Trồng Mận An Phước
Mận An Phước thuần giống có dạng hình trái quả dài, lớn trái, màu vỏ tím đỏ sọc trắng mờ rất đẹp; thịt trái giòn, ngọt, không hột. Với các đặc điểm trên cộng với sản lượng không lớn trên thị trường, mận An Phước có giá bán rất cao. Hiện nay, mận An Phước được một số nhà vườn các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang trồng. Chưa có vùng chuyên canh, mận An Phước được trồng rải rác, thậm chí trồng xen trong các vườn trồng cây ăn trái khác.
Phải là giống mận An Phước “xịn”
Giống mận An Phước trên thị trường, cành chiết có, cây tháp có nhưng chung cái tên “giống mận An Phước”, cần phân biệt theo xuất xứ, cách làm cây ghép. Các nhà vườn thành công ở vào nhóm các hộ trồng cành chiết từ cây mận An Phước cho năng suất cao ổn định, trái to, đẹp (có tỉa trái) và chất lượng thịt trái tốt (trong điều kiện đủ nước và bón phân đúng quy trình khuyến cáo), không hột. Hộ trồng cây giống ghép bo của cây mận An Phước tốt trên gốc ghép hồng đào đá cũng phát triển và cho thu hoạch tốt. Cá biệt có nhà vườn ở Cần Thơ ghép đoạn cành trên gốc trâm cho trái màu tím đen rất ấn tượng nhưng mới ra trái 1 - 2 năm, chưa xác định rõ năng suất.
Đất trồng mận An Phước
Theo khuyến cáo của Trung tâm khuyến nông Vĩnh Long nên trồng mận ở đất có tầng dày trên 50 cm, độ mùn 2 - 2,5% trở lên, tơi xốp, khả năng giữ ẩm tốt, dễ thoát nước. Nhiều tài liệu kỹ thuật khuyến cáo đào hố bón phân bón lót kết hợp đắp mô trồng mận, hố sâu 30 cm, mô cao 30 cm, đường kính mô 50 - 60 cm. Phân bón mỗi mô: 20 - 25 kg phân chuồng hoai + 200 g super lân +100 g sulfat kali + 300 g vôi bột, trộn đều các loại phân với đất trong giữa mô, để 1 tháng, sau một vài lần đảo trở mới trồng. Nên trồng chuyên mận, nếu xen canh chỉ 3 năm đầu. Mật độ trồng 550 - 600 cây/ha tùy liếp đơn hay liếp đôi, mương rộng hay hẹp.
Ở ĐBSCL sẵn nước tưới, trồng mận lúc nào cũng được nhưng tốt nhất vào lúc trước mùa mưa 2 - 3 tháng. Làm đất nhuyễn, đặt ngang mặt bầu, tưới cho đất hố trồng ẩm, nén chặt đất quanh bầu, đóng cọc kềm giữ không cho cây bị gió lay. Dùng cỏ rác phủ quanh gốc giữ ẩm thường xuyên cho cây cách gốc 20 cm cho bộ rễ cây thông thoáng. Nếu có điều kiện nên ươm cây giống trong bầu lớn ít tháng, chăm sóc kỹ lưỡng cho ra bộ rễ mới, cơi lá mới sẽ mang ra trồng. Mùa mưa khai nước mương, cơi mô, chống ngập úng, mùa khô cần xới xáo quanh tán để kích thích rễ ăn ra xa, tưới đủ nước, giữ ẩm cho cây. Nếu phát hiện chồi mọc ra từ gốc ghép hoặc các nhánh sụ xuống đất nên sớm cắt bỏ. Tạo tán cân đối các cành cấp I với thân cây, bấm đọt cành cấp I, năm sau bấm đọt cành cấp II để tạo khung tán cây, hạn chế chiều cao của cây để sau này dễ chăm sóc, bọc trái (chống ruồi đục trái) và thu hái trái.
Bón phân thời kỳ kiến thiết cơ bản: thời kỳ kiến thiết cơ bản tính từ sau khi xuống giống và 3 - 4 năm sau khi trồng (SKT) rất cần thiết cho tốc độ phát triển, độ đồng đều và là tiền đề cho năng suất, sản lượng suốt thời kỳ kinh doanh hàng chục năm sau của vườn mận. Mỗi năm của thời kỳ kiến thiết cơ bản bón 15 kg phân hữu cơ + 0,4 kg super lân + 0,3 kg clorur kali, 0,5 kg urê. Phân hữu cơ, lân và kali bón trong vùng tán, cách gốc 20 - 30 cm và lấp đất. Phân urê nên chọn phương án hòa tan phân vào thùng tưới để tưới nhiều lần, mỗi lần cách nhau 1 - 2 tháng.
