Trở Lại Nghĩa An…
Vào những ngày đầu năm mới Giáp Ngọ - 2014, tại xã biển Nghĩa An (Tư Nghĩa - Quảng Ngãi), tàu cá của ngư dân tấp nập trở về đón năm mới. Cảnh trên bến dưới thuyền sống động ngay dưới chân cầu Nghĩa An, khiến bất cứ ai qua đây cũng cảm nhận được niềm vui thực sự sau gần 3 tháng thông luồng cửa sông Phú Thọ…
“Mức độ thông luồng ổn định, giải quyết ách tắc tàu thuyền ra vào, ngư dân đánh bắt cá dễ dàng. Sau khi thông luồng, nhiều tàu vươn khơi đánh bắt và nhiều nhà đã kiếm được bạc tỷ. Lòng ai cũng vui!" - cụ Nguyễn Minh Anh, 69 tuổi, thôn Tân Thạnh, xã Nghĩa An cho biết.
Niềm vui thông luồng
Tết này cửa sông Phú Thọ khá rộn ràng. Từ chiếc cầu bê tông bắc ngang sông nối đôi bờ Nghĩa Phú – Nghĩa An, phóng mắt dọc theo Cửa Đại, chật ních những con tàu sơn xanh xếp hàng thẳng tắp. Xa xa tiếng máy dầu giòn giã của hàng trăm tàu cá khác cũng đang hối hả vào bờ chở theo đầy khoang tôm, cá. Bến cá Cổ Lũy cũng vì thế mà trở nên sôi động lạ thường.
Những con cá nục, chuồn tươi rói, mắt trong veo từ dưới tàu được đưa lên xuất bán phần nào bù đắp mệt mỏi sau nhiều ngày lênh đênh trên biển vật lộn với sóng, gió của ngư dân. Tàu to, vươn xa, thì cá lớn. Tàu nhỏ, đánh bắt trong lộng thu nhập cũng khá. Tất cả mang về cho ngư dân xã biển này một cái Tết tươm tất hơn.
Trò chuyện với chúng tôi ngay sau khi vừa bán mẻ cá cơm cước, chị Nguyễn Thị Hồng, thôn Tân Mỹ, xã Nghĩa An bảo: Tàu mình nhỏ, chiều tối nay đi sáng mai vào bờ. Một đêm trên biển nếu trúng như chuyến này thì cũng kiếm được hơn chục triệu đồng. Ngày nào biển động thì thôi, chứ nghe sóng êm là đi. Bốn phiên biển, kiếm cũng được khoảng 40 triệu, đủ sắm sửa đón Tết”.
Cửa sông Phú Thọ thông, ngư dân Nghĩa An dù ở ngư trường nào cũng cố sắp xếp thời gian giong tàu về quê đón Tết. Nhiều gia đình ngư dân đã sửa soạn mâm lễ vật tạ ơn trời đất, ông bà đã cho họ những chuyến ra khơi bình yên, hiệu quả. “Mấy năm mình neo tàu ở Sa Kỳ, không sắp xếp làm mâm cơm tạ ơn được. Năm nay, tàu về tới bến, gia đình mình sẽ làm đủ nghi lễ, cầu mong biển lặng, gió êm, đánh bắt gặp nhiều may mắn” – anh Nguyễn Mến, chủ tàu cá QNg 96615-TS cho biết.
Xã Nghĩa An có gần 1.000 tàu cá, chủ yếu là tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ. Hơn 3.000 dân ở đây đều sống dựa vào nghề biển. Sau khi thông luồng, tàu ra vào thuận tiện, cửa biển Nghĩa An trở nên náo nhiệt.
Trạm kiểm soát Biên phòng cũng bận rộn, làm việc cật lực để giải quyết nhanh chóng các thủ tục ra vào Cửa Đại của tàu thuyền sau một thời gian dài nằm bờ vì cửa sông bị bồi lấp. Dịch vụ hậu cần nghề cá và các dịch vụ khác cũng được dịp “ăn nên làm ra” kể từ khi tàu cá vươn khơi thuận lợi…
Ước vọng đầu Xuân
Trò chuyện với những người dân Nghĩa An ai cũng bảo: Một năm quê mình có nhiều chuyện không hay, nhưng kết thúc lại rất có hậu. “Sự việc đáng tiếc xảy ra vào cuối tháng 10.2013, khi nhiều người dân Nghĩa An vì bức xúc cửa sông Phú Thọ bị bồi lấp chưa được quan tâm giải quyết rốt ráo đã tụ tập đông người gây áp lực với chính quyền là bất đắc dĩ mà thôi !”- cụ Nguyễn Minh Anh, thôn Tân Thạnh, nói. Thế nhưng sau vụ việc ấy, nguyện vọng của nhân dân nhanh chóng được đáp ứng.
