Trồng Khoai Tây Bằng Phương Pháp Làm Đất Tối Thiểu Ở Hưng Yên Lợi Gấp 2 Lần
Khoai tây là cây trồng trong vụ đông có năng suất ổn định và có giá trị kinh tế cao, là nguồn nguyên liệu quan trọng trong công nghiệp chế biến. Tuy nhiên, trong những năm gần đây diện tích trồng khoai tây có xu thế tăng chậm, nguyên nhân chính là nguồn lao động trong nông thôn ngày một giảm do chuyển sang kinh doanh dịch vụ hay đi lao động ở các ngành nghề khác. Mặt khác chi phí sản xuất trồng khoai tây thường cao, nhất là khâu làm đất, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Đặc biệt, những năm gần đây nhiều hộ nông dân không dùng rơm rạ phục vụ đời sống dân sinh, rơm rạ cũng ít được sử dụng làm phân hữu cơ. Xuất phát từ thực tế đó, vụ đông năm 2011 Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Hưng Yên đã triển khai mô hình trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu có che phủ rơm rạ, góp phần giải quyết những khó khăn trên.
Thôn Tính Linh, xã Trung Nghĩa (thành phố Hưng Yên) được triển khai thực hiện thí điểm mô hình trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu ở vụ đông năm 2011. Do mang lại hiệu quả cao, đến vụ đông năm nay nhiều nông dân trong xã đã mạnh dạn áp dụng. Chị Nguyễn Thị Hải, một nông dân trong thôn cho biết: "Vụ đông trước được tập huấn và triển khai trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu, thấy hiệu quả rõ rệt nên vụ này gia đình tôi áp dụng trồng 3 sào theo phương pháp này. Bởi vì không những giảm công lao động mà còn tiết kiệm chi phí, năng suất cao, thu nhập gần gấp 2 lần so với phương pháp truyền thống".
Được biết, vụ đông năm 2011, thôn Tính Linh được triển khai mô hình với diện tích 2.160 m2 (6 sào Bắc bộ) trên đất cấy 2 vụ lúa. Theo đánh giá của HTX DVNN xã Trung Nghĩa, trồng khoai tây theo phương pháp làm đất tối thiểu tiết kiệm được 11 công lao động so với phương pháp truyền thống, đặc biệt giảm chi phí sản xuất 785 nghìn đồng/sào, năng suất đạt 839 kg/sào, cao hơn phương pháp truyền thống 142,4 kg/sào, 1 sào trừ chi phí cho thu lãi hơn 4,1 triệu đồng, cao hơn 2 lần so với phương pháp truyền thống. Trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu tận dụng nguồn rơm rạ sau thu hoạch, khắc phục tình trạng đốt rơm rạ, đồng thời làm cho đất tơi xốp, chống xói mòn, rửa trôi, hạn chế sự phát triển của cỏ dại, cung cấp cho đất một lượng mùn, dinh dưỡng đáng kể, bảo vệ hệ sinh thái đồng ruộng bền vững. Ngoài ra, phương pháp trồng đơn giản, dễ làm, do vậy tiết kiệm được nước tưới trong điều kiện khô hạn của vụ đông, mà lại cho hiệu quả kinh tế cao; hạn chế được sự lây lan và gây hại của một số loại sâu bệnh gây ra do quá trình chăm sóc. Việc thu hoạch thuận tiện, củ không trầy xước, mẫu mã đẹp làm tăng giá trị khoai thương phẩm cũng như chất lượng khi để giống.
Ông Lê Minh Nam, Trưởng phòng Kỹ thuật (Chi cục BVTV) cho biết:. Mô hình triển khai ở vụ đông năm 2011 tại thôn Tính Linh, xã Trung Nghĩa (thành phố Hưng Yên) đã mang lại hiệu quả cao, là bước đột phá trong trồng khoai tây vụ đông và là mô hình để nhân ra diện rộng trên địa bàn tỉnh. Do vậy, tại xã Trung Nghĩa, Chi cục BVTV đã hướng dẫn được 30 hộ nông dân thành thạo quy trình kỹ thuật trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu, những hộ nông dân này là nhân tố tích cực để tuyên truyển, phổ biến rộng rãi quy trình.
