Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nuôi Cá Trắm Đen Ở Yên Đức (Quảng Ninh)

Nuôi Cá Trắm Đen Ở Yên Đức (Quảng Ninh)
Ngày đăng: 14/08/2014

Thực hiện chương trình nông thôn mới, đến nay bộ mặt nông thôn của xã Yên Đức (Đông Triều - Quảng Ninh) có sự đổi thay nhanh chóng với các tuyến đường bê tông liên thôn, xóm, nhiều nhà cao tầng khang trang, hiện đại được xây dựng, đời sống người dân ngày càng được nâng lên.

Đó là kết quả chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng uỷ, chính quyền xã trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, ứng dụng KHKT, đưa những con giống mới cho năng suất, giá trị kinh tế cao vào sản xuất…; trong đó có dự án ứng dụng KHCN vào nuôi cá trắm đen thương phẩm được triển khai ở Yên Đức.

Đưa chúng tôi đi thăm mô hình nuôi cá trắm đen ở thôn Chí Linh, anh Trần Văn Bình, cán bộ khuyến ngư của xã, cho biết: “Địa hình của Yên Đức chủ yếu là núi đá, xen lẫn ao, hồ; nhiều vùng trũng cấy lúa kém hiệu quả.

Triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay xã đã chuyển 1/3 diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi thuỷ sản, nâng tổng diện tích nuôi thuỷ sản của xã lên 173ha. Đã có nhiều hộ coi đây là nghề chính của gia đình và nhiều hộ trở nên khá giả và giàu có từ nuôi thả cá, tôm”.

Chúng tôi đến thăm ao nuôi của gia đình ông Nguyễn Phúc Tăng, một trong những hộ tham gia mô hình nuôi cá trắm đen thương phẩm ở xã. Vừa cho cá ăn, ông Tăng vừa cho biết: Trước kia gia đình cũng đã nuôi cá trắm đen lẫn với các loại cá rô phi, chép... nhưng vì nuôi ghép, số lượng ít, nên hiệu quả kinh tế không cao.

Từ khi được tham gia vào dự án (tháng 9-2013), được Phòng NN&PTNT huyện hướng dẫn kỹ thuật nuôi, cách chăm sóc cá, được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí mua con giống đầu vào và cách cho cá ăn bằng thức ăn công nghiệp, thì hiệu quả cao hơn hẳn. Lúc đầu gia đình cũng hơi ngạc nhiên, bởi cá trắm đen ngoài tự nhiên chủ yếu ăn các loại ốc, cỏ, nay lại cho cá ăn thức ăn công nghiệp.

Nhưng sau một thời gian nuôi, thấy cá phát triển tốt, không bị bệnh, cho hiệu quả kinh tế cao hơn các loại cá nước ngọt khác, nên gia đình đã mạnh dạn mở rộng diện tích nuôi cá trắm đen lên 8.000m2. Theo như dự án thì sau khoảng 1 năm nuôi, cá trắm đen sẽ đạt trọng lượng khoảng 1,5kg trở lên/con. Nhưng hiện đã có những con nặng trên 2kg. Mô hình nuôi này sẽ đem lại nguồn thu lớn cho gia đình.

Dự án ứng dụng KHCN nuôi cá trắm đen thương phẩm trên diện tích 1,5ha của huyện Đông Triều bắt đầu được triển khai thực hiện từ tháng 9-2013 với mô hình thí điểm tại xã Yên Đức, có kinh phí hơn 470 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 210 triệu đồng (70% chi phí con giống; 30% chi phí thức ăn và vôi phòng trị bệnh), còn lại các hộ đối ứng.

Phòng NN&PTNT huyện đã cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá trắm đen cho bà con trong suốt quá trình nuôi, để đảm bảo cá phát triển tốt.

Xã phối hợp chặt chẽ với Phòng NN&PTNT huyện, Hội Nghề cá của xã tích cực vận động bà con trong xã tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi cá trắm đen; tuyên truyền kịp thời trên hệ thống loa truyền thanh của xã, thôn về cách phòng trị bệnh cho cá, vệ sinh ao, đầm, để các hộ tham gia chủ động, thực hiện đúng quy trình nuôi cá trắm đen.