Bón phân thời kỳ kinh doanh: từ năm thứ 4 hoặc năm thứ 5 SKT đến năm thứ 15 hoặc lâu hơn, bón phân cần thiết cho cây tạo lá mới, trổ hoa, nuôi trái chất lượng tốt nhất. Vườn mận 4 - 10 năm tuổi bón hoặc tưới phân 3 lần/năm, vào tháng 2 - 3, 6 - 7 và 11 - 12, với lượng phân: đầu năm bón 0,4 kg urê + 0,2 kg clorur kali để cây đâm tược, ra hoa và quả; giữa năm bón 0,4 kg urê + 0,25 kg clorur kali để cây hồi sức sau thu hoạch; cuối năm bón 20 - 30 kg phân chuồng + 0,7 kg super lân + 0,15 kg clorur kali (rắc đều và chôn lấp trong tán) tưới nước ẩm cho tan phân, giúp cây chuẩn bị ra hoa tốt và đồng loạt hơn. Vườn mận trên 10 năm cũng bón mỗi năm 3 lần, với lượng phân tăng gấp rưỡi hoặc gấp 2 lần, tùy thực trạng vườn; vườn tươi tốt bón ít, vườn yếu sức bón nhiều.
Phòng trừ sâu bệnh: cây mận thường bị các loại sâu bệnh như: bọ cánh cứng ăn lá, sâu đục cành, rệp sáp, rệp muội, bọ xít, sâu non, bọ cánh vẩy hại đọt non, bệnh phấn trắng, bệnh chảy nhựa. Chăm sóc, bón phân đồng loạt để chủ động bảo vệ bộ lá, hoa, quả. Vệ sinh vườn, quét vôi gốc có tác dụng hạn chế tác hại của sâu bệnh cho vườn mận. Nên thực hiện đúng hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật và nhà sản xuất về sử dụng các loại thuốc BVTV như: Selecron 500ND, Trebon 10EC để diệt côn trùng. Dùng Ortus 5SC diệt nhện, phun Supracid 20EC trừ rệp sáp. Dùng Tilt super 300ND trừ bệnh phấn trắng. Với bệnh chảy nhựa cần cạo vỏ chỗ vết bệnh và phun Aliette 80WP hoặc quét Bordeaux đặc lên vết bệnh.
Để chắc chắn có sản phẩm an toàn và công bố chất lượng sản xuất, đăng ký chất lượng hàng hóa xuất khẩu, bán vào siêu thị v.v..., cần có quy trình chăm sóc vườn và định mức phân bón và thuốc trừ sâu bệnh, giảm thuốc BVTV nếu có thể hoặc sử dụng đúng liều lượng ghi trên bao bì, cách ly (ngưng sử dụng phân, thuốc) đúng quy định khi thu hái mận. Cần dùng ít loại thuốc để dễ dàng và giảm chi phí trong kiểm tra xét nghiệm mức dư lượng trong trái mận. Dùng phân bón thống nhất chủng loại và liều lượng trong nhóm nông dân sản xuất mận để tạo ra khối lượng mận chất lượng cao và đồng nhất, thuận lợi trong tiêu thụ.
Thu hái và bảo quản: thu hái khi quả đã đủ độ chín phù hợp nhất cho vận chuyển đến nơi tiêu thụ mà không ảnh hưởng chất lượng. Mận có vỏ mỏng, rất dễ tổn thương sây sát, khi thu hái cần nhẹ tay, có dụng cụ chứa đựng phù hợp để tránh giập nát khi thu hái và vận chuyển. Trước đây do thiếu ý thức, thiếu dụng cụ thu hái chứa đựng nên mận hư hao rất nhiều. Nếu làm tốt khâu bảo quản mận, giảm tối thiểu trái bị giập nát trong và sau thu hoạch sẽ nâng cao giá trị sản lượng lên hơn 30% so với cách thu hái thông thường.
Thị trường: do sản lượng rất thấp, mận An Phước hiện tiêu thụ không nhiều trong quầy trái cây tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang v.v...Thị trường trong nước còn nhiều trong khi mận An Phước dễ thắng trong cạnh tranh chất lượng với các loại mận khác. Trung Quốc là thị trường trái cây xuất khẩu tiềm năng của ta. Trung Quốc có rất ít quả gioi (mận), trái rất nhỏ, hình thức và chất lượng kém. Nếu bảo quản, vận chuyển tốt, mận An Phước có màu sắc đỏ đẹp chắc chắn có thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc.
Có thể bạn quan tâm
Mục đích của việc liên kết nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo số lượng cá tra nguyên liệu, đồng thời nâng cao giá trị kinh tế, giảm thiểu việc hao hụt, thua lỗ của người nuôi...
Dự án Hỗ trợ Nông nghiệp các bon thấp (LCASP) tại Hà Tĩnh chính thức khởi động vào cuối năm 2013.
Dù chưa thu hoạch xong vụ mùa, nhưng từ bác nông dân đến ông cán bộ khắp tỉnh Thái Bình đều khẳng định, năm nay được mùa lớn chưa từng có.
Chuyến đánh bắt thử nghiệm này chưa thực sự hiệu quả, bởi cả 3 tàu ra khơi, sau 3 ngày 3 đêm chỉ đánh bắt được 1 con cá ngừ. Tuy nhiên, các chuyên gia Nhật đánh giá cao tay nghề cũng như khả năng tiếp cận kỹ thuật câu của ngư dân Việt Nam
Cơ quan chức năng huyện Tam Đường đã cho tiêu hủy khoảng 1.200 con gia cầm các loại do nhiễm virus cúm A/H5N6 tại hai ổ dịch thuộc xã Sơn Bình và xã Bình Lư.