có văn bản gửi các cơ quan thông tấn báo chí thông báo kết quả xác minh việc thương nhân Trung Quốc thu gom các loại nông, lâm sản và "những mặt hàng khác lạ"... sau khi yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát.