Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Được, mất chuyện nuôi lợn rừng

Được, mất chuyện nuôi lợn rừng
Ngày đăng: 22/11/2015

Từ nhu cầu của thị trường, nhiều gia đình trên địa bàn huyện Đại Từ (Thái Nguyên) đã mạnh dạn chăn nuôi lợn rừng và không ít hộ có thu nhập ổn định từ loại vật nuôi này.

Tuy nhiên, cũng có những gia đình chăn nuôi không hiệu quả phải từ bỏ hoặc chuyển sang loại vật nuôi khác.

Vượt qua quãng đường đồi khá xa, chúng tôi mới đến được gia trại nuôi lợn rừng của gia đình ông Nguyễn Xuân Trường, ở xóm Lò Gạch, xã Mỹ Yên (Đại Từ).

Trên quãng đường đi, chúng tôi đã nhìn thấy từ xa những chú lợn rừng nhởn nhơ dũi đất, gặm cỏ dưới tán cây.

Thấy bóng người, chúng vội lẩn vào bụi rậm.

Anh Nguyễn Xuân Trường cho biết: Gia đình tôi có hơn 30 con lợn rừng.

Do nuôi bằng hình thức chăn thả tự do nên chúng vẫn giữ được bản tính hoang dã, ban ngày, chúng tự do đi kiếm ăn, buổi tối mới về chuồng.

Gia đình anh Nguyễn Xuân Trường bắt đầu nuôi lợn rừng từ năm 2010, sau khi nhận được 5 con lợn rừng giống Thái Lan hỗ trợ từ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đại Từ.

Chỉ sau một thời gian ngắn, đàn lợn sinh sản, giữ số lượng đàn từ 30 đến 40 con.

Mỗi năm gia đình anh xuất bán được gần 8 tạ lợn hơi với giá 130 nghìn đồng/kg, cho thu nhập trên 100 triệu đồng.

Anh Trường cho biết: Đàn lợn rừng mỗi năm cho thu nhập 100 triệu đồng là không cao nhưng loại vật nuôi này hầu như không bị dịch bệnh, gia đình lại chăn thả tự do trên rừng, tốn ít công chăm sóc, thức ăn nên tính ra hiệu quả hơn các loại vật nuôi khác.

Trái ngược với gia đình anh Nguyễn Xuân Trường, gia đình ông Đỗ Văn Việt, xóm Quang Trung, xã Bản Ngoại lại gặp nhiều khó khăn khi nuôi lợn rừng.

Gia đình ông Việt cũng nhận được nguồn hỗ trợ khuyến nông từ xã nên đối ứng mua 4 con lợn rừng giống Thái Lan năm 2011.

Nhưng do diện tích đất nhỏ hẹp, gia đình ông Việt nuôi nhốt trong chuồng, có thể vì lý do này mà đàn lợn hay bị dịch bệnh, một số con bị chết.

Thấy không hiệu quả ông Việt đã chuyển sang loại vật nuôi khác.

Ngoài ra, ở xã Bản Ngoại còn có gia đình ông Lê Văn Năm, xóm Quang Trung cũng vội vã từ bỏ việc nuôi lợn rừng vì không tìm được đầu ra.

Ông Năm cho biết: Gia đình tôi bắt đầu nuôi lợn rừng từ tháng 6-2011, sau 1 năm, tổng đàn đã lên tới hơn 70 con nhưng chào hàng nhiều nơi mà chẳng ai mua.

Cuối cùng, gia đình tôi quyết định bán hết đàn lợn cho một gia đình trên Bắc Kạn với giá 100 nghìn đồng/kg.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đại Từ, trên địa bàn huyện có trên 100 hộ dân nuôi lợn rừng với khoảng 200 lợn nái, mỗi năm xuất bán 2.000 con lợn rừng thương phẩm.

Trong số những hộ dân nuôi lợn rừng, nhiều hộ có thu nhập ổn định nhưng không ít hộ gặp khó khăn.

Nguyên nhân là do lợn rừng vẫn mang tập tính sinh sống hoang dã nên không phù hợp với điều kiện nuôi nhốt.

Những gia đình nuôi hiệu quả hầu hết là chăn thả tự do hoặc chăn thả trên diện tích đất rộng có quây tường, lưới sắt.

Ngoài ra, loại vật nuôi này có giá cao nhưng trọng lượng lại nhỏ và lớn chậm, trung bình 1 con lợn rừng phải nuôi từ 9 đến 12 tháng mới có trọng lượng 20 đến 30kg.

