Trợ lực cho con tôm
Trước tình hình hiện nay, không riêng gì ngành Nông nghiệp mà các ban, ngành, đoàn thể và các huyện, thành phố đang khẩn trương vào cuộc, cùng chung sức giúp con tôm Cà Mau đứng vững trên thị trường trong và ngoài nước.
Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chậm
Có thể nói giá tôm của thị trường thế giới biến động mạnh trong thời gian qua có nguyên nhân sâu xa từ “tác động kép” của tình hình dịch bệnh cuối năm 2012, đầu năm 2013 và do biến động của đồng đô la của Mỹ so với đồng tiền của các nước nhập khẩu khác. Riêng đối với con tôm Việt Nam sự giảm giá ngoài hai nguyên nhân trên còn do Việt Nam giữ ổn định tỷ giá so với đồng đô la Mỹ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn; giá xuất khẩu thấp, không có lời, thậm chí lỗ trong việc thực hiện các hợp đồng đã ký kết; hàng tồn kho lớn, dẫn đến áp lực vốn lưu động tăng, trong khi hiện nay các ngân hàng thương mại đang siết chặt nợ xấu; để duy trì việc làm cho công nhân, duy trì việc thu mua tôm nguyên liệu cho dân và các hoạt động khác buộc phải hoạt động dù nguy cơ thua lỗ rất cao.
Việc sản xuất của người dân còn manh mún, nhỏ lẻ, mang tính tự phát cao. Công tác tổ chức lại sản xuất và tiêu thụ sản phẩm mặc dù có sự quan tâm nhưng hiệu quả chưa cao; công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể còn nhiều hạn chế, bộ máy phân tán, hoạt động kém hiệu quả. Bên cạnh đó, công tác rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch còn chậm; một số địa phương quy hoạch chưa phù hợp với điều kiện tự nhiên và chưa sát với thực tế; từ chỗ chậm điều chỉnh dẫn đến một số vùng bị thay đổi hiện trạng, phá vỡ quy hoạch; nhiều dự án đã được phê duyệt nhưng thiếu vốn triển khai.
Gỡ khó bằng giải pháp đồng bộ
Trước tình hình giá tôm nguyên liệu giảm mạnh trong thời gian gần đây, với vai trò chủ công, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cà Mau phối hợp với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản tỉnh Cà Mau, Hội Thủy sản tỉnh đã trao đổi với một số doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản lớn trong tỉnh để nắm thêm tình hình xuất khẩu sản phẩm, thu mua nguyên liệu của các doanh nghiệp, tình hình sản xuất nguyên liệu của các nước trong khu vực và các vấn đề có liên quan.
Hiện tại, Sở NN&PTNT Cà Mau đang khẩn trương hoàn chỉnh và thông qua quy hoạch nuôi trồng thủy sản tỉnh Cà Mau đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và điều chỉnh quy hoạch hệ thống thủy lợi đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Bên cạnh đó, các huyện, thành phố cũng đã điều chỉnh quy hoạch nuôi tôm công nghiệp (NTCN). Đã có 5/7 huyện, thành phố lập quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch NTCN. Huyện Đầm Dơi và TP. Cà Mau đã quy hoạch được 3 cụm; tuy nhiên việc triển khai thực hiện cụm còn gặp khó do thiếu nguồn kinh phí.
Diện tích quy hoạch cụm quá lớn nên việc liên kết giữa các hộ nuôi lân cận gặp nhiều khó khăn; cơ sở hạ tầng phục vụ chưa đồng bộ, việc triển khai các cơ chế chính sách hỗ trợ cho NTCN tập trung còn khó khăn. Phó Tổng Thư ký Hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản tỉnh Cà Mau, Đặng Quang Lan khẳng định: Để giải quyết bài toán khó về nguồn tôm nguyên liệu ổn định và sạch phục vụ cho xuất khẩu thủy sản, phải thực hiện cho bằng được “tái cơ cấu theo công nghệ sạch”. Đứng trước tình hình đó, hiện nay tỉnh chú trọng phát triển vùng nuôi theo hướng VietGAP, an toàn sinh học, tôm sạch…
Đối với điện phục vụ cho NTCN chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều vùng nuôi quá tải, nhất là vào giờ cao điểm gây khó khăn cho người nuôi. Năm qua, ngành Điện đã đầu tư đường dây trung thế 122km, hạ thế 257km, trạm biến áp 38.075KVA, vốn đầu tư 75 tỷ đồng giai đoạn 2015 - 2017. Dự kiến đường dây trung thế 531km, hạ thế 904km, nâng cấp và xây dựng mới 333 máy với khối lượng 46.640KVA, vốn đầu tư 357,6 tỷ đồng.
Công tác quản lý chất lượng nông - lâm sản được tăng cường, kết quả đã kiểm tra 6 lô gần 700kg; thẩm tra tôm sau sơ chế loại bỏ tạp chất 5 lô với 671kg; lập thủ tục công nhận 23 cơ sở thu mua, sơ chế nguyên liệu thủy sản. Kiểm tra điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm 1 nhà máy chế biến; kiểm tra bệnh tôm trên 312 mẫu. Trong tháng 4, đã tổ chức 59 đợt kiểm tra với 226 lượt; trong tháng 4 có 68 trường hợp vi phạm, lũy kế từ đầu năm đến nay 145 trường hợp, với số tiền xử phạt là hơn 620 triệu đồng.
