Trồng Dưa Kim Cô Nương

Theo giới thiệu của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, chúng tôi được biết, hiện nhiều hộ dân ở xã Mai Pha, TP Lạng Sơn đang đưa cây dưa Kim Cô Nương vào gieo trồng và bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Như hộ gia đình bà Hoàng Thị Sơi ở thôn Nà Chuông I với diện tích 1.500 m2 , mỗi năm trồng hai vụ dưa, gia đình bà Sơi thu hoạch gần năm tấn dưa, thu nhập gần 100 triệu đồng...
Giống dưa Kim Cô Nương có trọng lượng từ 1 kg đến 1,5 kg, hàm lượng đường đạt 15% - 18%, hình ô-van, vỏ trơn, khi chín có mầu vàng kim, ruột quả mầu vàng và cùi giòn, cho vị ngọt mát và được đánh giá là có chất lượng cao hơn giống dưa hấu thông thường.
Dưa có thời gian sinh trưởng ngắn, từ 58 đến 60 ngày. Bên cạnh đó, dưa Kim Cô Nương còn có các ưu điểm khác: tiết kiệm nước, phân bón, tiết kiệm công lao động, chủ động về thời vụ và chăm bón chất dinh dưỡng cho cây, không bị ảnh hưởng bởi môi trường đất, khống chế sự lây lan của dịch hại...
Sau khi thu hoạch dễ bảo quản, chỉ cần để ở nơi khô ráo, thoáng mát có thể bảo quản được một tháng, dưa càng để lâu thì vỏ càng vàng đậm, dưa càng ngọt cho nên được người tiêu dùng khá ưa chuộng. Đặc biệt, giá bán khoảng 20 nghìn đồng/kg, gấp ba đến bốn lần dưa hấu.
Được biết, Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ khoa học và công nghệ Lạng Sơn đã trồng thử nghiệm thành công giống dưa Kim Cô Nương theo tiêu chuẩn VietGap, mở ra triển vọng về một giống nông sản sạch, đem lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân xứ Lạng.
Hiện nhiều hộ gia đình ở xã Mai Pha, TP Lạng Sơn đã được các cán bộ Trung tâm hỗ trợ giống, tập huấn phương pháp canh tác mới để nhân rộng loại dưa này.
Theo tính toán của các nhà chuyên môn, trong điều kiện sinh thái của tỉnh Lạng Sơn, có thể trồng mỗi năm hai vụ dưa, kết hợp với một vụ trồng cây khác như trồng ớt ngọt, cà chua hay hoa tươi để tăng thêm thu nhập.
Có thể bạn quan tâm

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hậu Giang kết hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Châu Thành tổ chức Lễ ra mắt mô hình tổ liên kết nuôi cá điêu hồng, ở ấp Phú Nhơn, xã Đông Phú.
Hơn 10 năm qua, khi người dân thử nghiệm thành công mô hình nuôi tôm càng xanh (TCX) theo hướng thâm canh trên đất lúa ở xã Nhị Mỹ, mô hình đã tạo “cú hích” cho quá trình phát triển kinh tế vùng đất này.

Từ đầu năm đến nay, thời tiết diễn biến phức tạp, mưa ẩm kéo dài, nắng nóng thất thường, nhiệt độ tăng cao đột biến so với mọi năm làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi, thuận lợi cho các loại dịch bệnh phát sinh. Do chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nên đến thời điểm này đàn gia súc, gia cầm (GSGC) của tỉnh Nam Định vẫn được đảm bảo an toàn, chăn nuôi tiếp tục phát triển ổn định, góp phần tăng trưởng kinh tế ngành NN và PTNT.
Trong năm 5 qua, phong trào thi đua yêu nước của ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Điện Biên không ngừng được đẩy mạnh, có sức lan tỏa sâu rộng và đạt được kết quả đáng khích lệ.

Chiều 31-8, ông Nguyễn Đình Thạnh, Trưởng Trạm Thú y huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) xác nhận trên địa bàn xã Lương Sơn đã xuất hiện một ổ dịch cúm H5N1 trên đàn vịt của một hộ chăn nuôi.