Trồng Ấu Mùa Nước Nổi

Ấu là loài cây thủy sinh rất thích hợp trồng trong mùa nước nổi, vì vậy loại cây này được khá nhiều bà con nông dân huyện Lấp Vò chọn trồng nhằm cải thiện thu nhập. Nếu biết cách trồng và chăm sóc hợp lý thì đây là một trong những loại cây màu thích hợp sống chung với lũ ở những vùng trồng lúa kém hiệu quả.
Gia đình ông Nguyễn Văn Lợi - một trong những hộ dân trồng ấu lâu năm thuộc khu vực ấp Vĩnh Hưng, xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò cho biết: “Năm 2006, gia đình tôi chỉ chuyển 2.000m2 đất lúa sang trồng thử nghiệm ấu Đài Loan. Đến nay, diện tích này mở rộng được gần 1ha ấu trong mùa nước nổi. Trên 6 năm gắn bó với nghề, tôi thấy đây là loại cây không khó trồng, thích hợp được cả với vùng đất nhiễm phèn, trong đó vấn đề nước trồng được xem là quan trọng nhất trong quá trình canh tác ấu”.
Theo nhiều người dân trồng ấu lâu năm, để ấu đạt năng suất cao trong mùa nước nổi thì người trồng cần phải chú trọng khâu chuẩn bị giống tốt, chọn những trái ấu căng tròn, đảm bảo không có mầm bệnh hay dị tật. Ấu ít bị sâu bệnh gây hại, nên nếu muốn ngừa bệnh thì phải phun thuốc vào giai đoạn đầu khi trồng nhằm tránh các loại côn trùng như cua, ốc, sâu gây hại ngọn, lá hay trái ấu. Đồng thời, bổ sung Canxi BO tăng cường dinh dưỡng chống rụng trái. Sử dụng các loại thuốc Avalon, Gold Full để trị bệnh kháng thư, nấm khuẩn.
Ấu từ lúc trồng đến 3 tháng sau có thể bắt đầu thu hoạch đợt đầu tiên, mỗi vụ thu hoạch được khoảng 3-4 đợt, mỗi đợt cách nhau từ 10-15 ngày tùy theo năng suất và chất lượng của từng ruộng ấu. Nếu được chăm sóc tốt, 1 công ấu có thể cho năng suất từ 4-5 tấn trái mỗi vụ. Hiện giá ấu sống bán lẻ dao động từ 7.000-8.000 đồng/kg, giá ấu mua tại ruộng 4.500-5.000 đồng/kg, tăng khoảng 20% so với vụ trước.
Ông Lê Phước Dũng ngụ ấp Hưng Nhơn, xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò tâm đắc nói: “Vụ này, gia đình tôi trồng 9 công ấu, đến nay đã thu hoạch hoàn tất, đạt năng suất gần 160 giạ ấu (tương đương 3,5 tấn). Ấu tươi bán lẻ 140.000 đồng/giạ cho các hộ trong địa phương mua về nấu chín đem bán lại, còn ấu hái và bán ngay tại ruộng cho các ghe lớn thì từ 100.000 - 110.000 đồng/giạ. Sau 2 đợt thu hoạch, trừ các khoản chi phí tôi còn lời gần 8 triệu đồng”.
Tương tự, anh Trần Thanh Hưng ngụ ấp Hưng Nhơn, xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò cho biết: “Hiện 5 công ấu của gia đình tôi cho thu hoạch được 2 đợt, đạt năng suất 80 giạ. Trồng ấu mùa này “ăn dai” hơn các mùa khác là do thu hoạch được nhiều đợt, năng suất cứ thế cũng tăng hơn. Theo đó, nếu trừ đi các khoản chi phí và thuê nhân công hái thì gia đình tôi còn lời khoảng 1,5 triệu đồng/công”.
Bên cạnh các hộ trực tiếp trồng ấu, những người không có ruộng để trồng ấu cũng có thêm thu nhập từ việc hái thuê hoặc mua bán ấu trung gian. Trung bình một ngày, mỗi nhân công hái được khoảng 100kg ấu, thu nhập bình quân 150.000 - 200.000 đồng. Số hộ khác thì chuyên mua ấu tươi về nấu chín, vận chuyển đi bán ở TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai. Theo đó, giá 1 lít ấu nấu chín từ 10.000-12.000 đồng, tính ra mỗi giạ lời khoảng 120.000 đồng. Ngoài ra, ấu non được tách vỏ sẵn, tẩm muối, đường gói trong bọc hấp chín cũng là món ăn được rất nhiều người ưa thích.
Thời gian qua, nghề trồng ấu cũng giải quyết được vấn đề lao động nông thôn. Người dân trong nghề mong chính quyền địa phương quan tâm đến việc lai tạo giống ấu, tìm ra nguyên nhân gây bệnh, cách phòng bệnh trên loại cây này và tạo điều kiện cho sản phẩm đến với thị trường, tiêu thụ thuận lợi hơn.
Có thể bạn quan tâm

8 tháng của năm 2015, 81 cơ sở nuôi cá tra thương phẩm của 13 doanh nghiệp và 68 hộ dân đã được cấp mã số, với 646 ao, tổng diện tích nuôi 603,21 héc-ta.

Hiện nay, xã Hoằng Phong (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) có 250 ha nuôi thủy sản nước lợ với 105 hộ tham gia.

Ông Trần Trung Hiền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh, cho biết: Trong tháng 8/2015, nông dân các huyện ven biển thả nuôi 167 triệu con tôm sú, diện tích 527 ha, hơn 510 triệu con tôm thẻ chân trắng, diện tích 810 ha. Nâng tổng số đến nay toàn vùng thả nuôi 1,97 tỷ con tôm sú, diện tích 19.125 ha; 2,28 tỷ con thẻ chân trắng, diện tích 4.139 ha. Sản lượng thu hoạch đến tháng 8/2015 là 19.724 tấn/40.425 tấn (8.049 tấn tôm sú, 11.675 tấn tôm thẻ chân trắng), đạt 48,7% kế hoạch, giảm hơn 9.100 tấn (tôm sú 1.856 tấn, tôm thẻ 7.195 tấn) so cùng kỳ.

Ngày 7/8/2014 Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ đã báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và PTNT và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) về việc Tổng thống Obama trực tiếp chỉ đạo thành lập Tổ công tác liên ngành (Task Force)

Người phụ nữ ấy có dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, nước da rám nắng, vận trên mình bộ quần áo bảo hộ lao động và làm việc từ sáng đến chiều tối trong chuồng lợn như một người lao động thạo việc của trang trại. Vì vậy, nếu không được giới thiệu thì tôi không nghĩ đó chính là bà chủ của trang trại chăn nuôi lợn nái hậu bị công nghệ cao lớn nhất, nhì tỉnh với 1.200 con lợn/lứa. Bà là Vũ Thanh Lâm, 54 tuổi, ở tổ dân phố Nam Thọ, phường Nam Cường, thành phố Yên Bái.