Vụ đông năm nay, toàn tỉnh phấn đấu trồng 1 nghìn ha khoai tây, thời điểm này nông dân các địa phương đang khẩn trương làm đất, trồng khoai tây để bảo đảm trong khung thời vụ. Để khuyến khích nông dân mở rộng diện tích, tỉnh hỗ trợ giống khoai tây cho 330 ha, mức hỗ trợ 13,75 triệu đồng/ha. Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân tập trung trồng các giống khoai tây chất lượng cao, phục vụ tiêu dùng và chế biến như các giống Diamant, Solara, Mariella, Aladin… Đồng thời, không trồng khoai tây Trung Quốc vì khó tiêu thụ hơn nhiều so với những giống nêu trên.
Để thực hiện được kế hoạch trên, ngay khi bước vào sản xuất vụ đông, Chi cục BVTV đã tăng cường tuyên truyền, tập huấn cho nông dân các địa phương trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu. Từ kinh nghiệm sản xuất của vụ trước, để trồng khoai tây theo phương pháp làm đất tối thiểu trong khâu làm đất cần cắt hết gốc rạ, chia ruộng thành luống rộng 1,3 m; cày rãnh rộng 30 cm, sâu 15 - 20 cm, phủ lớp đất cày lên mặt luống, bề mặt luống rộng 1 m theo chiều nghiêng của ruộng, xung quanh ruộng có rãnh để thoát nước. Mật độ trồng khoảng 1.400 khóm/sào, phân chuồng và lân có thể bón hốc. Mỗi luống trồng 2 hàng, đặt củ cách mép luống 30 cm, củ cách củ 30 cm, dùng đất đập nhỏ phủ kín củ giống, sau đó dùng rơm rạ phủ lên toàn bộ mặt luống dày khoảng 7 – 10 cm, thường xuyên tưới đủ ẩm và bổ sung thêm rơm rạ để toàn bộ phân bón và củ giống không tiếp xúc được với ánh sáng.
Thực tế kiểm nghiệm tại các mô hình nông dân đã thực hiện cho thấy: trồng khoai tây theo phương pháp làm đất tối thiểu phủ rơm rạ không chỉ tiết kiệm giống, phân bón, nước tưới, chi phí phòng trừ sâu bệnh mà còn giảm được công lao động so với tập quán sản xuất khoai tây truyền thống. Sản phẩm khoai tây sau khi thu hoạch có mẫu mã đẹp hơn, củ sáng bóng vì không bị dính đất, trầy xước, bán được giá cao hơn. Do vậy, trong vụ đông năm nay và các vụ tiếp theo ngành chuyên môn và các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật cho nông dân để mô hình trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu được áp dụng rộng rãi trên đồng ruộng.
Có thể bạn quan tâm
Vụ nuôi trồng thủy sản năm 2014, trong 635,86 ha diện tích tôm, cua, cá nước lợ được thả nuôi có gần 13 vạn con tôm sú và tôm chân trắng.
Trước tình hình sản lượng cá ngừ đại dương bị suy giảm, nhiều ngư dân Phú Yên đang kết hợp đánh bắt nhiều loại hải sản trong cùng một chuyến biển để tạo hiệu quả kinh tế.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, địa phương này đã xây dựng quy hoạch nuôi cá tra đến năm 2015, với tổng diện tích là 700 ha và đến năm 2020 là 1.000 ha, tập trung ở các huyện Châu Thành, Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy, nhằm đưa tổng sản lượng cá tra của Hậu Giang đạt gần 150.000 tấn.
Xuất phát từ lợi ích kinh tế, nên trong thời gian gần đây một số hộ dân ở ấp An Phú A (xã Long An- Long Hồ - Vĩnh Long) nuôi một loại sâu mà chính họ cũng chẳng biết đó là sâu gì. Vậy thực tế loại sâu này là sâu gì, có lợi ích hay tác hại như thế nào?
Sau khi công bố hết dịch cúm gia cầm, giá bán gà tại Tây Ninh đã tăng trở lại, từ 26.000 đồng/1kg lên 38.000 đồng/1kg. Với mức giá này, người nuôi gà thả vườn lãi 5.000 đồng mỗi kg.