Trồng Ném Theo Quy Trình Thích Nghi Với Biến Đổi Khí Hậu
Trên vùng cát hoang trước đây ở xã Hải Quế, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) vốn rất khó để canh tác cây trồng, đây cũng là trăn trở lớn đối với địa phương.
Tuy nhiên, những năm trở lại đây, được sự hỗ trợ của dự án Biến đổi khí hậu, người dân địa phương đã cải tạo đất đưa vào trồng cây ném theo quy trình thích nghi với biến đổi khí hậu. Hiện loại cây trồng này đã sinh trưởng và phát triển tốt, tạo ra tín hiệu vui trên vùng đất khó.
Với mong muốn tạo thêm sinh kế ở vùng đất cát hoang hóa vốn còn chiếm diện tích rất nhiều trên địa bàn, từ năm 2010, được sự hỗ trợ của Dự án Biến đổi khí hậu thuộc Trung tâm phát triển miền Trung (Trường Đại học Nông lâm Huế), xã Hải Quế đã triển khai thí điểm trồng cây ném trên vùng cát hoang.
Ban đầu, địa phương vận động người dân trồng thử nghiệm 0,5 ha ném trên vùng cát hoang hóa vốn chưa từng được khai thác. Sau một thời gian cải tạo đất, người dân đã bắt đầu gieo hạt. Cùng với đó, cán bộ dự án cũng đã mở các lớp tập huấn rồi trực tiếp hướng dẫn nông dân cách bón phân, chăm sóc cây trồng, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật để có thể giúp cây trồng nhanh chóng sinh trưởng phát triển.
Nhờ nắm vững và tuân thủ nghiêm túc cách thức trồng ném theo phương pháp biến đổi khí hậu mà người dân đã canh tác bài bản, qua đó giúp cây ném nhanh chóng sinh trưởng và phát triển tốt. Trên diện tích được thí điểm đã cho thu hoạch với sản lượng ném đạt khá cao, dù là canh tác trên đất chưa thuần thục.
Điều này hứa hẹn mở ra hướng làm ăn mới đầy triển vọng trong thời gian tới. Trong các năm 2011, 2012, địa phương tiếp tục thí điểm mở rộng diện tích trồng ném để có thể có số liệu đối chứng một cách chính xác. Và điều vui mừng là trong quá trình canh tác liên tục đã tạo ra sự màu mỡ cho số diện tích được cải tạo, nhờ đó năng suất, sản lượng và chất lượng cây ném trồng đã tăng lên theo từng năm.
Bà Trần Thị Lựu, Phó Chủ tịch UBND xã, phụ trách dự án Biến đổi khí hậu xã Hải Quế cho biết: “Trong năm 2013 này, sau khi tổ chức đánh giá ban đầu về hiệu quả của việc trồng ném theo phương pháp biến đổi khí hậu, chúng tôi đã bàn bạc với dự án và thống nhất mở rộng diện tích trồng ném lên thành 6 ha ở 3 thôn là Đơn Quế, Hội Yên và Kim Long với khoảng 50 hộ tham gia. Mỗi thôn sẽ hình thành mỗi nhóm hộ cùng trồng với nhau.
Hiện chúng tôi đã hướng dẫn bà con xuống giống được hơn một tháng và số diện tích này cũng đã bắt đầu phát triển khá tốt. Trên cơ sở số diện tích này, nếu thành công tốt thì thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của dự án để mở rộng diện tích trồng ném, qua đó vừa cải tạo đất cát hoang cằn cỗi vừa tạo thêm thu nhập cho nông dân địa phương”.
Tham quan thực tế các vườn trồng ném ở các thôn Kim Long, Đơn Quế, Hội Yên, chúng tôi chứng kiến bà con đang tất bật chăm sóc cho vườn ném với nhiều niềm vui. Dù chỉ mới trồng hơn 1 tháng nhưng phần lớn diện tích ném này đã bắt đầu xanh tốt, bụi cây dày lá… Ông Nguyễn Trọng Quân, chủ nhóm hộ trồng ném thôn Kim Long vui vẻ nói: “Trước đây nghe trồng ném trên cát hoang này bà con chúng tôi cũng không tin tưởng sẽ thành công.
