Trở Ngại Sản Xuất Mía Đường
Trong sản xuất và tiêu thụ mía của Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) hiện nay, ngoài chịu ảnh hưởng chung của cơ chế thị trường, thì nhiều nơi nằm trong vùng nguyên liệu vẫn còn bộc lộ những mặt hạn chế, dẫn đến việc giá thu mua mía nguyên liệu giảm.
Theo kế hoạch, vụ mía 2013-2014, Casuco sẽ ký hợp đồng bao tiêu với nông dân khoảng 1,2 triệu tấn mía, với giá sàn bảo hiểm là 830 đồng/kg, mía 10 CCS tại cầu cảng nhà máy. Mức giá này, thấp hơn 70 đồng/kg so với cùng kỳ. Lý giải về giá bao tiêu giảm, ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó Tổng Giám đốc Casuco, cho biết: Thời gian gần đây, do tình hình đường nhập lậu còn diễn ra gay gắt, dẫn đến giá đường trên thị trường liên tục giảm mạnh, việc sản xuất đường không có lãi nên giá bao tiêu mía cũng bị “liên lụy”. Nếu như vào thời điểm này của năm trước, giá đường bán ra tại công ty từ 16.000-17.000 đồng/kg, thì nay chỉ còn trên dưới 14.000 đồng/kg. Giá thấp kéo theo việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Hiện công ty vẫn còn tồn kho trên 10.000 tấn đường, trong khi mọi năm đã tiêu thụ hết trước đó khoảng 1 tháng. Việc Casuco đưa ra mức giá bao tiêu vào thời điểm này chỉ mang tính bảo hiểm cho nông dân, đến khi thu hoạch sẽ thu mua theo giá thị trường nhưng không dưới giá đã ký kết.
Bên cạnh giá đường giảm, một nguyên nhân khác làm ảnh hưởng đến giá thu mua mía hiện nay là do chất lượng nguồn mía nguyên liệu trong dân chưa cao, một số vùng sản xuất, mía còn lẫn nhiều tạp chất làm ảnh hưởng đến chữ đường. Trong sản xuất mía, chữ đường có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là thước đo và quyết định đến giá thu mua, vì chữ đường càng cao thì giá mía càng tăng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn không ít nông dân chưa thật sự quan tâm đến chữ đường. Thông thường, mỗi vụ mía người dân phải đánh lá từ 4-5 lần để mía thông thoáng, lớn nhanh, ít sâu bệnh, đặc biệt không bị lẫn nhiều tạp chất trong quá trình thu hoạch. Riêng vùng mía tại TP.Vị Thanh và huyện Long Mỹ, đa phần bà con ở 2 khu vực này chỉ đánh lá 2 lần từ khi trồng đến thu hoạch, điều này dẫn đến hệ lụy là, mía sẽ còn lẫn nhiều tạp chất và ảnh hưởng đến chữ đường, kéo theo giá thu mua giảm.
Bà Nguyễn Thị Nhung, ở ấp Mỹ 1, xã Hỏa Lựu, TP.Vị Thanh, bộc bạch: “Mía sau khi trồng 1-2 tháng sẽ đánh lá lần đầu, đến tháng thứ 5 hoặc 6 thì đánh lá lần 2 và bỏ luôn cho đến khi thu hoạch. Sở dĩ làm theo hình thức này là nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư”. Với cách tiết kiệm trên, vô tình người dân đã tự hạ giá mía của mình, bởi khi vào vụ thu hoạch rộ, nhân công chỉ đốn mía ở phần gốc và chặt ngọn rồi bó lại chở đến nhà máy đường. Lúc này, vẫn còn nhiều lá mía bám trên thân nên gây ra tình trạng lẫn tạp chất và hạ chữ đường là điều khó tránh khỏi.
Ngoài tạp chất bên ngoài, một lý do khác làm cho chữ đường giảm là việc người dân vẫn còn bón phân urê trước khi thu hoạch mía vài ngày. Vì bón phân trong giai đoạn này, có thể giúp thân mía sẽ lớn nhanh nhưng rễ sẽ hút và trữ nước lại trong thân, tuy có năng suất nhưng chữ đường giảm đi khá nhiều. Chính vì vậy, dù mía đạt năng suất cao, nhưng không có chữ đường thì nguồn lợi nhuận của nông dân sẽ giảm. Phó Tổng Giám đốc Casuco Nguyễn Hoàng Ngoan cho biết thêm: Hiện nay, Bộ NN&PTNT yêu cầu tất cả các nhà máy đường đều phải mua mía theo chữ đường, nên các hộ trồng mía phải chú trọng nâng cao chất lượng cây mía. Loại bỏ tạp chất trước khi nhập vào nhà máy mới đảm bảo được lợi nhuận là một việc làm cần thiết.
