Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nông Dân Đốt Bỏ Mía Vì Nhà Máy Ngừng Mua

Nông Dân Đốt Bỏ Mía Vì Nhà Máy Ngừng Mua
Ngày đăng: 12/11/2014

Hơn 1.800 ha mía nguyên liệu của người dân ở huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau đã vào vụ thu hoạch nhưng không có nơi tiêu thụ.

Nhiều ngày qua, gia đình bà Dương Thị Ráng (xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình) tất bật cải tạo lại đất để nuôi tôm sau khi buộc phải đốt bỏ ruộng mía hơn 3.000 m2.

“Mấy chục năm với nghề trồng mía, chưa bao giờ gia đình tôi rơi vào tình cảnh này. Mấy năm trước giá mía tuy thấp nhưng vẫn bán được. Bây giờ mỗi kg chỉ có giá vài trăm đồng mà không ai mua”, bà Ráng nói.

Không chỉ riêng trường hợp bà Ráng, nhiều hộ nông dân ở đây cũng gặp tình cảnh tương tự khi Xí nghiệp đường Cà Mau (thuộc Công ty cổ phần mía đường Tây Nam ở ấp I, xã Trí Phải, huyện Thới Bình) thông báo không thu mua mía nguyên liệu trong vùng và hàng trăm hộ dân ở huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang.

Ông Trần Trung Hiếu, ngụ xã Trí Phải buồn bã nói: “Vốn liếng đầu tư hết vào ruộng mía, giờ đến ngày thu hoạch bán không có người mua, buộc chúng tôi phải phá vỡ quy hoạch đưa nước mặn vào nuôi tôm”.

Còn ông Đỗ Văn Thắng, ngụ xã Trí Lực nhẩm tính nếu thuê nhân công thu hoạch mía, rồi vận chuyển đi nơi khác bán thì chắc chắn phải bù lỗ, dẫn đến chỉ còn cách phá bỏ ruộng mía.

Vài năm trở lại đây, tại một số vùng trồng mía ở đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng giá mía thất thường khiến người trồng thiệt hại nặng vẫn thường xảy ra, nhưng đây là lần đầu tiên xảy ra tình trạng đốt bỏ mía vì không thể tiêu thụ. Ông Huỳnh Quốc Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình cho biết, chính vì sự thất thường về giá cả, dẫn đến tình trạng phá bỏ mía đưa nước mặn vào nuôi tôm đã nhiều năm qua, khiến diện tích trồng mía nguyên liệu theo quy hoạch của huyện cứ bị thu hẹp dần.

“Diện tích trồng mía của huyện giảm trên dưới 300 ha trong vòng vài năm trở lại đây. Ở vụ mùa này, chúng tôi biết nông dân gặp khó nhưng cũng không còn cách nào khác vì Xí nghiệp đường Cà Mau là nơi tiêu thụ mía duy nhất của địa phương, nhưng nay họ đóng cửa không mua”, ông Hoàng nói.

Xí nghiệp đường Cà Mau hiện là đơn vị duy nhất thu mua mía của 1.700 hộ trên địa bàn Cà Mau và khoảng 2.300 hộ ở tỉnh giáp ranh là Kiên Giang, với tổng diện tích khoảng 3.736 ha, lượng mía nguyên liệu gần 300.000 tấn. Tuy nhiên, mới đây, sau khi Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) xử phạt 360 triệu đồng Công ty cổ phần Mía đường Tây Nam, đơn vị đang quản lý Xí nghiệp đường Cà Mau do không hoàn thành việc giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, công ty đã quyết định tạm đóng cửa nhà máy.

