Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trở Lại Nghĩa An…

Trở Lại Nghĩa An…
Publish date: Friday. February 14th, 2014

Vào những ngày đầu năm mới Giáp Ngọ - 2014, tại xã biển Nghĩa An (Tư Nghĩa - Quảng Ngãi), tàu cá của ngư dân tấp nập trở về đón năm mới. Cảnh trên bến dưới thuyền sống động ngay dưới chân cầu Nghĩa An, khiến bất cứ ai qua đây cũng cảm nhận được niềm vui thực sự sau gần 3 tháng thông luồng cửa sông Phú Thọ…

“Mức độ thông luồng ổn định, giải quyết ách tắc tàu thuyền ra vào, ngư dân đánh bắt cá dễ dàng. Sau khi thông luồng, nhiều tàu vươn khơi đánh bắt và nhiều nhà đã kiếm được bạc tỷ. Lòng ai cũng vui!" - cụ Nguyễn Minh Anh, 69 tuổi, thôn Tân Thạnh, xã Nghĩa An cho biết.

Niềm vui thông luồng

Tết này cửa sông Phú Thọ khá rộn ràng. Từ chiếc cầu bê tông bắc ngang sông nối đôi bờ Nghĩa Phú – Nghĩa An, phóng mắt dọc theo Cửa Đại, chật ních những con tàu sơn xanh xếp hàng thẳng tắp. Xa xa tiếng máy dầu giòn giã của hàng trăm tàu cá khác cũng đang hối hả vào bờ chở theo đầy khoang tôm, cá. Bến cá Cổ Lũy cũng vì thế mà trở nên sôi động lạ thường.

Những con cá nục, chuồn tươi rói, mắt trong veo từ dưới tàu được đưa lên xuất bán phần nào bù đắp mệt mỏi sau nhiều ngày lênh đênh trên biển vật lộn với sóng, gió của ngư dân. Tàu to, vươn xa, thì cá lớn. Tàu nhỏ, đánh bắt trong lộng thu nhập cũng khá. Tất cả mang về cho ngư dân xã biển này một cái Tết tươm tất hơn.

Trò chuyện với chúng tôi ngay sau khi vừa bán mẻ cá cơm cước, chị Nguyễn Thị Hồng, thôn Tân Mỹ, xã Nghĩa An bảo: Tàu mình nhỏ, chiều tối nay đi sáng mai vào bờ. Một đêm trên biển nếu trúng như chuyến này thì cũng kiếm được hơn chục triệu đồng. Ngày nào biển động thì thôi, chứ nghe sóng êm là đi. Bốn phiên biển, kiếm cũng được khoảng 40 triệu, đủ sắm sửa đón Tết”.

Cửa sông Phú Thọ thông, ngư dân Nghĩa An dù ở ngư trường nào cũng cố sắp xếp thời gian giong tàu về quê đón Tết. Nhiều gia đình ngư dân đã sửa soạn mâm lễ vật tạ ơn trời đất, ông bà đã cho họ những chuyến ra khơi bình yên, hiệu quả. “Mấy năm mình neo tàu ở Sa Kỳ, không sắp xếp làm mâm cơm tạ ơn được. Năm nay, tàu về tới bến, gia đình mình sẽ làm đủ nghi lễ, cầu mong biển lặng, gió êm, đánh bắt gặp nhiều may mắn” – anh Nguyễn Mến, chủ tàu cá QNg 96615-TS cho biết.

Xã Nghĩa An có gần 1.000 tàu cá, chủ yếu là tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ. Hơn 3.000 dân ở đây đều sống dựa vào nghề biển. Sau khi thông luồng, tàu ra vào thuận tiện, cửa biển Nghĩa An trở nên náo nhiệt.

Trạm kiểm soát Biên phòng cũng bận rộn, làm việc cật lực để giải quyết nhanh chóng các thủ tục ra vào Cửa Đại của tàu thuyền sau một thời gian dài nằm bờ vì cửa sông bị bồi lấp. Dịch vụ hậu cần nghề cá và các dịch vụ khác cũng được dịp “ăn nên làm ra” kể từ khi tàu cá vươn khơi thuận lợi…

Ước vọng đầu Xuân

Trò chuyện với những người dân Nghĩa An ai cũng bảo: Một năm quê mình có nhiều chuyện không hay, nhưng kết thúc lại rất có hậu. “Sự việc đáng tiếc xảy ra vào cuối tháng 10.2013, khi nhiều người dân Nghĩa An vì bức xúc cửa sông Phú Thọ bị bồi lấp chưa được quan tâm giải quyết rốt ráo đã tụ tập đông người gây áp lực với chính quyền là bất đắc dĩ mà thôi !”- cụ Nguyễn Minh Anh, thôn Tân Thạnh, nói. Thế nhưng sau vụ việc ấy, nguyện vọng của nhân dân nhanh chóng được đáp ứng.