Trong nền kinh tế thị trường, để tồn tại và phát triển, doanh nghiệp luôn phải đảm bảo mục tiêu lợi ích kinh tế, lợi nhuận cho các cổ đông góp vốn đầu tư và công ăn việc làm cho người lao động. Ngoài ra, còn phải thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc hỗ trợ cho người trồng mía như: bao tiêu và đưa ra mức giá sàn trước khi mùa thu hoạch mới bắt đầu, đầu tư mía giống, khoa học kỹ thuật trong vùng mía nguyên liệu… Trước điều kiện kinh tế khó khăn, trong một thời gian ngắn, doanh nghiệp có thể chấp nhận lỗ hoặc lợi nhuận ít hơn để chia sẻ với chủ mía. Tuy nhiên, nếu tình trạng thua lỗ cứ kéo dài sẽ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp lẫn nông dân.
Theo Casuco, để duy trì việc sản xuất đường trong thời gian tới và để đảm bảo đầu ra cũng như đời sống của người trồng mía, bên cạnh việc nhà máy đường phải cải tiến công nghệ sản xuất, người dân cũng cần thay đổi tập quán canh tác. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến chất lượng nguồn mía nguyên liệu, thường xuyên sử dụng các giống mía mới chất lượng, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của đường trong nước với thế giới. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần quan tâm, xem xét hạ lãi suất ngân hàng, có cơ chế để nông dân dễ dàng tiếp cận vốn vay, tiếp tục tạo cơ chế thông thoáng cho nhà máy đường về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT. Bên cạnh đó, cần có biện pháp mạnh hơn nữa ngăn chặn đường nhập lậu để cứu lấy các nhà máy đường trong nước và giúp nông dân trồng mía giải quyết khó khăn, ổn định cuộc sống…
Có thể bạn quan tâm
Tháng 12 vừa qua, cam sành thôn Thuốc Thượng 1, xã Tân Thành (Hàm Yên - Tuyên Quang) đã được Viện Khoa học sự sống (Bộ Nông nghiệp và PTNT) chính thức công nhận an toàn theo tiêu chuẩn VietGap. Đây tiếp tục là bước tiến quan trọng góp phần nâng cao giá trị cam sành Hàm Yên nói chung và vùng cam Tân Thành nói riêng.
Theo các hộ nông dân, bưởi đường lá cam Bạch Đằng hiện nay không đủ cung ứng cho các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, trong đó thị trường tiêu thụ chủ yếu hiện nay là Hà Nội.
Năm 2007, ông Trần Minh Mẫn ở khu vực 2, phường Ba Láng (quận Cái Răng, TP Cần Thơ) thăm người bạn Việt kiều ở tỉnh Tiền Giang. Tại đó, ông được người bạn giới thiệu từng mua hai cây mít giống Myanmar đem về trồng nhưng không hợp phong thổ nên còi cọc, có một cây sống ra một cành duy nhất cho 3 trái. Người bạn biếu ông một trái làm quà.
Nghề nuôi tôm công nghiệp thất bát, nhiều nơi "treo" đầm; trong tình thế khó khăn ấy, trên địa bàn huyện Đầm Dơi (Cà Mau) lại xuất hiện những cách làm sáng tạo, thay đổi quy trình sản xuất, đạt năng suất, sản lượng cao. Nông dân không chỉ trúng mùa mà còn trúng giá. Đây thật sự là một tín hiệu vui không chỉ cho người nuôi tôm công nghiệp mà còn cho nền kinh tế của huyện nhà.
Ghẹ vùng biển Trà Cổ (TP Móng Cái, Quảng Ninh) nổi tiếng có chất lượng ngon nhờ độ mặn nước biển cao. Tuy nhiên, sản phẩm này hiện không có nhãn mác và không phân loại. Điều này, khó tạo ra được lợi thế cạnh tranh với các loại ghẹ đến từ nơi khác khi xuất khẩu hoặc mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước...