Triệu Phú Vườn Ươm
Từ hai bàn tay trắng, ông Nguyễn Phước Sang đã gầy dựng nên cơ sở ươm rau màu có tiếng với thu nhập mỗi ngày không dưới 1 triệu đồng
Ngôi nhà tường bề thế với đầy đủ tiện nghi ở ấp Tân Phước 1, phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ vừa là nơi ở vừa là nơi kinh doanh của ông Nguyễn Phước Sang (còn gọi là Ba Sang, 59 tuổi). Bước chân qua tấm biển hiệu “Ba Sang”, người ta có thể thấy ngay vườn rau giống các loại xanh um rộng hơn 500 m2. Ở địa phương, nghị lực vượt khó của ông Ba Sang được bà con nhắc đến nhiều với sự nể trọng.
Chí thú học hỏi
Lúc chúng tôi ghé nhà, ông Ba Sang đang lúi húi ươm giống rau. Ngỡ có khách hàng, ông tạm dừng công việc rồi cất giọng đon đả mời chào: “Vô đây xem cây giống đi. Giống cải, ớt, cà chua, đu đủ, hoa cúc, vạn thọ…, thứ nào cũng có, chất lượng thì miễn bàn nên cứ an tâm”.
Cách nói chuyện cởi mở, chân tình ấy của ông Ba Sang dễ gây thiện cảm cho người đối diện. Xuất thân trong một gia đình nhà nông nghèo, không được học hành đến nơi đến chốn nên đến tuổi trưởng thành, ông vẫn chủ yếu đi làm thuê. Lập gia đình, ngoài nền nhà cha mẹ cho, vợ chồng ông chỉ có hai bàn tay trắng. Những lần về thăm quê vợ ở Đồng Tháp, thấy nghề ươm cây giống truyền thống của gia đình vợ có thể sống được, lại có đồng ra đồng vô quanh năm, ông quyết định gom hết khoản tiền ít ỏi dành dụm được để mua hạt giống (chủ yếu là bầu, bí, mướp), chính thức bắt tay gầy dựng cơ nghiệp.
Thuận lợi duy nhất của ông khi khởi nghiệp là được mẹ vợ - bà Ngô Thị Trâm, một trong những chủ vườn ươm cây giống có tiếng thời đó ở Đồng Tháp - tận tình truyền đạt kinh nghiệm. Dù chịu khó học hỏi nhưng do còn non tay nghề nên lúc đầu, toàn bộ cây con giống bị chết hàng loạt. Sau những lần thất bại, dần dà ông tự rút ra được kinh nghiệm.
Khắt khe hơn trong việc lựa chọn hạt giống, hoàn thiện kỹ thuật quấn bầu (quấn lá chuối thành hình một chiếc chậu, cho hạt giống vào, rắc tro và đất bên trên) và canh độ ẩm, sự chỉn chu ấy đã giúp ông hạn chế thấp nhất những rủi ro không đáng có trong suốt quá trình ươm cây. Thấy con rể chí thú học nghề, bà Trâm “moi hết ruột gan” chỉ dạy và giới thiệu luôn đầu ra cho sản phẩm.
Chất lượng cây giống tốt của vườn ươm Ba Sang dần dần thuyết phục được bạn hàng và bà con nông dân xa gần. Có mối mang ổn định, từ 500 m2 diện tích đất sản xuất trước sân nhà chỉ chuyên ươm các loại cây giống như cải xanh, bầu, bí, ớt..., ông quyết định thuê thêm đất ở những khu vực lân cận để mở rộng quy mô.
Nghề không phụ người
Thức dậy từ tờ mờ sáng và làm việc quần quật tới tối không chút ngơi nghỉ, nhìn những vỉ rau giống được chất thành hàng chuẩn bị xuất bán, ông Ba Sang rất phấn khởi. Ngồi lọt thỏm giữa vườn ươm xanh ngát và cặm cụi đếm hàng giao cho khách, ông vui vẻ: “Rau màu giống rất dễ ươm, chi phí đầu tư thấp, thời gian ươm ngắn và có thể sản xuất quanh năm. Tuy nhiên, hơn nhau là ở tay nghề, bởi nếu ươm không đúng cách thì cây con khó phát triển”.
Để có được một vỉ rau giống chất lượng, người ươm phải thực hiện các công đoạn đòi hỏi sự chăm chút, tỉ mỉ. Theo ông Ba Sang, hạt giống không khó kiếm vì nguồn dự trữ khá dồi dào. Quan trọng là phải bỏ công tìm đất sông phơi khô, đập nhuyễn, sau đó trộn chung tro trấu mua ở các lò gạch nhằm tạo nguồn đất tự nhiên.
