Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trĩu quả nhãn muộn Yên Thế

Trĩu quả nhãn muộn Yên Thế
Ngày đăng: 29/08/2015

Do đặc thù chín lệch ngày so với chính vụ, thơm ngon đồng thời cho sản lượng cao hơn các giống khác nên nhãn chín muộn ở vùng đất đồi Yên Thế (Bắc Giang) chiếm được cảm tình của khách hàng gần xa, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.

Ông Hoàng Huy Hào ở thôn Đồng Lân (xã Đồng Kỳ) là một trong những người đầu tiên trong huyện đưa giống nhãn chín muộn về trồng. Mấy năm gần đây, mỗi năm gia đình ông thu hoạch khoảng 20 tấn quả.

Đưa chúng tôi thăm vườn nhãn sai trĩu cành, ông Hào phấn khởi nói: “Đây là giống nhãn mới, kỹ thuật trồng, chăm sóc gần giống với nhãn Hương Chi của Hưng Yên. Qua thực tế, tôi thấy giống nhãn chín muộn rất phù hợp với đất đai, khí hậu địa phương.

Mặt khác, nhờ chăm sóc đúng cách nên nhãn cho quả to, cùi dày, thơm, ngọt. Năm nay, nhãn được mùa, lại được giá nên thu nhập từ nhãn muộn của gia đình tôi ước đạt gần 500 triệu đồng”.

Bà Vũ Thị Hường ở thôn Tân Sỏi (xã Đồng Tâm) mới làm quen với giống nhãn muộn được 6 năm nay. Bà Hường cho biết, trước đây bà trồng vải nhưng hiệu quả thấp do giá cả không ổn định. Một lần về Hưng Yên chơi, bà được giới thiệu về giống nhãn chín muộn, đồng thời nhận thấy giá trị và hiệu quả kinh tế qua những người dân cùng xã nên bà mạnh dạn thay vải thiều bằng 400 gốc nhãn muộn

. Ba năm trở lại đây, mỗi năm gia đình bà thu về gần 4 tấn quả, giá bán dao động từ 25-30 nghìn đồng/kg, trừ chi phí lãi gần 100 triệu đồng/năm.

Tương tự, vườn nhãn của gia đình chị Hà Thị Luận, thôn Trại 6 (xã Hồng Kỳ) mới cho ra quả vụ thứ hai nhưng nhờ thời tiết thuận lợi và chăm sóc tốt nên nhãn được mùa. Chị Luận thu hái nhãn đến đâu có khách đến tận nhà mua hết đến đấy với giá bình quân 25 nghìn đồng/kg.

"Muốn nhãn sai quả, hằng năm vào dịp tháng 11 dương lịch (sau vụ thu hoạch), các nhà vườn nên sử dụng phương pháp khoanh vỏ, tỉa bớt cành thừa để vụ sau cho ra quả to đều. Trước khi thu hoạch nên tỉa bớt quả lép, kẹ, cành tăm hương để cây tập trung dinh dưỡng nuôi quả" - Ông Hoàng Huy Hào, thôn Đồng Lân, xã Đồng Kỳ.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Thế, nhãn chín muộn có tại địa phương được hơn 10 năm nay. Nhờ lợi thế về chất lượng, giá cả nên được người dân ưa chuộng, đưa vào thay thế các loại cây trồng kém hiệu quả. Do vậy, từ chỗ chỉ có vài chục ha trồng rải rác ở các xã, đến nay toàn huyện có hơn 200 ha nhãn chín muộn. Trong đó, diện tích trồng nhãn tập trung nhiều nhất ở các xã Đồng Tâm, Hồng Kỳ, Đồng Kỳ.