Cửa sông Phú Thọ đã được đích thân Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Thưởng chỉ đạo thông luồng trong thời gian ngắn nhất; đồng thời hỗ trợ cho tàu cá, ngư dân bị mất thu nhập do cửa sông bồi lấp không ra khơi được. Tất cả những cam kết mà lãnh đạo tỉnh đã hứa với người dân Nghĩa An đã được thực hiện đầy đủ. Nhân dân Nghĩa An phấn khởi, tin tưởng ở cán bộ, chính quyền...
Ngư dân Bùi Văn Nghi, thôn Tân Mỹ, bày tỏ: "Sự việc đáng tiếc này là bài học quý cho cả người dân và chính quyền. Thực sự người dân chỉ có một mong mỏi duy nhất là cửa biển phải thông sớm.
Khi nguyện vọng này được Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo giải quyết, người dân chúng tôi mừng lắm. Bí thư Tỉnh ủy hứa đi đôi với làm. Người dân cảm phục, tin tưởng lắm!”. Còn ngư dân Trần Quang, cho biết: “Tôi dự định, sau ngày mở cửa biển đầu năm Giáp Ngọ, sẽ giong tàu ra Trường Sa ngay. Tiết xuân, ở đấy nhiều luồng cá mới xuất hiện”...
Các chị, các mẹ của ngư dân cũng cùng suy nghĩ: Cửa sông bồi lấp, tàu không ra khơi được, lòng ngư dân như lửa đốt. Giờ cửa thông rồi, tàu lại ra khơi, bình yên trở lại. "Đi biển là niềm vui, là cuộc sống. Bây giờ, tất cả mọi nhà đều lo tập trung đi biển làm kinh tế, lo cho gia đình, chu cấp cho con cái ăn học”- bà Nguyễn Thị Hoa, thôn Tân Mỹ bày tỏ.
Người dân Nghĩa An mong rằng, chính quyền và ngành chức năng cần phải có giải pháp căn cơ, mở rộng luồng hơn nữa, để tàu thuyền khi ra vào Cửa Đại thuận lợi hơn.
Có thể bạn quan tâm
Đó là mô hình của anh Bùi Nhật Tân ở thôn Cát, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị). Đã hơn 2 năm nay, kể từ khi vườn cây cao su hơn 1ha của gia đình anh cũng như nhiều gia đình trong xã bị bão tàn phá, trong khi nhiều gia đình đang boăn khoăn không biết phải kiếm kế mưu sinh như thế nào thì anh Tân đã quyết tâm tìm một hướng đi mới, không thể dựa dẫm mãi vào nguồn lợi từ cây cao su, hai vợ chồng anh tìm tòi học hỏi và quyết định mở mô hình kết hợp trang trại trên đồi cây cao su.
Đây là phần chính trong nội dung thông tư 47/2013/BNN-PTNT của Bộ NN-PTNT hướng dẫn việc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, kết hợp với nuôi trồng thủy sản trên đất lúa. Thời gian có hiệu lực là từ ngày 1-1-2014.
Ngày 16-11, Tỉnh đoàn phối hợp với Sở Khoa học & Công nghệ Tiền Giang tổ chức Hội nghị triển khai dự án trồng 5.000 ha ca cao trên địa bàn tỉnh Tiền Giang với 100 đại biểu tham gia.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho người trồng mía, giúp bà con có điều kiện đầu tư tái sản xuất trong vụ tới, 14/11/2013, Công ty mía đường Trà Vinh tổ chức triển khai chính sách đầu tư, hỗ trợ cho nông dân trồng mía niên vụ 2014 - 2015 ở huyện Tiểu Cần. Chính sách này cũng được áp dụng cho các vùng nguyên liệu mía trên địa bàn toàn tỉnh Trà Vinh.
Ngoài việc tiếp tục trồng cây ca cao xen canh với vườn dừa, vườn điều, trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) cũng xem xét chuyển đổi một số diện tích cà phê già cỗi ở các tỉnh Tây Nguyên sang cây ca cao.