Hạt giống sau khi tuyển lựa sẽ được bỏ vào bầu, cho thêm đất và tro trấu rồi sắp lên vỉ để ủ. Khi hạt giống nảy mầm thì đem ra bãi, phủ lưới cước lên trên để ngăn sâu bọ phá hoại. Cây giống phát triển tốt được lựa ra để trồng trực tiếp xuống đất (còn gọi là giai đoạn giặm tuyển), tưới nước và bón phân (urê hoặc tiêu đen).
“Quan trọng là phải tuân thủ nghiêm quy trình tưới cách nhật và xịt thuốc trừ sâu cho cây giống. Lạm dụng quá nhiều thuốc sẽ làm ảnh hưởng chất lượng cây, còn nếu tưới nước quá nhiều thì sẽ gây úng rễ” - ông Ba Sang giải thích.
Cơ sở của ông Ba Sang lúc nào cũng có hơn 1.000 vỉ rau ươm, mỗi vỉ trung bình 500 - 1.000 cây giống. Bình quân mỗi ngày, cơ sở của ông xuất bán khoảng 8.000 - 10.000 cây rau màu và hoa các loại. Giá cả tùy chủng loại, chẳng hạn cải dưa giá 100.000 đồng/thiên, ớt 300.000 đồng/thiên, cải bẹ trắng 120.000 đồng/thiên.
“Sản lượng tiêu thụ năm nay tăng gần gấp đôi so với năm ngoái nhưng mức giá ổn định. Trừ chi phí, mỗi ngày tôi thu nhập trên 1 triệu đồng” - ông Ba Sang phấn khởi cho biết. Sản phẩm cây giống của ông hiện đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long.
Ngoài cơ sở chính, ông Ba Sang đang dốc sức truyền nghề cho con gái lớn để mở thêm một cơ sở phụ. Những đợt cao điểm vào đầu mùa mưa, nông dân mua giống trồng nhiều, ông phải thuê thêm nhân công làm để kịp đáp ứng đơn đặt hàng trong và ngoài tỉnh. Trong những ngày này, chúng tôi lại thấy ông tất bật ươm 2 loại hoa chủ lực là cúc Tiger và cúc Thái để phục vụ thị trường Tết.
“Làm nghề nào cũng vậy, quan trọng là phải kiên nhẫn, sống hết mình bằng cái tâm thì mới mong trụ được lâu dài” - ông Ba Sang bộc bạch.
Nguồn bài viết: http://nld.com.vn/cong-doan/trieu-phu-vuon-uom-20141206215752956.htm
Có thể bạn quan tâm
Một nhóm nông dân nuôi cá tra tại quận Thới An (TP. Cần Thơ) đã gửi thư tới Thống đốc Nguyễn Văn Bình xin được khoanh nợ vay ngân hàng.
Trước sự phát tán quá nhanh và mức độ nguy hại của cá lau kiếng, Sở KH-CN vừa chỉ định Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Bạc Liêu triển khai đề tài nghiên cứu khoa học: “Đánh giá sơ bộ sự phát tán và tác hại của cá lau kiếng trên địa bàn tỉnh”. Mục tiêu đề tài là nhằm xác định vùng phân bố và mức độ phong phú của nó so với các loài cá bản địa, đồng thời đưa ra giải pháp phòng trừ hiệu quả.
“Nuôi sò huyết bao giờ cũng có tỷ lệ hao hụt nhất định” - anh Nguyễn Văn Sơn, ấp 7, xã Thạnh Phước (Bình Đại - Bến Tre) cho biết như thế, nhưng hiện tượng sò chết hàng loạt, liên tiếp nhiều sân như năm nay là bất bình thường. Nguyên nhân có thể là do thời tiết, ô nhiễm nguồn nước xả thải, nắng nóng, chất lượng con giống ngoài thị trường không tốt hoặc cũng có thể do dịch bệnh…
Ngày 31/7, Trung tâm Khuyến nông - Khuyên ngư tỉnh kết hợp với Phòng Kinh tế thành phố Cà Mau tổ chức hội thảo mô hình nuôi vịt thịt an toàn sinh học.
Là một xã vùng biển bãi ngang, toàn bộ diện tích đất tự nhiên của Triệu Vân nằm trong vùng cát của huyện Triệu Phong (Quảng Trị), do đó canh tác nông nghiệp khó khăn và nguồn nước tưới không đảm bảo. Nguồn thu nhập từ biển của ngư dân Triệu Vân không nhiều lắm do chủ yếu đánh bắt ven bờ