Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trồng 15 Năm, Cưa Làm Củi !

Trồng 15 Năm, Cưa Làm Củi !
Ngày đăng: 25/02/2012

Để giải quyết khó khăn, Cty Lam Sơn tiến hành chặt hết những vườn cao su kém mủ để trồng lại và tiếp tục chờ đợi kết quả trong ít nhất 8 năm nữa. Chẳng hiểu lần chờ đợi này có đem đến phép màu nào không?

CAO SU TỊT MỦ

Những năm 1997 - 2000, hưởng ứng chủ trương của tỉnh Thanh Hóa, Nông trường Lam Sơn kêu gọi công nhân, người dân tại Ngọc Lặc và Thọ Xuân thay thế một phần diện tích hoa màu chuyển sang trồng cao su với niềm hy vọng tạo ra bước đột phá về kinh tế cho khu vực miền tây xứ Thanh. Theo đó, Nông trường cho dân ứng toàn bộ giống, phân bón, tập huấn quy trình kỹ thuật trị giá khoảng 10 triệu đồng/ha không tính lãi, sau đó trừ dần vào mủ khi cao su bắt đầu cho thu hoạch.
Trong thời gian chờ cao su có mủ, hộ nhận khoán được hưởng tiền công chăm sóc và toàn bộ lợi nhuận hoa màu trồng xen kẽ dưới tán cao su đến năm thứ 4. Với cơ chế ưu đãi như vậy, gia đình nào cũng nhiệt tình hưởng ứng. Chỉ trong thời gian ngắn, gần 500 ha cao su đã phủ kín những quả đồi trước kia là vựa mía của Nông trường Lam Sơn. Chính quyền sở tại cũng vui mừng tin tưởng cây cao su chính là lời giải cho bài toán chuyển đổi cơ cấu kinh tế và xóa đói giảm nghèo cho địa phương.
Thời gian đầu, cây cao su phát triển khá tốt khiến bà con nông dân và cả công nhân ai cũng vui mừng khấp khởi. Khoảng năm 2005, khi cao su được tuổi thu hoạch, người người hồi hộp đợi những giọt mủ đầu tiên song đều thất vọng khi cao su cho mủ rất ít. Gia đình nào chăm sóc tốt, chịu khó cạo may ra được 5-6 kg/ha/ngày, còn lại lèo tèo 2-3 kg.
Nghĩ cây cao su còn non ít mủ nên người dân vẫn hy vọng năm sau sản lượng mủ sẽ cao hơn. Nhưng hy vọng bao nhiêu thì thất vọng bấy nhiêu, chờ đợi hoài đến nay cao su đã 15 tuổi chúng vẫn chỉ cho mủ như vậy, thậm chí nhiều lô còn không cho mủ nên hầu hết không hộ nào nộp sản đủ mủ cao su cho Cty Lam Sơn, bị Cty phạt như cơm bữa, thậm chí tiền phạt còn nhiều hơn tiền nợ đầu tư ban đầu.
Vì phải đóng rất nhiều khoản chi phí cũng như tiền thuê đất trong khi cao su ngày một ít mủ nên người nhận khoán cao su nợ nần chồng chất. Tính ra một ngày công đi cạo mủ cao su từ 3 giờ sáng, sau khi trừ mọi chi phí phải đóng góp cho phía Cty Lam Sơn người dân chỉ còn lại trong tay 10.000-15.000 đồng.
Chị Nguyễn Thị Thao, Trưởng thôn 10 (xã Minh Tiến - Ngọc Lặc), một trong những thôn có diện tích cao su lên tới gần 100 ha đắng đót cho biết, dù cây cao su cho mủ được 6-7 năm nay, nhưng hiện 73 hộ dân thôn chị mới có 10% số hộ trả được 50% nợ ban đầu, còn lại hộ nợ ít thì chục triệu, nhiều lên tới vài chục triệu. “Hầu như nhà nào cũng nợ, ngay như nhà tôi nợ Cty Lam Sơn hơn 18 triệu đồng hiện chưa biết trông vào đâu để trả. Cô em gái tôi đi cạo mủ cao su ròng rã đúng một tháng trời sau khi trừ hết các khoản tiền này nọ còn cầm về đúng 500 ngàn mà tủi thân tấm tức khóc mấy ngày trời”. Chị Thao bức xúc nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Cty Lam Sơn thừa nhận, nguyên nhân chính khiến người dân và công nhân nợ tiền Cty không trả được do sản lượng mủ cao su quá thấp. Còn nguyên nhân khiến cao su mủ thấp ông Thành chỉ phỏng đoán do chất lượng giống kém cộng khí hậu, địa hình khắc nghiệt, bên cạnh đó cách chăm sóc, khai thác của người dân lại chưa đúng kỹ thuật.
Ông giám đốc nói do giống, do dân, đâu biết thực tế việc khảo sát trồng cao su tại đâu và đưa giống nào vào trồng (từ năm 1997) đều được phía Nông trường hướng dẫn, cung cấp (!).
PHIÊU LƯU LẦN NỮA
Những ngày gần đây, nếu ai có dịp đi trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Minh Tiến, huyện miền núi Ngọc Lặc dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người dân đang chặt phá tan tành những rừng cao su đáng lẽ  đang trong đỉnh điểm thu hoạch. Tiếng cưa máy rèn rẹt, phành phạch, những cây cao su to hơn bắp vế đổ rào rào khiến ai nhìn cũng tiếc ngẩn ngơ.
Ai đâu thể ngờ rằng, hàng trăm ha cao su đầu tư nhiều tỷ đồng trong chớp mắt đã biến thành củi được phía Cty Lam Sơn định giá có vài triệu đồng/ha. Bản thân Cty Lam Sơn hiện cũng chưa biết khi nào có thể thu hồi được tiền vốn đầu tư trồng cao su từ các hộ nhận khoán nên nhân tiện dịp thanh lý rừng cao su tịt mủ để trồng mới và lấy luôn tiền bán cây để trừ bớt nợ, số nợ còn lại Cty khoanh lại không tính lãi để "động viên" người dân yên tâm tham gia trồng cao su lần thứ 2.
Ngồi thẫn thờ bên đồi cao su đã bị đốn sạch, anh Phạm Ngọc Quỳnh, thôn 10, xã Minh Tiến giờ nghĩ lại mới thấy ngày xưa mình ngu muội. Nhà có 2 ha đất đồi dốc toàn đá vậy mà anh cũng đem đi góp trồng cao su, lúc xuống giống thậm chí anh Quỳnh phải dùng xà beng để phá, để đào hố thì thử hỏi cây cao su làm sao có nhiều mủ được. Không chỉ anh Quỳnh mà phần lớn diện tích cao su không mủ đều do trồng ở địa hình đồi quá dốc, chỉ phù hợp trồng rừng.
Được biết, trong năm 2011 Cty Lam Sơn đã trồng mới thay thế được 126 ha cao su, Cty dự kiến từ nay đến năm 2013 sẽ trồng lại 50 ha nữa, số diện tích đang cho khai thác còn lại sẽ thay thế dần theo từng năm, trong thời gian đó cố “cọ quèn” vớt vát được cân mủ nào hay cân đó bởi giờ chặt hết Cty cũng khốn khổ vì không thu hồi được vốn.
Điều ngược lại, người dân lại càng muốn thanh lý rừng cao su càng sớm càng tốt, vì gần 500 ha cao su trồng từ những năm 1997 - 2000 tại Ngọc Lặc, Thọ Xuân không có hiệu quả kinh tế, định mức khoán với Cty Lam Sơn thì không hề thay đổi nhưng mủ cao su thì cứ tịt dần theo thời gian nên càng để lâu các hộ càng nợ Cty nhiều hơn.
Có một điều các hộ nhận khoán cao su hiện nay rất băn khoăn là trong cơ cấu giống của Cty Lam Sơn, ngoài hai giống mới là Ric 211 và DT1 thì vẫn có hai giống cao su cũ đã trồng từ năm 1997 là RRim 600 và RRim 172 nay không ra mủ. Phía Cty Lam Sơn lý giải rằng, chất lượng giống và kỹ thuật ngày trước khác bây giờ rất nhiều và đây cũng là bộ giống do Viện Nghiên cứu cao su Việt Nam khuyến cáo trồng tại khu vực miền Trung.
Vậy là sau 15 năm đeo đuổi bất thành, giờ Cty Lam Sơn lại đưa người dân tại miền tây Thanh Hóa tiếp tục một cuộc phiêu lưu lần nữa với cây cao su mà kết quả của nó phải tới 8 năm sau mới có câu trả lời. Chúng tôi được biết, trong quá khứ, Cty Lam Sơn đã không ít lần mất trắng hàng chục ha cao su vì sương muối, nắng nóng và gió bão… Một ha cao su trồng tại đây khoảng 550 cây đến lúc thu hoạch mủ còn lại khoảng 300 cây là nhiều do thiên nhiên tàn phá.
Nhìn thấy khó khăn, khắc nghiệt như vậy và đã có cả bài học thất bại làm kinh nghiệm, lý do gì khiến Cty Lam Sơn vẫn quyết tâm đeo đuổi bằng được cây cao su? Trả lời câu hỏi này, một cán bộ kỹ thuật Cty Lam Sơn cho hay, trồng mía thì không thể có đột phá về kinh tế được, trồng cây cao su nếu thành công người dân sẽ có việc làm quanh năm (thực chất cao su tại Thanh Hóa chỉ khai thác mủ được 6-7 tháng), thời gian khai thác cao su dài và thu nhập trên một ha lớn hơn rất nhiều so với các loại cây trồng khác.
Kịch bản “Gia Cát Dự” là như vậy, nhưng thực tế tại Cty Lam Sơn chứng minh, trong 1.000 ha đất của Cty thì 500 ha mía mỗi năm cho thu hoạch gần 50 tỷ đồng trong khi 500 ha cao su mỗi năm thu hoạch giỏi lắm được vài tỷ đồng, không đủ trả chi phí nhân công, vận chuyển, sơ chế thì nói gì đến chuyện đột phá kinh tế.


