Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trồng Mít Sạch

Trồng Mít Sạch
Ngày đăng: 04/08/2014

Không sử dụng bất kỳ loại thuốc BVTV nào nhưng vườn mít của ông Lương Văn Tám (Tám Quýt), 63 tuổi ở ấp Long Hòa A2, xã Long Thạnh (Phụng Hiệp, Hậu Giang) vẫn xanh tốt, cho trái to, đẹp và được thị trường ưa chuộng.

Cho trái quanh năm

Sau bao năm làm công tác ở xã và miệt mài bên mảnh ruộng, khi về hưu lão nông này lại không mặn mà với ruộng đồng mà quyết định chuyển sang làm vườn để thay đổi cuộc sống.

Ông Tám Quýt cho biết: “Bản thân tuổi đã cao, ngoài lo cho gia đình còn lo chuyện đồng áng thì không thể nào kham nổi, chỉ có cách làm vườn mới mong được nhẹ nhàng, thảnh thơi. Chính vì thấy mít dễ trồng, chi phí đầu tư thấp lại nhẹ công chăm sóc nên tôi chọn để canh tác”.

Không chịu cảnh làm ruộng được mùa mất giá. Năm 2011, ông Tám Quýt quyết định lên liếp 2 công ruộng, trồng thử nghiệm 200 cây mít Thái siêu sớm để tăng thu nhập kinh tế gia đình. Sau 14 tháng trồng và chăm sóc, 200 cây mít của ông cho thu hoạch trái với kết quả mong đợi.

Ông Tám Quýt nói: “Mít Thái trồng cho trái quanh năm, thu hoạch rộ vào khoảng tháng 5 và tháng 11 dương lịch. Từ khi đậu trái đến 3,5 tháng sẽ cho thu hoạch. Năng suất đạt khoảng 100 - 150 kg trái/cây, với giá bán từ 7.000 - 15.000 đ/kg (tùy thời điểm). Mỗi cây mít cho thu nhập trên 1 triệu đồng/năm”.

Năm đầu tiên trồng mít bán được với giá cao, nhưng năng suất cũng chỉ ở mức khá do chưa nắm được kỹ thuật, cách phòng trừ sâu bệnh. Và với bản tính chịu khó, cần cù, không ngừng học hỏi kinh nghiệm và nhận thấy trồng mít cho thu nhập cao gấp 4 - 5 lần trồng lúa nên ông Tám Quýt quyết định lên 6 công đất nữa để trồng thêm 1.000 cây mít.

Nông sản sạch

Ở tuổi 60, không có nhiều sức khỏe như thanh niên nên việc phun xịt thuốc cho vườn mít sẽ tốn nhiều công lao động, chi phí và chất lượng sản phẩm không an toàn. Chính suy nghĩ đó, lão nông này đã trồng mít siêu sạch đem lại hiệu quả cao.

Năm thu hoạch đầu tiên, vườn mít lãi trên 30 triệu đồng, nhưng đa phần chất lượng trái không đẹp vì sâu đục, nám… nên ông Tám Quýt sử dụng túi nylon (loại đựng 25 kg gạo) để bao mít, tránh bị sâu bệnh. Nhận thấy chi phí đầu tư cho việc bao trái tương đối cao và kém bền nên ông tiếp tục nghiên cứu rồi áp dụng bao trái bằng túi lưới.

Ông Tám Quýt nhớ lại: “Ban đầu tôi bao trái bằng túi nylon hạn chế được sâu bệnh nhưng mẫu mã trái vẫn không đẹp lại không bền. Vì mỗi túi nylon chỉ sử dụng được một vụ (3,5 tháng)". Không chịu đầu hàng, lão nông đã dành thời gian tìm tòi, mày mò suy nghĩ để chọn loại vật liệu bao trái vừa tiết kiệm, vừa an toàn và nâng cao chất lượng mít.

Sau thời gian tìm hiểu, ông Tám Quýt nhận thấy lưới cước Thái sử dụng rất phù hợp nên tiến hành mua và đặt may với chi phí 4.000 đ/cái.

