Thông tin thất thiệt làm khổ nông dân

Hàng tấn RAT phải đổ bỏ
Trở lại vùng RAT Tiền Yên (Hoài Đức) khi có thông tin nông dân nơi đây phun thuốc cực độc cho rau, Chủ nhiệm HTX RAT Tiền Lệ - Nguyễn Văn Hào cho hay: Vùng RAT thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên quy mô 31ha, trong đó, 3ha nhà lưới đã được mã hóa, giải thửa tới từng hộ gia đình. Chị Nguyễn Thị Chiến, xã viên HTX RAT Tiền Lệ bức xúc: "Sản xuất RAT ở địa phương thực hiện đúng quy trình, có nhà lưới khép kín, điện, nước, khâu làm đất bằng cơ giới hóa… nông dân tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn.
Các doanh nghiệp thu mua RAT đều sử dụng test nhanh tại ruộng". Bản thân các đơn vị tiêu thụ RAT của Tiền Lệ rất tin tưởng chất lượng RAT, qua nhiều lần kiểm tra đều đạt chất lượng tốt nhưng nay thông tin vậy, RAT có xuất xứ từ Tiền Lệ bị người tiêu dùng tẩy chay, nghi ngờ khó tiêu thụ khiến các đơn hàng giảm mạnh. Nhiều thửa ruộng đến kỳ thu hoạch không có người đến mua, nông dân "khóc ròng" trên ruộng rau, mỗi ngày ở Tiền Lệ ứ đọng hơn 2 tấn RAT do các đơn hàng bị hủy - chị Chiến cho biết.
Theo ông Lê Xuân Trường - Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội, công tác kiểm tra thực tế tại các vùng RAT trên địa bàn thành phố được triển khai thường xuyên tại 130 xã sản xuất rau trọng điểm. Ngoài cán bộ "cắm chốt" hằng ngày kiểm tra, nhắc nhở, hỗ trợ nông dân sử dụng thuốc BVTV, phòng trừ sâu bệnh hại… thì các mẫu rau cũng được lấy ngẫu nhiên, qua đó nắm rõ tình hình thực tế nông dân sản xuất RAT. Cuối tháng 7-2015, khi có thông tin hai vùng RAT của Hà Nội là Tiền Yên (Hoài Đức) và Vân Nội (Đông Anh) sử dụng thuốc cực độc phun cho RAT, Chi cục đã thành lập 2 đoàn kiểm tra thực tế địa điểm sản xuất RAT. Qua kiểm tra, cho thấy, việc người dân sử dụng thuốc BVTV để phun cho rau là có nhưng chỉ thuộc nhóm độc 3 (độc trung bình) và độc 4 (độc ít) chứ không phải thuộc nhóm cực độc...
Cần có chữ "tâm"
Từ đầu năm đến nay, Chi cục BVTV Hà Nội đã triển khai 91 lớp huấn luyện quản lý dịch hại tổng hợp trên rau (IPM), 165 lớp tập huấn về an toàn thực phẩm cho người sản xuất, sơ chế RAT, khai giảng một khóa đào tạo giảng viên IPM rau. Qua đó, giúp người nông dân giảm việc sử dụng thuốc BVTV trong phòng trừ sâu hại, giảm ô nhiễm môi trường, bảo đảm an toàn thực phẩm cho sản phẩm rau. Chi cục đã tiến hành chuyển giao 40 loại hình tiến bộ kỹ thuật gồm (bẫy bả chua ngọt phòng trừ sâu khoang; thử nghiệm che vòm nilon sản xuất rau trái vụ trên cây ngắn ngày; thử nghiệm vòm che để hạn chế bệnh hại trên cà chua; thử nghiệm ngâm nước hạn chế sâu bệnh hại trong đất trên rau cải và cà chua)...
Ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội cho biết, ngành nông nghiệp Hà Nội hoan nghênh những phát hiện, đóng góp ý kiến về vấn đề sản xuất, tiêu thụ RAT trên địa bàn thành phố, song phải trên tinh thần, thông tin đầy đủ, chính xác. Để đồng hành với nông dân trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất và tiêu thụ RAT, cần thông tin chính xác. Một vùng RAT được cơ quan chức năng cũng như hàng nghìn hộ nông dân nỗ lực tập huấn khoa học kỹ thuật nhưng chỉ vì những thông tin không chính xác khiến nông dân bức xúc, nản lòng. Trong khi thị trường tiêu thụ RAT đã và đang bí đầu ra từ nhiều năm nay, hàng trăm nghìn hộ nông dân sản xuất RAT đã phải bán RAT như với giá rau thường tại các chợ đầu mối.
Những thông tin không chính xác đã làm cho sự nhọc nhằn của nông dân tăng lên gấp bội. Cần phải nói thêm, trong tất cả các văn bản quy phạm của Nhà nước thì không có định nghĩa, khái niệm rau sạch mà chỉ có định nghĩa, khái niệm RAT. RAT là loại rau mà trong đó các chỉ tiêu an toàn thực phẩm phải đạt trong giới hạn tối đa cho phép được quy định trên rau. Một vấn đề khác, nhiều người nghĩ rằng, sản xuất RAT là không sử dụng thuốc BVTV.
Thực chất, thành phố Hà Nội đang khuyến khích và hỗ trợ các vùng sản xuất RAT sử dụng thuốc sinh học, thuốc thảo mộc, song người dân vẫn có thể sử dụng các lại thuốc BVTV trong danh mục với liều lượng cho phép. Hiện Hà Nội có tới trên 70% nông dân đã sử dụng thuốc thảo mộc nhất là nông dân tại các vùng RAT, tỷ lệ sử dụng thuốc BVTV thảo mộc rất cao. Những năm qua, việc sử dụng thuốc BVTV trên địa bàn thành phố đã có xu hướng giảm. Chỉ tính riêng trong năm 2014, cả nước nhập khẩu 116.000 tấn thuốc BVTV, trong đó, Hà Nội chỉ sử dụng 360 tấn, thấp hơn rất nhiều so với trung bình sử dụng phân bón của các tỉnh, thành phố khác.
Có thể bạn quan tâm