Có thể bạn quan tâm

Tập Trung Sản Xuất Tôm Thẻ Chân Trắng Tập Trung Sản Xuất Tôm Thẻ Chân Trắng

Theo đó, Vụ Nuôi trồng thủy sản cần bám sát tình hình sản xuất của các địa phương, cùng địa phương điều chỉnh mùa vụ cho hợp lý, đẩy mạnh nghiên cứu dịch bệnh, thú y, quan trắc, cảnh báo và phát hiện sớm các dịch bệnh để xử lý...

06/09/2013
Nuôi Cá Lóc Trong Bể Ny-Lon Bằng Thức Ăn Công Nghiệp Có Thu Nhập Ổn Định Nuôi Cá Lóc Trong Bể Ny-Lon Bằng Thức Ăn Công Nghiệp Có Thu Nhập Ổn Định

Ông Mai Tấn Phước (ngụ khóm Thới An A, phường Mỹ Thạnh, TP.Long Xuyên, An Giang) cho biết, gia đình ông đang nuôi 8.000 con cá lóc giống bằng thức ăn công nghiệp trong 4 bể ny-lon (tổng diện tích 62 m2).

07/09/2013
Yến Sào “Made In... Hue” Yến Sào “Made In... Hue”

Mới đây, qua kết quả khảo sát thực địa của PGS Tiến sĩ Võ Văn Phú, Khoa Sinh học Đại học Khoa học Huế cho thấy rằng, nguồn chim yến tự nhiên ở vùng Huế không thua kém các tỉnh duyên hải phía Nam.

07/09/2013
Làm Giàu Từ Dê, Táo Làm Giàu Từ Dê, Táo

Xã Phước Hậu (huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) là vùng đất thuần nông. Sau cây lúa, cây nho, mô hình gia trại trồng táo-nuôi dê đang được các hộ trong xã nhân rộng. Chỉ vài năm qua, đã có hàng trăm hộ ăn nên làm ra từ dê, táo.

07/09/2013
Phải Xử Lý Mạnh Những Cơ Sở Nuôi Cá Da Trơn Gây Ô Nhiễm Môi Trường Phải Xử Lý Mạnh Những Cơ Sở Nuôi Cá Da Trơn Gây Ô Nhiễm Môi Trường

Ông Trần Công Danh - Trưởng Ban KTNS - HĐND tỉnh Bến Tre (người đi đầu) đang phúc tra trại nuôi cá da trơn của Công ty Cổ phần Thủy sản Hải Hương tại ấp Tiên Lợi (Tiên Long - Châu Thành).

09/09/2013