Tiền thân của Xí nghiệp đường Cà Mau là Nhà máy Đường Thới Bình (Cà Mau) thuộc sở hữu Nhà nước. Đến năm 2009, nhà máy này cổ phần hóa, đổi tên thành Xí nghiệp đường Cà Mau và được giao cho Công ty cổ phần Mía đường Tây Nam quản lý.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau cho biết, do không có người mua nên hiện giá mía nguyên liệu tại Cà Mau đang giảm xuống rất thấp, chỉ còn khoảng 500 đồng một kg, nhưng vẫn không bán được, dù đã thấp hơn giá thành 200-300 đồng một kg.

Trước tình hình này, UBND tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo lãnh đạo Xí nghiệp đường Cà Mau khắc phục khó khăn, hoạt động trở lại và tiến hành thu mua mía trong dân. Đồng thời, Tỉnh cũng đã có công văn gửi Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, Thủ tướng xem xét, tạo điều kiện cho nhà máy hoạt động để giải quyết khâu tiêu thụ mua mía nguyên liệu của người dân trên địa bàn.

Nguồn bài viết: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-vn/25/134488/kinh-te/nong-dan-dot-bo-mia-vi-nha-may-ngung-mua.html


Có thể bạn quan tâm

Tôm Rừng Nuôi Sinh Thái Tôm Rừng Nuôi Sinh Thái

Giữa rừng đước xanh um, tôm giống được thả xuống. Không cần cho ăn, không dùng thức ăn tăng trưởng, không thuốc kháng sinh trị bệnh, người nuôi chỉ dọn dẹp xung quanh thật sạch và đảm bảo 50-60% rừng trên tổng diện tích nuôi tôm là có tôm sạch.

21/06/2013
Người Nông Dân Dám Nghĩ Dám Làm Người Nông Dân Dám Nghĩ Dám Làm

Theo lời giới thiệu của chủ tịch UBND xã Hà Lương, chúng tôi đến thăm mô hình phát triển kinh tế của anh Nguyễn Hồng Quang, hội viên hội nông dân chi hội 4 của xã. Được biết trong những năm gần đây, với ý chí quyết tâm làm giàu và dám nghĩ dám làm, anh Quang đã mạnh dạn lập mô hình nuôi con đặc sản và cho thu nhập cao.

21/06/2013
Qua Khảo Sát Nghề Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Còn Nhiều Bất Cập Về Kỹ Thuật Và Môi Trường Qua Khảo Sát Nghề Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Còn Nhiều Bất Cập Về Kỹ Thuật Và Môi Trường

Ða số người nuôi tôm có trình độ kỹ thuật thấp, tôm giống không qua kiểm dịch còn cao, thả nuôi mật độ dày… là những lý do khiến cho nghề nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) ở tỉnh Bình Định luôn trong tình trạng không bền vững vì dịch bệnh tôm nuôi. Ðây là kết quả nghiên cứu do Chi cục Thú y thực hiện.

21/06/2013
Làng Mrăh Vươn Lên Từ Cây Cao Su Tiểu Điền Làng Mrăh Vươn Lên Từ Cây Cao Su Tiểu Điền

Sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển (ODA) của các tổ chức quốc tế, tỉnh ta đã thực hiện dự án đa dạng hóa nông nghiệp-một trong những dự án chuyển đổi sản xuất cho nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc. Năm 2002, 42 hộ gia đình dân tộc Bahnar của làng Mrăh (xã Kdang, huyện Đak Đoa) được hỗ trợ cho vay vốn, cung cấp giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng cây cao su. Đến nay toàn bộ 88 ha vườn cây đã thu hoạch được 4 năm, đem lại nhiều đổi thay trong đời sống của dân làng.

21/06/2013
Hiệu Quả Đào Tạo Nghề Cho LĐNT Ở Mường Ảng Hiệu Quả Đào Tạo Nghề Cho LĐNT Ở Mường Ảng

Mường Ảng là 1 trong 4 huyện được thụ hưởng Nghị quyết 30a của Chính phủ với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững. Cơ cấu kinh tế của huyện chủ yếu là nông - lâm nghiệp, với khoảng 90% lao động nông nghiệp.

21/06/2013