Trong Cái Khó, Ló Sáng Kiến
Chỉ có 300 m2 đất vườn, nên ông Đồng Rân, ở thôn 2, xã Nghĩa Dõng (TP. Quảng Ngãi) quyết định tận dụng để chăn nuôi và trồng cà chua.
Tuy nhiên, từ giống cà chua thường cho đến giống cà chua ghép được đặt mua tận Đà Lạt khi xuống giống cũng đều xảy ra tình trạng héo rũ và chết hàng loạt. Không bỏ cuộc, ông Rân quyết tâm tự ghép ra giống cà chua mới, vừa thích nghi được với khí hậu của Quảng Ngãi, vừa cho năng suất cao.
Từ mất trắng 2.000 cây giống
Năm 2007, ông Rân hăm hở đặt mua 2.000 cây cà chua ghép gốc cà chua dại Đà Lạt với ấp ủ sẽ dùng loại cây này để phát triển kinh tế gia đình. Tại thời điểm đó, tính luôn chi phí vận chuyển về Quảng Ngãi, giá mỗi cây cà chua ghép lên đến 2.000 đồng. Những tưởng khi gắn bó với loại cà chua ghép này, ông sẽ không phải đối mặt với tình trạng cây bỗng dưng mắc bệnh héo xanh rồi chết hàng loạt như giống cà chua thường.
Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết tại Quảng Ngãi không thích hợp cho loại cây giống được trồng ở xứ lạnh nên 2.000 cây cà chua ghép mà ông Rân mua về cũng đều chết sạch.
Không cam tâm khi giống mất trắng, ông Rân bỗng nảy ra ý định tự ghép giống cà chua mới, để ngay từ đầu, cây giống có thể thích nghi được với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Nghĩ là làm, hơn 60 gốc ghép của những cây thuộc họ cà đã được ông Rân tìm tòi, mang về ghép thử.
Cả ngày loay hoay ngoài vườn với khay đất, chậu cây… ông Rân ươm trồng rồi lại nhổ bỏ hàng loạt. Bởi có nhiều gốc cây khi ghép thử với cà chua, mặc dù cây sinh trưởng rất tốt, nhưng lúc thu hoạch lại chỉ đậu một quả. Suốt 6 tháng trời mày mò với bao tâm huyết và mong đợi, cuối cùng, ông Rân cũng mãn nguyện khi chậu cà chua ghép với gốc cà dại hoa trắng vươn lên xanh tốt và cho quả sum suê.
Đến giống cà chua ghép trên gốc cà dại
Sau khi ghép thành công, ông Rân trồng thử 100 cây ngay tại vườn nhà. Cây cà chua ghép của ông Rân sử dụng rễ của cây cà dại hoa trắng, cây khỏe, sinh trưởng tốt, chịu được úng ngập. Bắt đầu trồng từ tháng 10, đến tháng 2 năm sau, ông Rân thu hoạch tổng cộng 75kg cà chua/100 cây.
Tiếng lành đồn xa, hay tin có người ghép được giống cà chua vừa cho năng suất cao lại không mắc chứng héo xanh rồi chết đột ngột, người dân các địa phương tìm đến nhà ông Đồng Rân để mua cây giống. Đặt mua 500 cây cà chua ghép từ ông Rân, ông Trần Hồng Sơn ở thôn Diên Lộc, xã Bình Tân (Bình Sơn) mang về trồng trên một sào đất và giờ đã sắp đến kỳ thu hoạch. “Mọi khi, cây cà chua thường hay chết yểu khiến gia đình tôi thất thu.
Nhưng giờ, cây cà chua này chẳng những sống được mà còn xanh tốt, khỏe mạnh và ra quả nhiều lắm. Lại vừa kịp bán Tết!” - ông Sơn vui mừng chia sẻ.
Mô hình trồng cà chua ghép với cà dại hoa trắng là tín hiệu vui đối với bà con nông dân, khi mà giống cây ghép này có thể giúp người dân tránh khỏi tình trạng cà chua chết hàng loạt do bệnh héo xanh...
Nhạy bén, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, người nông dân từng thành công với mô hình trồng hoa ly ly ngay giữa mùa hè tâm sự: “Bắt hoa ly ly nở giữa mùa hè, hay ghép để cà chua không chết…đúng là khó đối với một người nông dân không được học qua trường lớp như tôi. Nhưng tôi nghĩ, chỉ cần tìm hiểu, đam mê về cây trồng và kiên nhẫn, thì sẽ làm được.”
Có thể bạn quan tâm
Theo lời giới thiệu của cán bộ Hội Nông dân xã Định An, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, chúng tôi tìm đến nhà anh Phan Thanh Bình (sinh năm 1981) ở ấp 2, An Phước. Vừa làm công nhân tại Nông trường Cao su Trần Văn Lưu vừa chăn nuôi trâu sinh sản, anh Bình trở thành tấm gương điển hình về làm kinh tế giỏi, đi lên từ chính nghề nuôi trâu.
Đi ngang qua ven biển Khai Long, địa phận ấp Rạch Thọ, xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển), phóng tầm mắt, một bên là bãi Khai Long sôi động với nghề nuôi nghêu, một bên là rừng đước thẳng hàng. Quan sát dưới chân rừng, ấn tượng bởi một hình ảnh thực sự bất ngờ ngay giữa miền biển Đất Mũi: Đó là hàng trăm con dê đang mải mê kiếm ăn. Những hình ảnh đẹp, bình dị này khiến nhiều người nghĩ rằng đang lạc về một chốn thảo nguyên thanh bình chứ không phải đang ở miền biển cực Nam Tổ quốc.
Chỉ bằng nghề trồng chuối tây, hàng trăm hộ dân ở xã Kim Bình (huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang) đã có thu nhập từ 100 triệu đồng/hộ trở lên. Chuối tây ở Kim Bình giờ được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với số lượng và giá cả ổn định.
Là người tiên phong chăn nuôi giống gà Phùng tại địa phương, mỗi năm gia đình chị Phạm Thị Hoan, xóm Tân Đông, Đồng Văn, Tân Kỳ (Nghệ An) thu lãi hơn gần 500 triệu đồng.
Với thu nhập trên 400 triệu đồng lãi ròng mỗi năm, chị Nguyễn Thị Quỳnh ở bản Kẻ May, xã Cẩm Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) trở thành triệu phú nhờ nuôi ếch, gà giống.