Trồng nấm nghề mới, thu nhập cao ở Sơn Động
Từ trồng nấm ăn
Theo đánh giá của UBND huyện Sơn Động, đã có nhiều hộ dân trên địa bàn huyện thoát nghèo, làm giàu từ nghề trồng nấm dù đây là nghề mới. Mô hình trồng nấm của gia đình ông Nông Văn Rót ở thôn Han 2, xã An Lập là một điển hình.
Ông Rót cho biết, hơn 300 m2 đất đồi trồng cây ăn quả trước đây cho thu nhập không cao đã được gia đình ông chuyển đổi thành lán trại trồng nấm. Ngoài nấm sò, nấm rơm sản xuất bằng kỹ thuật đơn giản, ông còn trồng, chăm sóc mộc nhĩ, nấm mỡ là những loại đòi hỏi kỹ thuật cao hơn. Vụ nấm vừa qua mang lại cho gia đình ông khoảng 100 triệu đồng tiền lãi.
Ở thôn Gốc Gạo, xã Cẩm Đàn, gia đình chị Lãnh Thị Hằng từng là hộ nghèo nhưng giờ đây nghề trồng nấm giúp kinh tế gia đình ổn định hơn. Trước kia, ngoài 2 sào ruộng, lúc nông nhàn vợ chồng chị chỉ biết vào rừng khai thác lâm sản phụ, thu nhập chẳng được là bao lại lúc có lúc không nên cuộc sống rất khó khăn. Sau khi được tập huấn nghề trồng nấm cùng với sự hỗ trợ của Hội Nông dân và bà con xung quanh, cuối năm 2013, gia đình chị dựng lán trại để trồng nấm sò, nấm mỡ. Nhờ thu nhập từ bán nấm, gia đình chị Hằng từng bước cải thiện đời sống.
Để giúp các hộ thuận lợi trong việc tiếp cận kỹ thuật trồng nấm và bao tiêu sản phẩm, huyện đã thành lập HTX Sản xuất tiêu thụ nấm ăn, nấm dược liệu Sơn Động do ông Nông Văn Rót là Giám đốc. Cùng với mở rộng diện tích trồng nấm của gia đình, ông Rót còn trực tiếp hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật cho xã viên. Từ 22 hộ trồng nấm trên địa bàn huyện năm 2014, đến nay HTX Sản xuất tiêu thụ nấm ăn, nấm dược liệu Sơn Động đã có 150 thành viên ở nhiều xã tham gia.
Đến thử nghiệm nấm dược liệu
Không chỉ sản xuất các loại nấm ăn, tháng 2-2015, UBND huyện Sơn Động phối hợp với Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam thử nghiệm mô hình trồng nấm lim xanh ở 6 hộ thuộc HTX sản xuất tiêu thụ nấm ăn, nấm dược liệu Sơn Động của huyện, mỗi hộ 1 nghìn bịch. Theo các hộ tham gia thử nghiệm, trồng nấm lim xanh đòi hỏi kỹ thuật khá cao khi chăm sóc, phải lựa chọn nguồn nước sạch, theo dõi nhiệt độ và điều chỉnh độ ẩm phù hợp... song cho kết quả rất khả quan. Sau 3 tháng chăm sóc nấm lim xanh được thu hoạch, giá bán hơn 1 triệu đồng/kg. Có hộ ước thu được khoảng 50 triệu đồng/vụ.
Được biết, với nấm sò, nấm mỡ, sau mỗi vụ thu hoạch người trồng lại phải chuẩn bị nguyên liệu cho vụ mới nhưng với nấm lim xanh được cấy trên thân gỗ keo, một bịch nấm có thể cho khai thác trong vòng 2 năm. Đây cũng là ưu điểm nổi bật của nấm dược liệu. Bên cạnh đó, hiện đầu ra của sản phẩm này khá thuận lợi, đến vụ thu hoạch, thương nhân ở Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Nội… tìm đến tận nơi thu mua.
Ông Hoàng Văn Thông, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Sơn Động cho biết: “Kết quả ban đầu cho thấy nấm lim xanh phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương. Vì vậy, thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu với UBND huyện có chính sách hỗ trợ về phôi giống, bịch nấm cho các xã viên HTX. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan chuyển giao kỹ thuật và nhân rộng mô hình trồng nấm dược liệu để loại nấm này thực sự trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, giúp người dân xóa đói giảm nghèo”.
Nấm lim xanh trước đây chỉ có trong rừng Sơn Động nay đã vươn lên trong vườn nhà nhờ bàn tay chăm sóc của nông dân. Với hiệu quả kinh tế thu được, nghề trồng nấm đã giúp người dân vùng cao đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu, chung tay bảo vệ tài nguyên rừng.
Với hiệu quả thiết thực từ trồng nấm, nhiều người đến học hỏi kinh nghiệm của các xã viên. Một số xã viên HTX cũng đầu tư mở rộng lán trại sản xuất, vì vậy diện tích, sản lượng nấm thương phẩm ngày càng tăng.
Có thể bạn quan tâm
Nông dân Bắc Cạn trồng dong riềng tràn lan, sản lượng tăng đột biến, tiêu thụ không hết, tư thương khống chế giá giảm gần một nửa so với năm trước. Tiền bán dong riềng không đủ trả công thu hoạch và vận chuyển làm cho nông dân lao đao.
Toàn tỉnh Bình Phước hiện có khoảng hơn 10.000 ha hồ tiêu (chiếm gần 20% diện tích cả nước), tập trung nhiều nhất ở 3 huyện: Lộc Ninh (3.552 ha), Bù Đốp (2.007 ha) và Hớn Quản (1.420 ha) với năng suất bình quân đạt 2,9 tấn/ha.
Trồng thành công giống chanh Bắc trên vùng rừng núi chỉ quen với những loại cây công nghiệp như điều, cà phê, cao su, anh Đinh Văn Anh ở thôn 9, xã Đức Liễu (Bù Đăng - Bình Phước) khiến nhiều người khâm phục.
Hàng năm, Việt Nam sản xuất hơn 40 triệu tấn lúa hàng hóa các loại, đóng góp cho xuất khẩu hơn 7,7 triệu tấn gạo (năm 2012), tuy nhiên, sản lượng lúa được nông dân bán trực tiếp cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo chỉ chiếm 5,1% con số trên.
Đất không nghèo, nhưng suốt cả một thời gian dài, người dân Khánh Sơn (Khánh Hoà) hằng đau đáu trước câu hỏi lấy cây trồng nào làm chủ lực? Rồi cây sầu riêng có mặt, mở ra một hướng đi mới cho chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở địa phương. Song, việc xây dựng và giữ gìn thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn hiện vẫn rất gian truân.