Cửa sông Phú Thọ đã được đích thân Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Thưởng chỉ đạo thông luồng trong thời gian ngắn nhất; đồng thời hỗ trợ cho tàu cá, ngư dân bị mất thu nhập do cửa sông bồi lấp không ra khơi được. Tất cả những cam kết mà lãnh đạo tỉnh đã hứa với người dân Nghĩa An đã được thực hiện đầy đủ. Nhân dân Nghĩa An phấn khởi, tin tưởng ở cán bộ, chính quyền...

Ngư dân Bùi Văn Nghi, thôn Tân Mỹ, bày tỏ: "Sự việc đáng tiếc này là bài học quý cho cả người dân và chính quyền. Thực sự người dân chỉ có một mong mỏi duy nhất là cửa biển phải thông sớm.

Khi nguyện vọng này được Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo giải quyết, người dân chúng tôi mừng lắm. Bí thư Tỉnh ủy hứa đi đôi với làm. Người dân cảm phục, tin tưởng lắm!”. Còn ngư dân Trần Quang, cho biết: “Tôi dự định, sau ngày mở cửa biển đầu năm Giáp Ngọ, sẽ giong tàu ra Trường Sa ngay. Tiết xuân, ở đấy nhiều luồng cá mới xuất hiện”...

Các chị, các mẹ của ngư dân cũng cùng suy nghĩ: Cửa sông bồi lấp, tàu không ra khơi được, lòng ngư dân như lửa đốt. Giờ cửa thông rồi, tàu lại ra khơi, bình yên trở lại. "Đi biển là niềm vui, là cuộc sống. Bây giờ, tất cả mọi nhà đều lo tập trung đi biển làm kinh tế, lo cho gia đình, chu cấp cho con cái ăn học”- bà Nguyễn Thị Hoa, thôn Tân Mỹ bày tỏ.

Người dân Nghĩa An mong rằng, chính quyền và ngành chức năng cần phải có giải pháp căn cơ, mở rộng luồng hơn nữa, để tàu thuyền khi ra vào Cửa Đại thuận lợi hơn.


Related news

Áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp 3 cái lợi Áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp 3 cái lợi

Giữa tháng 9 vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NNPTNT), Sở NNPTNT tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp.

Wednesday. October 21st, 2015
Thỏa thích ngắm sản vật địa phương Thỏa thích ngắm sản vật địa phương

Với chủ đề “Nông nghiệp, nông thôn hội nhập và phát triển- Doanh nghiệp, doanh nhân đồng hành cùng nông dân”, Hội chợ Nông nghiệp – Du lịch – Thương mại vùng biên giới phía Bắc tổ chức tại TP. Lào Cai đã quy tụ được hàng trăm các gian hàng trưng bày sản vật quê hương.

Wednesday. October 21st, 2015
Nông dân vừa giữ ruộng, vừa được tiền Nông dân vừa giữ ruộng, vừa được tiền

Cho doanh nghiệp (DN) thầu đất vừa được thu sản phẩm (100 – 120kg thóc/sào/năm), vừa có thể trở thành nhân công của DN, canh tác trên chính mảnh ruộng của mình với mức lương 100.000 – 150.000/ngày, những nông dân tham gia Dự án phát triển sản xuất mô hình giống lúa lai F1 tại Nam Định đang được hưởng “lợi nhuận kép”.

Wednesday. October 21st, 2015
Minh oan cho lợn siêu nạc Minh oan cho lợn siêu nạc

Phải khẳng định rằng, thịt lợn siêu nạc do giống siêu nạc khác hoàn toàn với thịt lợn siêu nạc do dùng chất cấm tạo nạc.

Wednesday. October 21st, 2015
Giúp nông dân biến rác thải thành tiền Giúp nông dân biến rác thải thành tiền

Giúp nông dân (ND) giảm chi phí, tăng thu nhập và hạn chế ô nhiễm môi trường là mục đích của mô hình ủ phân hữu cơ từ rác, phế phẩm nông nghiệp ở nông hộ, do Hội ND tỉnh Sóc Trăng phối hợp Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh thực hiện.

Wednesday. October 21st, 2015