Nếu chăn bằng các loại cám công nghiệp, lợn rừng cũng lớn không đáng kể và người chăn nuôi sẽ bị thua lỗ nặng.

Bên cạnh đó, do giá còn cao nên việc tiêu thụ lợn rừng vẫn gặp nhiều khó khăn.

Cũng vì những lý do này mà nhiều gia đình đã tính toán hiệu quả kinh tế, chuyển sang loại vật nuôi khác phù hợp điều kiện sẵn có, dễ tiêu thụ, lãi cao hơn.

Trong những “con đặc sản” người dân đưa vào chăn nuôi thời gian qua, lợn rừng đang dần khẳng định là loại vật nuôi được thị trường đón nhận, mang lại giá trị kinh tế cho người chăn nuôi.

Tuy nhiên, từ thực tế chăn nuôi và nhu cầu thị trường, những người dân có ý định chăn nuôi lợn rừng cũng cần chú ý chuẩn bị chuồng trại, sân bãi có không gian rộng để lợn rừng thoải mái hoạt động phù hợp với tập tính của loài vật này.

Đồng thời, chủ động nguồn thức ăn tự nhiên như rau, củ, quả, chuối… không lạm dụng cám công nghiệp để tránh thua lỗ.

Bên cạnh đó, các gia đình cũng nên cân nhắc trước quyết định mở rộng quy mô chăn nuôi vì đầu ra sản phẩm có thể gặp nhiều khó khăn.


Có thể bạn quan tâm

Những Mô Hình Cải Tạo Cà Phê Vối Những Mô Hình Cải Tạo Cà Phê Vối

Cải tạo diện tích cà phê vối (cà phê robusta) già cỗi, năng suất thấp bằng biện pháp ghép cành, ghép chồi đang được Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng và các địa phương có diện tích cà phê lớn trong tỉnh quan tâm. Từ kết quả đã đạt được những năm gần đây, Bảo Lâm đang là địa phương dẫn đầu cả tỉnh về công tác này, và đã xuất hiện không ít mô hình cải tạo cà phê bằng biện pháp này có kết quả cao cả về kinh tế lẫn xã hội.

12/06/2013
Mô Hình Nuôi Sò Huyết Trong Ao Đất Tại Xã Dân Thành (Trà Vinh) Mô Hình Nuôi Sò Huyết Trong Ao Đất Tại Xã Dân Thành (Trà Vinh)

Có dịp được tận mắt nhìn thấy những ao, đầm nuôi sò huyết của người dân ở vùng Tân Biên, Kiên Giang cho lợi nhuận rất cao, năm 2010 anh Võ Văn Sóng, ấp Cồn Cù, xã Dân Thành (Trà Vinh) quyết định nuôi thử nghiệm con sò huyết trong ao đất. Kết quả qua 3 vụ nuôi đều thành công, mang về cho gia đình lợi nhuận vài chục triệu đồng sau mỗi vụ nuôi.

13/06/2013
Tưới Phun Mưa Trên Đất Trồng Rau Tưới Phun Mưa Trên Đất Trồng Rau

Phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình (Quảng Nam) phối hợp với tổ chức Phát triển quốc tế (IDE) tại Việt Nam hỗ trợ nông dân áp dụng kỹ thuật tưới phun mưa để nâng cao năng suất rau màu, bước đầu đem lại kết quả khả quan.

13/06/2013
Công An Hải Dương Bồi Thường Cho Ngư Dân Cần Giờ Công An Hải Dương Bồi Thường Cho Ngư Dân Cần Giờ

Sau 2 ngày có chỉ đạo của Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, về việc làm rõ đúng, sai trong vụ tạm giữ 1,8 tấn bạch tuộc tại Hải Dương, Công an tỉnh này đã nhận sai và bồi thường số tiền 650 triệu đồng cho các ngư dân ở huyện Cần Giờ (TPHCM) vì số hàng đã bị hỏng.

13/06/2013
Khá Giả Nhờ Nuôi Tằm Bài Bản Khá Giả Nhờ Nuôi Tằm Bài Bản

Nhờ được học nghề trồng dâu, nuôi tằm bài bản, nhiều hộ dân xã Bắc Bình (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) bây giờ đang có thu nhập cao từ nghề này và tạo việc làm cho hàng trăm lao động.

13/06/2013