Tuy nhiên nhờ sự hỗ trợ về giống, phân bón và hướng dẫn phương pháp cải tạo đất, canh tác của cán bộ dự án mà bà con đã làm theo và bước đầu đã mang lại hiệu quả khả quan. Ném trồng trên vùng cát cằn cỗi đạt năng suất, sản lượng và chất lượng không thua kém ở vùng đất thuần thục. Điều này khiến bà con rất vui mừng và tin tưởng vào hướng làm ăn mới trên vùng cát hoang, bạc màu trong thời gian tới”.
Được biết, hiện tại giá ném cây bán ở địa bàn đạt từ 18.000 - 20.000 đồng/kg (nguyên cây), thời điểm giá cao đạt đến 28.000 đồng/kg. “Gia đình tôi trồng 2 sào, tính bình quân mỗi vụ thu hoạch cũng được trên 4 tạ ném nguyên cây, với giá bình quân 20.000 đồng/kg thì bán được 8 triệu đồng, trừ chi phí cũng còn được trên 5 triệu đồng.
Thời gian trồng đến khi thu hoạch ném cũng chỉ khoảng 3 tháng nên có thể nói cây ném có hiệu quả kinh tế rất cao, đặc biệt đối với vùng cát như ở xã Hải Quế”, ông Nguyễn Tý ở thôn Kim Long cho biết. Cũng như gia đình anh Tý, vợ chồng ông Nguyễn Cư dù tuổi đã cao nhưng vẫn canh tác hơn 1 sào ném sau vườn nhà.
Bà Trần Thị Lựu cho biết, tiềm năng phát triển cây ném trên địa bàn xã Hải Quế là rất lớn vì vẫn còn rất nhiều diện tích đất cát hoang hóa chưa được cải tạo. Vào đầu năm 2013, dự án và địa phương đã phối hợp tổ chức tọa đàm liên kết với doanh nghiệp, cụ thể là Công ty Thương mại Quảng Trị để tìm đầu ra bền vững cho ném hạt của địa phương. Theo đó, một số lượng ném hạt của xã Hải Quế đã được Công ty Thương mại Quảng Trị mang ra trưng bày và bán trong siêu thị ở thành phố Đông Hà và cũng đã tiêu thụ tốt với giá cao.
“Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với dự án và một số doanh nghiệp nữa để tổ chức tọa đàm nhằm tạo ra sự liên kết để có thể có được thị trường tiêu thụ ném hạt ổn định, bền vững. Việc xây dựng thương hiệu cho cây ném cũng đã được địa phương tính tới và tiến hành khi đã đạt được các điều kiện cần thiết. Trồng để bán ném hạt mới đạt được hiệu quả cao và là mục đích chính của chúng tôi trong tương lai”, bà Lựu cho biết thêm.
Có thể bạn quan tâm
Cụ thể theo thông tin từ Sở NN-PTNN Cà Mau, giá tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg, giá ngày 28/4 là 102.000 đ/kg, hiện chỉ còn 81.000 đ/kg. Loại 70 con/kg giá 114.000 đ/kg, nay còn 96.000 đ/kg.
Theo kế hoạch, diện tích thả nuôi cá tra năm 2014 của Đồng Tháp là gần 2.000 ha, ước sản lượng 180.000 tấn. Nhưng đến thời điểm này diện tích thả nuôi trong tỉnh chỉ có 1.333 ha.
Xây dựng và phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trở thành vùng trọng điểm quốc gia về sản xuất nông nghiệp và đánh bắt, nuôi trồng thủy sản của cả nước với tốc độ tăng trưởng cao. Phát triển mạnh kinh tế biển, du lịch sinh thái cảnh quan sông nước tầm quốc gia và quốc tế.
UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, đã ra quyết định về việc ban hành quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Cà phê Arabica Lang Biang” - nhãn hiệu cà phê thứ hai của Lâm Đồng sau nhãn hiệu “Cà phê Di Linh”.
Tại TX Sông Cầu, người đầu tiên trồng rong nho là anh Lương Khắc Lâm. Anh Lâm cho biết: “Cách đây 2 năm, tôi từ TP Tuy Hòa ra xã Xuân Phương (TX Sông Cầu) trồng rong nho. Ban đầu, tôi mua khoảng 500kg giống (25.000 đồng/kg) ở Khánh Hòa về trồng trên diện tích ao hơn 1.500m2.