Công tác khuyến nông, khuyến ngư cơ sở luôn được quan tâm và có bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nếu năm 2014 tập huấn được 570 lớp với trên 17 ngàn người tham gia và phát trên 20 ngàn cuốn hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm… thì năm nay, do kinh phí Đề án nâng cao năng suất chất lượng hiệu quả trong sản xuất tôm - lúa chưa được phê duyệt nên chưa triển khai các công tác tập huấn, hội thảo, hoạt động khuyến ngư chủ yếu là trợ giúp kỹ thuật cho bà con nông dân.
Thời gian tới, Sở NN&PTNT Cà Mau sẽ phối hợp với UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất, nhất là trong thời điểm giao mùa. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt khung lịch mùa vụ; triển khai quy trình nuôi tôm hạn chế dịch bệnh. Đặc biệt là xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa cán bộ thú y, cán bộ khuyến nông - khuyến ngư với các hợp tác xã, tổ hợp tác để có sự đoàn kết trong sản xuất. Tăng cường công tác tuyên truyền đến các hộ nuôi tôm về áp dụng giải pháp an toàn sinh học, tuân thủ các quy trình kỹ thuật, sử dụng vật tư rõ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu trong tỉnh, hàng tồn kho của các nước nhập khẩu sẽ được tiêu thụ dần trong khoảng cuối quý II; tỷ giá đô la so với tiền của các nước sẽ dần ổ định theo mức giá mới, yếu tố bất lợi do biến động tỷ giá sẽ giảm dần, nên dự báo tôm có thể tăng trở lại vào quý III. Vì vậy, căn cứ vào giá tôm theo từng sai cỡ hiện tại, người dân nên thu hoạch tôm ở những cỡ có lợi và thời điểm thu hoạch tập trung phù hợp nhất là vào giữa cuối quý III. Con tôm lớn nuôi có thế mạnh về giá do đó đối với những mô hình quảng canh, quảng canh cải tiến người dân nên tiếp tục thả tôm giống và hạn chế thu hoạch tôm nhỏ trong thời điểm này. Đối với các ao đầm nuôi công nghiệp cần cải tạo thật kỹ, tuân thủ lịch thời vụ thả giống để có thể thu hoạch tôm trong quý III (tháng 8), quý IV là lúc giá tôm tăng. Đối với đối tượng nuôi là thẻ chân trắng nên thả với mật độ cao và thu hoạch ở kích cỡ nhỏ (90 - 110 con/kg), thời gian ngắn; có vậy rủi ro sẽ ít và đạt lợi nhuận.
Ông Lê Văn Sử cho rằng, UBND tỉnh nên chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tỉnh Cà Mau và các ngân hàng thương mại nghiên cứu và tham mưu kiến nghị điều hành chính sách tỷ giá sao cho linh hoạt, tránh bất lợi cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nông dân. Riêng đối với Bộ NN&PTNT cần chỉ đạo công tác quản lý về giá, chất lượng các loại vật tư đầu vào: Thuốc, thức ăn, hóa chất, để người nuôi giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh cho con tôm Cà Mau.
Có thể bạn quan tâm
Huyện đã mở rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn lên 393ha; thực hiện gần 240ha diện tích lúa tái sinh ở những vùng sâu, trũng nhằm nâng cao thu nhập. Nhiều loại giống lúa mới có năng suất cao, chất lượng tốt như: J02, DDS1, Thiên ưu 8, RVT, CXT30 được khảo nghiệm và nhân rộng trên địa bàn.
Tính đến đầu tháng 11, tiến độ sản xuất vụ đông trên địa bàn huyện Cẩm Khê vẫn được đẩy nhanh tốc độ. Cùng với chăm sóc các loại rau màu đã trồng, tiếp tục mở rộng diện tích rau, đậu, đỗ trong khung lịch cho phép, công tác phòng trừ sâu bệnh, đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng các loại vắc xin cho đàn vật nuôi đợt II/2014 được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc.
Theo giới thiệu của lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạch Thành, chúng tôi đến thăm, tìm hiểu về hiệu quả kinh tế của một số cây trồng vụ đông ở xã Thành Hưng. Là xã sản xuất vụ đông khá phát triển của huyện Thạch Thành, với nhiều loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế, như: cây ngô, dưa chuột xuất khẩu, rau màu các loại...
Thực hiện phương châm “Gắn bảo vệ rừng với trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc”, Hạt Kiểm lâm huyện Mường Lát đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tuyên truyền để cán bộ và nhân dân nhận thức được trách nhiệm và nghĩa vụ trong công tác bảo vệ và trồng mới rừng.
Thời gian qua, các cấp hội nông dân huyện Hoằng Hóa đã tuyên truyền, vận động, xây dựng quỹ hỗ trợ nông dân, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tín chấp và ký hợp đồng ủy thác cho nông dân vay vốn sản xuất.