Ông so sánh: “Sử dụng cước Thái để bao trái sẽ có nhiều ưu điểm hơn. Chi phí đầu tư cho túi nylon 2.000 đ nhưng chỉ sử dụng được 3,5 tháng và chất lượng trái vẫn không đẹp vì tiếp xúc ánh sáng không đều. Còn sử dụng lưới cước thì chi phí đầu tư 4.000 đ nhưng có thể dùng trên 5 năm và trái có ánh sáng đầy đủ nên bóng đẹp”.

Từ việc quan sát được tập tính của sâu đục trái (do bướm sinh ra) và ruồi lưng vàng chỉ đáp ngang chứ không từ dưới lên, nên 1.000 túi lưới sau này được ông Tám Quýt thiết kế may theo dạng không đáy để giảm chi phí đầu tư chỉ còn 3.500 đ/cái thay vì 4.000 đ/cái so với trước đây.

Nói về kỹ thuật để may và sử dụng túi, ông Tám Quýt chia sẻ: “Chọn cước Thái loại khổ 1m để may. Mỗi túi cắt chiều dài 70 cm, chỉ may một đường dọc theo thân túi và trên đầu mỗi túi may một đường chạy vòng khoảng 1 cm để xỏ dây vào, giúp cho việc buộc, mở khi bao trái và thu hoạch dễ dàng. Nên bao trái ở giai đoạn 10 ngày sau khi mít đậu trái”.

Dẫn chúng tôi tham quan vườn mít 3 năm tuổi đang xanh tốt và cho trái lủng lẳng trên cây. Ông Tám Quýt nói tiếp: “Đối với một cây mít nhỏ nên để 3 - 4 trái/cây, đối với cây mít 3 năm tuổi để 8 - 10 trái/cây và tăng số lượng trái lên khi tuổi đời cây càng lớn. Như vậy, cây không bị mất sức”.

Mít + cá kết hợp

Trồng mít không sử dụng thuốc BVTV nên khu vườn, nguồn nước không bị ô nhiễm. Do đó, ông Tám Quýt tận dụng diện tích mặt nước để nuôi cá đồng theo hình thức đặt bọng. Xác định trồng mít nhiều sẽ có một phần trái hư, non…không bán được và để giải quyết "hàng tồn" là nuôi cá.

“Nuôi cá vừa có thu nhập mà giải quyết được số mít hư, làm cho bờ ao sạch sẽ thay vì bỏ. Vừa trồng mít kết hợp với nuôi cá sẽ đem lại lợi nhuận gấp 4 - 5 lần SX lúa, lại nhẹ chi phí”, ông chia sẻ.

Ông Tám Quýt còn dành 7 công ruộng còn lại để cải tạo, vừa có mương, vừa có ruộng và trồng rau lang, muống, khoai mì để làm thức ăn cho cá. Ông bộc bạch: “Thay vì trước đây làm 2 vụ lúa thì giờ tôi chỉ SX vụ đông xuân. Vì để cá mau lớn, sinh sản, không thoát ra ngoài thì ao phải có mương, có ruộng. Cá không chỉ ăn thức ăn trong vườn mà cần có rong, rêu, ốc. Nuôi được vậy chất lượng cá sẽ ngon và bán giá cao hơn”.

Để có được lượng cá nuôi trong ao với số lượng lớn, ông Tám Quýt tiến hành đặt 3 bọng quanh ao và tiến hành rào lưới để mùa nước cá không thoát ra ngoài. Đồng thời, thả thêm vài chục kg cá giống như chép vàng, trắm cỏ, lóc...

Từ việc xây dựng mô hình trồng mít kết hợp với nuôi cá đồng mà cuộc sống của lão nông này vươn lên khá giàu. Hiện vườn mít của ông Tám Quýt cho thu hoạch mỗi đợt cách nhau 5 ngày, sản lượng vài trăm kg đến cả tấn/đợt, bán với giá 7.000 - 15.000 đ/kg (tùy thời điểm) và sản lượng cá nuôi thu hoạch đạt khoảng 5 tấn, với giá bán 25.000 - 30.000 đ/kg. Tổng thu nhập mỗi năm trên 300 triệu đồng.

