Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trĩu quả nhãn muộn Yên Thế - Bắc Giang

Trĩu quả nhãn muộn Yên Thế - Bắc Giang
Ngày đăng: 01/09/2015

Ông Hoàng Huy Hào ở thôn Đồng Lân (xã Đồng Kỳ) là một trong những người đầu tiên trong huyện đưa giống nhãn chín muộn về trồng. Mấy năm gần đây, mỗi năm gia đình ông thu hoạch khoảng 20 tấn quả.


Đưa chúng tôi thăm vườn nhãn sai trĩu cành, ông Hào phấn khởi nói: “Đây là giống nhãn mới, kỹ thuật trồng, chăm sóc gần giống với nhãn Hương Chi của Hưng Yên. Qua thực tế, tôi thấy giống nhãn chín muộn rất phù hợp với đất đai, khí hậu địa phương.

Mặt khác, nhờ chăm sóc đúng cách nên nhãn cho quả to, cùi dày, thơm, ngọt. Năm nay, nhãn được mùa, lại được giá nên thu nhập từ nhãn muộn của gia đình tôi ước đạt gần 500 triệu đồng”.

Bà Vũ Thị Hường ở thôn Tân Sỏi (xã Đồng Tâm) mới làm quen với giống nhãn muộn được 6 năm nay. Bà Hường cho biết, trước đây bà trồng vải nhưng hiệu quả thấp do giá cả không ổn định. Một lần về Hưng Yên chơi, bà được giới thiệu về giống nhãn chín muộn, đồng thời nhận thấy giá trị và hiệu quả kinh tế qua những người dân cùng xã nên bà mạnh dạn thay vải thiều bằng 400 gốc nhãn muộn. Ba năm trở lại đây, mỗi năm gia đình bà thu về gần 4 tấn quả, giá bán dao động từ 25 - 30 nghìn đồng/kg, trừ chi phí lãi gần 100 triệu đồng/năm.

Tương tự, vườn nhãn của gia đình chị Hà Thị Luận, thôn Trại 6 (xã Hồng Kỳ) mới cho ra quả vụ thứ hai nhưng nhờ thời tiết thuận lợi và chăm sóc tốt nên nhãn được mùa. Chị Luận thu hái nhãn đến đâu có khách đến tận nhà mua hết đến đấy với giá bình quân 25 nghìn đồng/kg.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Thế, nhãn chín muộn có tại địa phương được hơn 10 năm nay. Nhờ lợi thế về chất lượng, giá cả nên được người dân ưa chuộng, đưa vào thay thế các loại cây trồng kém hiệu quả. Do vậy, từ chỗ chỉ có vài chục ha trồng rải rác ở các xã, đến nay toàn huyện có hơn 200 ha nhãn chín muộn. Trong đó, diện tích trồng nhãn tập trung nhiều nhất ở các xã Đồng Tâm, Hồng Kỳ, Đồng Kỳ.

Nhãn muộn có ưu điểm thời gian chín sau các loại nhãn khác từ 30 - 40 ngày (từ giữa tháng 8 đến giữa tháng 9). Đồng thời, nhãn chín muộn có thể lưu quả trên cây lâu hơn song chất lượng vẫn bảo đảm, không bị mất vị nên được ưa chuộng, giá bán cao hơn nhãn chính vụ khoảng 20 - 30%.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, sản lượng nhãn chín muộn trên địa bàn huyện năm nay ước đạt 900 tấn (tăng hơn 10 tấn so với năm ngoái). Với mức giá dao động từ 20 - 30 nghìn đồng/kg như hiện nay, nhãn chín muộn mang lại nguồn thu lớn cho người dân, đồng thời góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện. Xuất phát từ những ưu điểm đó, thời gian qua, Phòng Nông nghiệp và PTNT thường xuyên phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc nhãn chín muộn cho nông dân.

"Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình trồng nhãn chín muộn tại những xã khác trên địa bàn huyện. Đồng thời, tập trung tuyên truyền, vận động người dân tích cực chăm sóc đúng cách để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm”, bà Xuân cho biết thêm.

Mặc dù vậy, để bảo đảm hiệu quả kinh tế cho nông dân khi mở rộng diện tích, giải quyết vấn đề đầu ra có vai trò rất quan trọng. Thực tế hiện nay người trồng nhãn vẫn chủ yếu bán sản phẩm cho thương lái theo phương thức tự thỏa thuận.

Mặt khác, nhãn muộn cũng được trồng ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Do đó huyện cần nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ hợp lý, khuyến khích nông dân, doanh nghiệp liên kết trong sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Có như vậy, nhãn chín muộn mới thực sự phát triển bền vững, tạo tiền đề tốt để từng bước xây dựng thương hiệu “Nhãn chín muộn Yên Thế” như một số nông sản khác trên địa bàn.

"Muốn nhãn sai quả, hằng năm vào dịp tháng 11 dương lịch (sau vụ thu hoạch), các nhà vườn nên sử dụng phương pháp khoanh vỏ, tỉa bớt cành thừa để vụ sau cho ra quả to đều. Trước khi thu hoạch nên tỉa bớt quả lép, kẹ, cành tăm hương để cây tập trung dinh dưỡng nuôi quả"- Ông Hoàng Huy Hào, thôn Đồng Lân, xã Đồng Kỳ.


Có thể bạn quan tâm

Thí Điểm Trồng Hẹ Theo VietGAP Thí Điểm Trồng Hẹ Theo VietGAP

Nhằm cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm rau bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và tăng thu nhập cho nông dân, Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang phối hợp với Trạm Khuyến nông Chợ Gạo (Tiền Giang) đang thực hiện thí điểm mô hình sản xuất hẹ theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Bình Phục Nhứt.

21/08/2013
Cử Nhân Mát Tay Trồng Cây Ăn Quả Cử Nhân Mát Tay Trồng Cây Ăn Quả

Sinh ra ở vùng quê Lĩnh Nam, Hoàng Mai - nơi có truyền thống trồng rau của Hà Nội, nhưng anh Lê Hồng Ngọc (sinh năm 1980) lại chọn cho mình hướng đi riêng, đó là trồng cây ăn quả.

21/08/2013
Cung Ứng 3,6 Triệu Hom Chè Cho Nông Dân Cung Ứng 3,6 Triệu Hom Chè Cho Nông Dân

Năm 2013, huyện Phú Lương có kế hoạch trồng mới và trồng lại 200 ha chè. Để hoàn thành kế hoạch đề ra, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai sớm việc đăng ký lấy cây giống và chuẩn bị tốt diện tích đất trồng.

21/08/2013
Con Tôm Sú Đối Mặt Với Khó Khăn Mới Con Tôm Sú Đối Mặt Với Khó Khăn Mới

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố mức áp thuế chống trợ cấp đối với con tôm Việt Nam vào thị trường Mỹ sẽ chịu mức thuế chung là 4,52%. Hệ lụy của việc áp thuế này, vựa tôm sú ĐBSCL sẽ tiếp tục phải đối mặt với khó khăn và thách thức mới.

22/08/2013
Kiểm Soát Cung - Cầu Để Phát Triển Bền Vững Ngành Cá Tra Kiểm Soát Cung - Cầu Để Phát Triển Bền Vững Ngành Cá Tra

Sản phẩm cá tra xuất khẩu đã rơi vào tình trạng thừa, thị trường xuất khẩu khó khăn vì rào cản thương mại, kỹ thuật. Làm gì để phát triển bền vững ngành cá tra là vấn đề một lần nữa được đặt ra tại Hội nghị Ban chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL ngày 21-8, tại TP Cần Thơ. Dịp này, Tổng Cục thủy sản trình bày Dự thảo về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra và lấy ý kiến đóng góp từ các DN.

22/08/2013