Nhãn muộn có ưu điểm thời gian chín sau các loại nhãn khác từ 30-40 ngày (từ giữa tháng 8 đến giữa tháng 9). Đồng thời, nhãn chín muộn có thể lưu quả trên cây lâu hơn song chất lượng vẫn bảo đảm, không bị mất vị nên được ưa chuộng, giá bán cao hơn nhãn chính vụ khoảng 20-30%.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, sản lượng nhãn chín muộn trên địa bàn huyện năm nay ước đạt 900 tấn (tăng hơn 10 tấn so với năm ngoái). Với mức giá dao động từ 20-30 nghìn đồng/kg như hiện nay, nhãn chín muộn mang lại nguồn thu lớn cho người dân, đồng thời góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện. Xuất phát từ những ưu điểm đó, thời gian qua, Phòng Nông nghiệp và PTNT thường xuyên phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc nhãn chín muộn cho nông dân.

"Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình trồng nhãn chín muộn tại những xã khác trên địa bàn huyện. Đồng thời, tập trung tuyên truyền, vận động người dân tích cực chăm sóc đúng cách để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm”, bà Xuân cho biết thêm.

Mặc dù vậy, để bảo đảm hiệu quả kinh tế cho nông dân khi mở rộng diện tích, giải quyết vấn đề đầu ra có vai trò rất quan trọng. Thực tế hiện nay người trồng nhãn vẫn chủ yếu bán sản phẩm cho thương lái theo phương thức tự thỏa thuận.

Mặt khác, nhãn muộn cũng được trồng ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Do đó huyện cần nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ hợp lý, khuyến khích nông dân, doanh nghiệp liên kết trong sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Có như vậy, nhãn chín muộn mới thực sự phát triển bền vững, tạo tiền đề tốt để từng bước xây dựng thương hiệu “Nhãn chín muộn Yên Thế” như một số nông sản khác trên địa bàn.


Có thể bạn quan tâm

Gian Nan Cá Tra Xuất Ngoại Gian Nan Cá Tra Xuất Ngoại

Gần 20 năm xuất ngoại, cá tra Việt Nam đã “bơi” đến 149 quốc gia và vùng lãnh thổ, mang về gần 2 tỷ USD mỗi năm. Cá tra đã góp phần không nhỏ trong việc khẳng định thương hiệu ngành thủy sản Việt Nam. Nhưng đường “bơi” cho “con cá vàng” của thủy sản Việt Nam dường như còn lắm gian nan.

10/02/2014
Xây Dựng Công Trình Lưới Điện Khu Nuôi Trồng Hải Sản Xây Dựng Công Trình Lưới Điện Khu Nuôi Trồng Hải Sản

Huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) có 35km bờ biển chạy dọc theo 5 xã trong đó có khoảng 5.000ha bãi triều và 3.000ha rừng ngập mặn, rất phù hợp với phát triển kinh tế nuôi trồng thuỷ sản.

10/02/2014
Ngư Dân An Giang Trúng Đậm Nhiều Cá Bông Lau Bạc Triệu Ngư Dân An Giang Trúng Đậm Nhiều Cá Bông Lau Bạc Triệu

Từ tết đến nay, nhiều ngư dân đánh lưới cá bông lau trên sông Hậu, đoạn cồn Bà Hòa và vàm Chắc Cà Đao (An Giang) bắt được nhiều cá bông lau to bán được bạc triệu.

10/02/2014
Tôm Thẻ Chân Trắng “Lên Ngôi”, Ngành Chuyên Môn Nói Gì? Tôm Thẻ Chân Trắng “Lên Ngôi”, Ngành Chuyên Môn Nói Gì?

Vụ nuôi tôm năm 2013, đa số người nuôi tôm sú ở tỉnh Trà Vinh đã chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng và đạt hiệu quả khá cao.

10/02/2014
Nông Dân Khổ Vì Cá Chết Hàng Loạt Nông Dân Khổ Vì Cá Chết Hàng Loạt

Cá vừa mới thả nuôi bỗng chết không rõ nguyên nhân, khiến hơn 40 hộ dân nuôi cá trắm cỏ trong lồng tại xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh - Quảng Ngãi) điêu đứng. Cá chết, bao nhiêu vốn liếng của người dân phút chốc tan tành…

10/02/2014