Giờ đây, việc trồng 8 công mít đối với mình ông Tám Quýt rất nhẹ nhàng, đơn giản. Theo ông, trồng mít chỉ có cực công tưới nước vào mùa khô, nhưng nhẹ hơn làm lúa rất nhiều. Với số lượng 1.200 cây mít chỉ mất 2 giờ để tưới nước. Chi phí đầu tư chỉ khoảng 1 triệu đồng/công.

Ông Đào Văn Chính ở ấp Long Hòa A2, xã Long Thạnh trồng 400 cây mít cho biết: “Trước đây, tôi thường bán mít với giá thấp và sâu bệnh nhiều, nhưng từ khi được ông Tám Quýt chỉ cách bao mít bằng túi lưới nên giờ mít bán được giá cao lại nhẹ chi phí, không tốn nhiều công chăm sóc”.


Có thể bạn quan tâm

Mùa Mưa Này, Nông Dân Trồng Cây Gì? Mạo Hiểm Trồng Tiêu Mùa Mưa Này, Nông Dân Trồng Cây Gì? Mạo Hiểm Trồng Tiêu

Bên cạnh cây ăn trái đang lên ngôi thì năm nay hồ tiêu tiếp tục được nông dân xuống giống đại trà. Hiện diện tích hồ tiêu tăng đáng kể ở các huyện, thị xã trong tỉnh Bình Phước.

10/09/2014
Thu Nhập Cao Từ Trồng Nấm Thu Nhập Cao Từ Trồng Nấm

Đó là ông Đỗ Đình Hòa, chủ cơ sở sản xuất meo nấm ở thôn Thượng Sơn, xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn (Bình Định). Hiện cơ sở của ông Hòa chuyên sản xuất meo giống nấm sò, nấm rơm, nấm mộc nhĩ, cung cấp thành phẩm nấm các loại. Từ sản xuất, kinh doanh mặt hàng nấm, ông Hòa có lãi ròng vài trăm triệu đồng/năm.

10/09/2014
Gia Lai Vận Động Nông Dân Không Chặt Bỏ Cao Su Gia Lai Vận Động Nông Dân Không Chặt Bỏ Cao Su

Do giá mủ cao su trên thị trường giảm mạnh, trồng cao su không có lợi nhuận, thậm chí bị lỗ nên nhiều người ở huyện Đak Đoa (Gia Lai) đã chặt bỏ cây cao su (chủ yếu là cao su tiểu điền) chuyển sang trồng các loại cây khác như hồ tiêu, cà phê nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

10/09/2014
Xử Lý Triệt Để Ổ Dịch Sâu Róm Thông Xử Lý Triệt Để Ổ Dịch Sâu Róm Thông

Theo tin từ Trung tâm Phát triển lâm nghiệp Hà Nội, sau 4 ngày (từ 4/9) tập trung dập ổ dịch sâu róm hại thông trên 27,5ha rừng tại 2 xã Nam Sơn và Phù Linh (huyện Sóc Sơn) bằng thuốc trừ sâu sinh học Kuraba WP, tỷ lệ sâu róm bị diệt trừ đạt 95%. Tỷ lệ này đạt hiệu quả cao so với sử dụng thuốc truyền thống.

10/09/2014
Nhà Vườn Chợ Lách Trăn Trở Với “GAP” Nhà Vườn Chợ Lách Trăn Trở Với “GAP”

Tháng 6-2011, Tổ sản xuất chôm chôm ấp Phụng Đức B, xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách (Bến Tre) được công nhận đạt bộ tiêu chuẩn về thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGAP), với diện tích hơn 22ha, có 36 hộ tham gia. Đây là tổ sản xuất chôm chôm theo tiêu chuẩn GlobalGAP đầu tiên của huyện được công nhận. Thế nhưng mô hình rất khó nhân rộng, bởi chi phí quá cao và còn nhiều chuyện phải bàn.

10/09/2014