Trồng Rau dưa leo theo qui trình VietGAP trên diện tích 5.200 m2, kết quả nhận được là Giấy chứng nhận, sản phẩm thu hoạch bán cho Hợp tác xã Phước An với giá cao hơn 20% so với sản phẩm không có có giấy chứng nhận bán cho Thương lái, thu được lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng.
Đến thăm nhà ông Phan Văn Thắm, ấp 4, xã Hưng Long, huyện Bình Chánh (TP.HCM), chúng tôi được biết: Ông sinh năm 1965, từ trước tới nay ông luôn gắn bó, cần mẫn với ruộng đồng của mình để trang trải các chi phí trong gia đình gồm 4 thành viên là vợ và 2 con nhỏ.
Ông tâm sự: trước đây, từ năm 1990 – 1995 ông chuyên trồng hoa huệ, nhưng dần dần ông thấy trồng hoa huệ liên tục trên một chân đất nên sinh ra nhiều sâu bệnh, hiệu quả thu không cao. Đầu năm 1995, ông mạnh dạn đổi qua một ít trồng hoa sống đời và chủ yếu là rau màu. Qua thời gian dài, ông thấy năng suất thu hoạch của vườn rau nhà mình ngày càng kém. Trong khi đó, chi phí sản xuất ngày càng tăng cao: cứ 2 năm phải đổi đất 1 lần để giảm lây lan mầm bệnh, rất tốn công lao động, mà công lao động nông nghiệp ngày càng khó tìm do xu hướng chuyển sang ngành nghề khác của bà con địa phương.
Ngoài ra, giá vật tư nông nghiệp như phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật,… ngày càng tăng cao. Qua các thông tin báo, đài, cán bộ Khuyến nông,… ông biết được tác hại của các lọai hóa bảo vệ thực vật và phân bón ảnh hưởng đến sức khỏe người trực tiếp sử dụng, ảnh hưởng đến môi trường và tồn dư trong sản phẩm rau ảnh hưởng đến người tiêu dùng,… tháng 03/2010 ông tham gia vào Câu lạc bộ Rau sạch xã Hưng Long, để học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm với bà con trồng rau sạch, nhằm giảm thiểu các tác hại đó.
Tại đây, ông nhận được thông tin Trạm Khuyến nông Bình Chánh tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật trồng rau theo qui trình VietGAP, ông đã quyết định tham dự và hiểu rõ các qui định, thủ tục, cũng như qui trình kỹ thuật trồng, ông đã mạnh dạn đăng ký tham gia thực hiện mô hình trình diễn khuyến nông “Trồng rau ăn lá theo qui trình VietGAP”, với mong muốn có được giấy chứng nhận thì rau của nhà mình bán giá cao hơn người khác. Tuy nhiên, sản phẩm thu hoạch có hàm lượng vi sinh vượt ngưỡng cho phép do một hôm ông sơ xót để đàn gà chạy vào khu sản xuất, thế là ông không được giấy chứng nhận.
Với lòng quyết tâm, ông đã chuyển qua trồng Dưa leo theo qui trình VietGAP trên diện tích 5.200 m2. Cũng như lần trước, ông đã tuân thủ nghiêm ngặt từng qui định bón phân, phun thuốc, cách ly khi thu hoạch,... trong qui trình kỹ thuật trồng; ghi chép cẩn thận từng chi tiết trong sổ nhật ký đồng ruộng do cán bộ Khuyến nông cung cấp và hướng dẫn; lưu trữ tất cả các bao bì nhãn hiệu của thuốc trừ sâu, giống, phân bón đã sử dụng hết hoặc còn dở dang để tiện trong việc kiểm tra và cấp chứng nhận. Kết quả đã mỉm cười với ông, ông đã nhận được giấy chứng nhận trồng dưa leo theo qui trình VietGAP. Sản phẩm của ông bán cho Hợp tác xã Phước An với giá thu mua cao hơn 20% so với sản phẩm không có giấy chứng nhận bán cho thương lái. Rất dễ dàng trong tính toán hiệu quả kinh tế do có ghi đầy đủ trong quyển nhật ký đồng ruộng, ông nói vụ Dưa leo vừa qua, với diện tích 5.200 m2 thu được lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng.
Là người đầu tiên ở huyện Bình Chánh cầm giấy chứng nhận trong tay, ông rất phấn khởi và mong muốn ở huyện mình sẽ có nhiều hộ cùng tham gia và liên kết lại trồng rau theo qui trình VietGAP để dễ ký kết hợp đồng cung ứng sản phẩm đảm bảo số lượng lớn và ổn định, thì lợi nhuận sẽ tăng lên rất nhiều.