Gia đình ông Nguyễn Vân ở thôn 8 hiện có hơn 1.000 trụ tiêu đều phát triển tốt, nhiều năm nay, trung bình luôn cho sản lượng 4 tấn. Theo ông Vân thì hồ tiêu là cây trồng khó tính, đòi hỏi người nông dân phải tuân thủ chặt chẽ những kỹ thuật trong tất cả các khâu từ chọn giống, chuẩn bị đất đai, trồng và chăm sóc.

Khó khăn lớn nhất hiện nay mà các địa phương gặp phải trong việc sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm là nguồn vốn còn hạn chế để đầu tư các công trình thuỷ lợi khép kín. Bên cạnh đó, thời tiết cũng được xem là yếu tố quan trọng, quyết định thành bại vụ lúa trên đất nuôi tôm.

Sau thời gian tạm lắng kể từ vụ khoai lang năm 2012, hiện nhiều nông dân trồng khoai ở Bình Tân (Vĩnh Long) lại điêu đứng nạn sâu “lạ” đục củ tấn công trở lại, làm giảm năng suất và giá cả.

Báo Hải Phòng số ra ngày 10-10, có bài “Huyện An Dương (Hải Phòng): Nhiều diện tích trồng cà chua chết không rõ nguyên nhân”. Ngay sau khi báo đăng, Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp- PTNT tìm hiểu nguyên nhân và có giải pháp hướng dẫn nông dân khắc phục tình trạng này.

Hội Nông dân huyện Châu Đức đã phối hợp với Hội Hồ tiêu tỉnh BR - VT xây dựng mô hình trình diễn sản xuất tiêu sạch theo tiêu chuẩn VietGap tại 4 xã: Bàu Chinh, Sơn Bình, Láng Lớn và Quảng Thành. Theo Hội Hồ tiêu tỉnh, đây là một trong những bước chuẩn bị tiếp đón Hiệp Hội hồ tiêu thế giới đến khảo sát, đánh giá về tình hình sản xuất và chất lượng sản phẩm hồ tiêu trên địa bàn tỉnh.