Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cá Tầm Ở Việt Nam Chủ Yếu Nuôi Chui

Cá Tầm Ở Việt Nam Chủ Yếu Nuôi Chui
Ngày đăng: 12/06/2013

Phần lớn các giống cá tầm trong nước hiện vẫn “nuôi chui” do giống cá tầm nhập từ nước ngoài về vẫn chưa được khảo, kiểm nghiệm để đánh giá chất lượng.

Trong khi tình trạng nhập lậu cá tầm với giá rẻ từ Trung Quốc vẫn chưa được ngăn chặn, thì theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), phần lớn các giống cá tầm trong nước hiện vẫn “nuôi chui” do giống cá tầm nhập từ nước ngoài về vẫn chưa được khảo, kiểm nghiệm để đánh giá chất lượng.

Cá nuôi không được khảo nghiệm

Theo Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản), các loài cá nước lạnh như cá hồi, cá tầm... đã được nuôi ở Nga, Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Ba Lan, Đức, Mỹ… từ rất lâu và hiệu quả cao. Ở Việt Nam, những đối tượng này mới được đưa vào nuôi ở một số địa phương miền núi cao. Cũng theo Tổng cục Thủy sản, thông qua đầu tư của Nhà nước, tư nhân và với sự hỗ trợ của các tổ chức, chuyên gia quốc tế, đến nay Việt Nam đã nhập được cá tầm Xiberi, cá tầm Trung Quốc, cá tầm Nga (A.gueldenstaedtii), cá tầm lai (lai giữa 2 loài A.ruthenus x Huso huso).

Theo phản ánh của một số chủ trang trại nuôi cá tầm, theo quy định của Bộ NNPTNT, nếu đã qua khảo nghiệm, các giống cá tầm sẽ được đưa vào danh mục cho phép sản xuất, kinh doanh. Song do việc khảo nghiệm và đánh giá kết quả chậm trễ, nên hầu hết giống cá tầm đang được nuôi ở nước ta là “chui”. Mặt khác, tra cứu trong danh mục giống thủy sản được phép sản xuất của Bộ NNPTNT, kinh doanh hiện chỉ thấy có tên cá tầm Trung Quốc, chưa có tên các loài cá tầm khác, kể cả cá tầm Nga. Điều này đồng nghĩa với việc nuôi các loài cá tầm như hiện nay có thể xem như là không hợp pháp.

“Vậy là các loài cá tầm vẫn được Bộ NNPTNT cấp phép nhập khẩu để nuôi dưới danh nghĩa khảo nghiệm. Song trên thực tế, đã nhiều năm nay Bộ này không tổ chức khảo nghiệm, mà cứ dềnh dàng để cho doanh nghiệp xin và cho phép nhập. Doanh nghiệp nuôi cá tầm Việt Nam phải chịu thêm nhiều chi phí vô hình, nên giá thành cao càng khó lòng cạnh tranh giá cả với cá tầm nhập lậu” - một doanh nghiệp nuôi cá tầm bức xúc cho biết.

Khó xử lý vi phạm

Hiện đang có nhiều câu hỏi khác nhau liên quan đến thông tin, các cơ quan chức năng sẽ xử lý như thế nào đối với Công ty cổ phần Thủy điện Chu Va (Lai Châu) về việc công ty này nuôi cá tầm của Trung Quốc (NTNN đã phản ánh). Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Văn Cảnh – Giám đốc công ty này cho biết: “Cá tầm Trung Quốc đã được khảo nghiệm và có trong danh mục được phép nuôi tại Việt Nam, nếu xử lý tôi, thì phải xử lý toàn bộ các doanh nghiệp đang nuôi cá tầm ở Việt Nam hay sao?”.

Hiện sự việc xử lý công ty này đang chờ kết luận cuối cùng của Tổng cục Thủy sản. Nhiều chuyên gia nhận định, để xử lý Công ty Chu Va không hề đơn giản vì phải xác định được cá ở dưới ao của công ty này có phải là cá của Trung Quốc hay không? Nếu là cá của Trung Quốc thì Công ty Chu Va có giấy kiểm dịch hay không...? Và nếu xử lý Công ty Chu Va, liệu có xử lý tất cả các doanh nghiệp khác đang vi phạm quy định của Bộ NNPTNT là nuôi cá không có trong danh mục hay không...?

Theo báo cáo của Vụ Nuôi trồng thủy sản, từ năm 2002, Nhà nước đã sớm quan tâm, đầu tư nghiên cứu, nhập công nghệ phục vụ phát triển nuôi cá tầm. Trong vòng 9 năm qua, đã có hàng loạt dự án nhập công nghệ, đề tài nghiên cứu về sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá tầm được phê duyệt, trong đó có những dự án lên tới gần 10 tỷ đồng nhưng không hiểu sao ngành thủy sản lại chưa tiến hành các thủ tục cần thiết để đưa các giống cá tầm của châu Âu (cá tầm Nga, cá tầm Xiberi) vào danh mục? Lý giải về vấn đề này, một lãnh đạo của Tổng cục Thủy sản lại cho rằng: “Chưa có kinh phí cho công tác khảo nghiệm và hiện tại cũng đang tiến hành khảo nghiệm chứ không phải là không làm”.

Còn một số doanh nghiệp nuôi cá tầm đặt câu hỏi: Tại sao không có kinh phí khảo nghiệm lại vẫn tiến hành khảo nghiệm cá tầm Trung Quốc để đưa vào danh mục trong khi giống cá tầm Trung Quốc không có giá trị trên thị trường thế giới. Với kinh phí khảo nghiệm khoảng 500 triệu đồng không phải là nhiều, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng bỏ ra nhưng khảo nghiệm xong, khi đưa các giống cá tầm vào danh mục, các doanh nghiệp khác không phải đầu tư khảo nghiệm cũng được... hưởng lợi. Câu hỏi đặt ra là: Các doanh nghiệp và người dân nuôi cá tầm sẽ phải xin cấp phép “khảo nghiệm” tới khi nào và phải nuôi cá tầm bất hợp pháp tới khi nào?


Có thể bạn quan tâm

Một Mô Hình Nuôi Ong Mật Một Mô Hình Nuôi Ong Mật

Từ năm 1995, định cư tại ấp Phước Xuân, xã An Khánh (Châu Thành - Bến Tre), ông Nguyễn Hữu Thành bắt đầu trở lại với nghề nuôi ong.

27/12/2013
Kiên Giang Xuất Khẩu Cá Biển Nuôi Sang Trung Quốc Kiên Giang Xuất Khẩu Cá Biển Nuôi Sang Trung Quốc

Ngày 5-12, Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang cho biết: Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang vừa phê duyệt dự án vận chuyển cá biển nuôi tại Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.

07/12/2013
Lúa Đông Xuân Sớm Được Giá Lúa Đông Xuân Sớm Được Giá

Vụ Đông Xuân 2013 - 2014, toàn huyện Mang Thít (Vĩnh Long) xuống giống gần 6.728ha, hiện đã thu hoạch được hơn 1.500 ha, tập trung nhiều tại các xã Chánh An, An Phước, Nhơn Phú, Bình Phước, Tân Long Hội,… năng suất trung bình đạt 6,4 tấn/ha, cao hơn 0,2 tấn so cùng kỳ.

27/12/2013
Vươn Lên Khá Giàu Từ Nuôi Bò Lai Và Trồng Rừng Vươn Lên Khá Giàu Từ Nuôi Bò Lai Và Trồng Rừng

Nói về những người nông dân vươn lên làm ăn khá giàu từ nuôi bò, trồng keo lai ở thôn Gia Vấn

07/12/2013
Nỗi Lo Nhà Nông Nỗi Lo Nhà Nông

Bộ lá đòng giữ vai trò quan trọng trong suốt thời kỳ lúa làm đòng, trổ bông đến chín. Để giúp bà con bảo vệ tốt bộ lá đòng, bảo vệ năng suất lúa, công ty Syngenta Việt Nam và công ty cổ phần khử trùng Việt Nam VFC tổ chức sự kiện AnVil - NeVo Sức Sống Xanh, Hạt No Sạch Sáng tại xã Liêu Tú, huyện Trần Đề (Sóc Trăng). Sự kiện này có sự tham dự của các nhà khoa học và trên 300 nông dân ở địa phương.

27/12/2013