Anh Trần Văn Bình, cán bộ khuyến ngư xã, cho biết thêm: Trước đây, cá trắm đen chỉ được nuôi thả với số lượng ít trong ao, đầm của một vài hộ dân. Việc nuôi dựa vào kinh nghiệm; hình thức nuôi quảng canh, thức ăn cho cá hầu như từ tự nhiên có sẵn trong ao, như ốc, cỏ..., nên cá hay bị dịch bệnh, năng suất thấp.

Từ khi tham gia dự án, bà con được phổ biến, chuyển giao KHKT, nên đã nắm vững được các yếu tố cơ bản của quy trình nuôi cá trắm đen. Đặc biệt, thay vì thức ăn cho con cá trắm đen phụ thuộc vào tự nhiên, nay chuyển đổi sang thức ăn công nghiệp, nhờ đó các hộ nuôi đã chủ động được nguồn thức ăn cho cá, hạn chế được dịch bệnh, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với trồng lúa.

Mô hình nuôi cá trắm đen được triển khai lần đầu tại xã Yên Đức theo hình thức nuôi công nghiệp, thích hợp với nguồn nước, đồng đất, khí hậu nơi đây. Đến thời điểm này, tại ao nuôi của gia đình ông Tăng và các hộ nuôi khác trong xã, cá phát triển tốt, trọng lượng trung bình đạt khoảng 1,5kg/con.

Đến cuối năm nay, mô hình sẽ cho thu hoạch vụ đầu tiên, dự kiến năng suất khoảng 10 tấn/ha, giá thành từ 100-120 nghìn đồng/kg. Đây là tín hiệu vui cho các hộ gia đình nuôi cá trắm đen theo phương pháp công nghiệp ở xã Yên Đức, mở ra hướng đi mới trong nuôi thuỷ sản của xã nói riêng, huyện Đông Triều nói chung.


Có thể bạn quan tâm

Tìm Lối Đi Cho Rau An Toàn Tìm Lối Đi Cho Rau An Toàn

Hiện nay, nhu cầu về các sản phẩm sạch và an toàn trở thành bức thiết đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, có một nghịch lý đang tồn tại là khi người nông dân bắt đầu sản xuất rau an toàn thì họ lại vướng phải nhiều rào cản từ thị trường tiêu thụ.

16/10/2014
Về “Rốn Lũ” Săn Cá Đồng Về “Rốn Lũ” Săn Cá Đồng

Nằm giữa vùng Đồng Tháp Mười trù phú, nổi tiếng xa gần với các đặc sản mùa nước nổi, chợ cá đồng Trường Xuân, huyện Tháp Mười là một địa điểm thú vị không những thu hút cư dân bản địa mà đây còn là điểm đến hấp dẫn đối với những ai có ý định săn đặc sản đồng quê vào mùa nước ở Đồng Tháp.

16/10/2014
Trước Thông Tin Cam Sành Hà Giang Bán Tràn Lan Trên Thị Trường Trước Thông Tin Cam Sành Hà Giang Bán Tràn Lan Trên Thị Trường

Cứ đến đầu tháng 10 hàng năm, người tiêu dùng lại lo lắng khi sản phẩm cam sành trôi nổi trên thị trường gắn nhãn mác cam sành Hà Giang được bày bán công khai với giá rất rẻ, chỉ từ 10 - 15 ngàn đồng, thậm chí có nơi chỉ bán với giá 6-8 ngàn đồng. không chỉ giá rẻ mà các loại cam đang được bày bán có mẫu mã đẹp, không có hạt, nhìn rất bắt mắt nên người tiêu dùng cứ vô tư mua về dùng.

16/10/2014
Cây Trồng Vụ Đông, Ấm Lòng Người Dân Quản Bạ Cây Trồng Vụ Đông, Ấm Lòng Người Dân Quản Bạ

Những năm qua, cây trồng vụ Đông đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Qua kinh nghiệm sản xuất của bà con, vụ Đông phải được gieo trồng sớm, đảm bảo thời gian sinh trưởng và thu hoạch mà không ảnh hưởng tới sản xuất vụ Xuân. Vào thời điểm này, bà con huyện Quản Bạ đã hoàn thành 50% diện tích cây trồng vụ Đông.

16/10/2014
Những Nông Dân Năng Động Những Nông Dân Năng Động

Bằng sự nhạy bén, năng động, dám nghĩ, dám làm trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng nhiều mô hình sản xuất mới phù hợp, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Phụng Hiệp trở thành những tấm gương tiêu biểu trong lao động sản xuất.

16/10/2014