Trồng Chè Dưới Tán Điều

Hội LHPN thị trấn Đạm Ri (Đạ Huoai, Lâm Đồng) là 1 trong 3 tập thể được Hội Phụ nữ Lâm Đồng biểu dương về điển hình tập thể làm kinh tế giỏi. Nét độc đáo của mô hình này là sự thử nghiệm thành công của những người phụ nữ dám nghĩ, dám làm, trồng chè dưới tán điều đã mang lại thành công ngoài mong đợi.
Chị Nguyễn Thị Liên - Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Đạm Ri (Đạ Huoai) kể về sự ra đời của mô hình như sau: Năm 2007, Hội Phụ nữ chúng tôi tổ chức cho chị em đi tham quan giao lưu ở Bảo Lộc, thấy chị em hội viên ở đó trồng chè mà không khỏi mong muốn mình làm được như họ. Nghĩ về đất Đạm Ri chỉ trồng cây điều tập trung mỗi năm thu hoạch có một lần, Hội Phụ nữ chúng tôi quyết định trồng chè thử nghiệm dưới tán điều để tăng thu nhập cho chị em.
Xem xét một lượt, ở thôn 3 có địa hình đất đồi, quanh triền đồi rất tốt phù hợp với cây chè nên Hội Phụ nữ thị trấn Đạm Ri chọn Chi hội Phụ nữ thôn 3 làm điểm với 22 chị tham gia xây dựng mô hình trồng chè xen canh dưới tán điều. Sau 3 năm triển khai - năm 2010, Hội đánh giá hiệu quả mô hình, chị em hội viên đều phấn khởi vì việc trồng chè xen canh dưới tán điều đã đạt hiệu quả cao. Vì thế mô hình tiếp tục nhân rộng thành phong trào phụ nữ trồng chè dưới tán điều ở 8/8 Chi hội Phụ nữ của thị trấn Đạm Ri với 159 chị tham gia, trên diện tích 150 ha chè dưới tán điều. Có chị trồng nhiều nhất là 3 ha, ít nhất là 5 sào chè xen canh cây điều.
Mô hình này không chỉ tăng thêm thảm thực vật mà còn tăng thêm thu nhập cho nhiều gia đình. Giống chè trồng dưới tán điều hoàn toàn là chè trồng bằng hạt cho sản phẩm là chè tươi lấy lá để uống hoặc sản xuất chè đen. Theo tính toán của chị em, nhờ trồng chè dưới tán điều đã đem lại nguồn thu nhập ổn định theo định kỳ 2 tháng 1 lần thu chè tươi (còn gọi là chè ngang) bán cho các điểm thu mua ngay tại thị trấn Đạm Ri. Cứ 1 ha chè dưới tán điều được chăm sóc tốt sẽ đạt 2 tấn chè tươi/ha, thời giá trung bình 4.000 đồng/kg sẽ cho thu nhập bình quân 48 triệu đồng/ha/năm.
Từ mô hình này, đến nay đã giúp cho 36 gia đình hội viên phụ nữ của thị trấn Đạm Ri thoát nghèo, điển hình như gia đình chị Mai Lan (ở Chi hội Phụ nữ thôn 3), chị Võ Thị Thế (Chi hội Phụ nữ thôn 1). Nhiều hội viên phụ nữ nhờ mô hình này đã tăng thêm thu nhập không chỉ thoát nghèo mà còn có điều kiện đầu tư cho con cái ăn học như: gia đình chị Nguyễn Thị Thu Hiền (Chi hội Phụ nữ thôn 7), chị Nguyễn Thị Minh Nhiên (Chi hội Phụ nữ thôn 8)…
Với tinh thần cán bộ đi trước, chị Liên là một trong số cán bộ phụ nữ đầu tiên ở thị trấn Đạm Ri xây dựng mô hình trồng chè xen canh dưới tán điều từ năm 2007. Trên tổng diện tích 3 ha trồng điều, cây ăn trái: mít, sầu riêng, chôm chôm, chị Liên đã trồng 8 sào chè xen canh cây điều. Chị Liên cho biết: Mô hình này giúp cho việc chăm sóc một lần cả 2 loại cây, tiết kiệm phân bón, nước tưới, công chăm sóc và cả 2 cây chè - điều rất dễ chăm sóc, thích hợp nên phát triển tốt. Cứ 2 tháng một lần, thu nhập từ chè giúp nhiều gia đình hội viên có “đồng vô, đồng ra” cải thiện đời sống.
Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Đạm Ri cũng cho biết thêm: Hội Phụ nữ thị trấn phát động phong trào thi đua Phụ nữ học tập và làm theo Bác, thực hành tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững, tiếp tục nhân rộng mô hình trồng chè dưới tán điều, vận động hội viên tập trung chăm sóc và mở rộng diện tích. Vì vậy, số hội viên phụ nữ thị trấn thoát nghèo không chỉ dừng lại ở con số 36 hộ mà sẽ còn nhiều hơn thế.
Có thể bạn quan tâm

Trên thị trường hiện có hàng chục sản phẩm máy móc phục vụ nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu sản xuất theo quy mô hộ gia đình. Đa số các loại máy móc này được chế tạo bởi những “nhà sáng chế” tay ngang bắt nguồn từ nhu cầu thực tế. Trong đó, nhiều cơ sở đã đầu tư theo hướng sản xuất chuyên nghiệp dòng hàng này.

Vụ dưa hấu năm nay nông dân than trời vì dưa ế, giá rẻ. Thảm cảnh này khiến nông dân sản xuất các loại nông sản khác thấp thỏm, âu lo. Nhất là khi bài toán đầu ra cho nông sản đến giờ vẫn còn bỏ ngỏ…

Với gần 1 triệu tấn lúa, trên 200 nghìn tấn ngô và hàng trăm nghìn tấn sắn sản xuất mỗi năm, Nghệ An được coi là địa phương có nguồn nông sản dồi dào. Thế nhưng, lượng nông sản này hầu như đang được tiêu thụ trên thị trường tự do với nhiều vấn đề bất cập, số “vào” được các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi trên địa bàn vẫn chưa nhiều.

Đến nay, huyện Di Linh (Lâm Đồng) đã hình thành hơn 100 trang trại sản xuất nông, lâm, thủy sản. Những trang trại này chủ yếu của những hộ nông dân cá thể, tự phát thành lập và đầu tư theo hướng sản xuất trang trại, áp dụng công nghệ mới trong việc nuôi, trồng và chăm sóc để đem lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững hơn.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 4 ước đạt 2,63 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu của ngành 4 tháng đầu năm 2014 lên 9,69 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2013.