Hiệu Quả Từ Dự Án Xây Dựng Mô Hình Nuôi Tôm Sú, Tôm Thẻ Chân Trắng Theo VietGAP
Thời gian qua nghề nuôi tôm nước lợ ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về diện tích, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu, tuy nhiên nghề nuôi tôm ở nước ta còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn vệ sinh thực phẩm, dịch bệnh, kiểm soát môi trường, truy xuất nguồn gốc…
Để khắc phục những tồn tại đó, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai Dự án “Xây dựng mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo VietGAP”giai đoạn 2014 - 2016 nhằm hạn chế dịch bệnh, tạo sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
1. Một số kết quả đạt được trong năm 2014
Xây dựng mô hình trình diễn
Năm 2014, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp các đơn vị xây dựng 8 mô hình tôm thẻ chân trắng thuộc 8 tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Kiên Giang và Sóc Trăng; xây dựng 2 mô hình nuôi tôm sú theo VietGAP thuộc các tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng.
Trong 10 tỉnh tham gia dự án đã chọn được 17 xã để triển khai mô hình, trong đó có 5 xã nông thôn mới là xã Cạm Thịnh Đông, huyện Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa; xã Vĩnh Tân, Tx. Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng và các xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân; xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu và xã Quỳnh Yên, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Mô hình có tổng quy mô 22 ha với 46 hộ tham gia. Các hộ triển khai 0,4 ha với mô hình tôm thẻ chân trắng, 1 ha đối với mô hình nuôi tôm sú.
Đào tạo chuyển giao công nghệ nuôi tôm theo VietGAP
Năm 2014, Trung tâm đã tổ chức đào tạo cho 378 nông dân, vượt 8% so với kế hoạch đề ra. Nội dung tập huấn tập trung vào kỹ thuật nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo VietGAP và các hướng dẫn để các cơ sở/hộ dân thực hiện theo Quyết định 3824/QĐ-BNN-TCTS ngày 6 tháng 9 năm 2014 về Ban hành Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt tại Việt Nam (VietGAP). Tổ chức tham quan, thực hành tại các mô hình nuôi tôm VietGAP được xây dựng thành công ở các địa phương. Kết quả, 100% các hộ dân có thể độc lập áp dụng kiến thức đã học để áp dụng nuôi tôm VietGAP tại gia đình và địa phương.
Công tác thông tin tuyên truyền
Để nhân rộng hiệu quả của mô hình, Trung tâm đã Tổ chức 10 cuộc hội thảo với 50 người tham dự, đạt 100% so với kế hoạch đề ra. Những lợi ích và hiệu quả nổi trội của việc áp dụng nuôi tôm theo VietGap được tích cực tuyên truyền tới bà con, cụ thể là: kiểm soát tốt các yếu tố đầu vào như con giống, thức ăn, thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học; kiểm soát quá trình cho ăn, điều trị bệnh; kiểm soát môi trường, sức khỏe tôm nuôi... góp phần bảo vệ môi trường; sản phẩm tôm nuôi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Kết thúc các buổi hội thảo, đa số bà con đều mong muốn được tham gia triển khai mô hình nuôi tôm theo VietGAP.
Ngoài ra, các đơn vị thực hiện dự án đều phối hợp với các đài truyền hình trong tỉnh thông tin về mô hình. Một số đài truyền hình đã tiến hành quay mô hình từ khi chọn điểm đến khi thu hoạch, xây dựng chuyên mục nuôi tôm theo VietGAP để đông đảo người dân học tập và làm theo.
Kết quả đạt được theo tiêu chí VietGAP
Ngay từ khi mô hình triển khai tại các địa phương, mỗi điểm đều thành lập Ban đánh giá các tiêu chí của VietGAP do đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT hoặc Chi cục Thủy sản làm trưởng ban để hướng dẫn và đánh giá nội bộ sau khi mô hình xây dựng thành công. Kết quả 100% mô hình đều đạt trên 80% theo tiêu chí VietGAP, đạt 100% so với kế hoạch đề ra.
Sau khi đánh giá nội bộ, các hộ dân được sự tư vấn của Ban đánh giá đã mời tổ chức đánh giá độc lập được Tổng cục thủy sản chỉ định đến đánh giá cấp giấy chứng nuôi tôm theo VietGAP, cụ thể: Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản đã đánh giá tại 4 cơ sở thuộc 4 tỉnh gồm: Hải Phòng, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, và Ninh Thuận.
Công ty TNHH VINACERT đánh giá các cơ sở tại Nghệ An, Kiên Giang. Nội dung đánh giá theo Quyết định 3824/QĐ-BNN-TCTS đều đạt trên 92% theo tiêu chí, khuyến cáo bổ sung gần 8% tiêu chí, khi cơ sở bổ sung đủ sẽ được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi tôm theo VietGAP.
2. Hiệu quả và khả năng nhân rộng mô hình
Hiệu quả về kinh tế
Đối với mô hình nuôi tôm chân trắng, sản lượng tôm thu hoạch đạt trung bình 4,1 tấn/0,4ha, các hộ nuôi thu lãi từ 200 - 250 triệu đồng. So với cùng thời điểm nuôi năm trước, năm nay các cơ sở áp dụng VietGAP đã nắm rõ được các chi phí; tiết kiệm được chi phí thuốc, hóa chất, kháng sinh, thức ăn; tỷ lệ tôm sống cao, hạn chế dịch bệnh dịch nên lợi nhuận đạt cao hơn.
Hiệu quả về môi trường
Do được hướng dẫn cụ thể cách kiểm soát các chỉ tiêu môi trường nước ao nuôi cũng như các chất thải tạo ra trong quá trình sản xuất nên các hộ tham gia mô hình đã tiến hành theo dõi các chỉ tiêu môi trường tốt hơn, có ý thức cộng đồng cao hơn, tự nguyện xây dựng khu xử lý nước thải, bùn thải để bảo vệ môi trường xung quanh.
Khả năng nhân rộng mô hình
Tuy việc xây dựng các mô hình nuôi tôm theo VietGAP bước đầu còn gặp khó khăn, tuy nhiên, đây vẫn là hướng phát triển tất yếu của nghề nuôi tôm nước lợ. Trong thời gian triển khai mô hình, nhiều hộ dân địa phương và các tỉnh lân cận đã đến tham quan, học tập kinh nghiệm.
Đồng thời, tại các lớp tập huấn, các buổi hội thảo, các hộ dân đã được nghe giảng viên trực tiếp hướng dẫn phương thức nuôi tôm bền vững theo VietGAP, trực tiếp giải đáp các thắc mắc và cùng thảo luận về những khó khăn, thuận lợi khi nuôi tôm theo VietGAP.
3. Kế hoạch năm 2015
Mặc dù là năm đầu tiên triển khai xây dựng mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo VietGAP nhưng các mô hình triển khai năm 2014 đã đạt được kết quả khả quan.
Đáp ứng sự mong muốn của bà con nông dân về việc áp dụng mô hình nuôi tôm theo VietGAP trong thời gian tới, năm 2015, mô hình sẽ tiếp tục được triển khai diện rộng theo hướng chọn các tỉnh có phong trào phát triển nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng đại diện các vùng miền trong đó ưu tiên các xã nông thôn mới, những tổ hợp tác và hợp tác xã về nuôi tôm.
Cụ thể, các mô hình dự kiến triển khai tại 11 tỉnh, bao gồm: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thừa Thiên-Huế, Khánh Hòa, Long An, Tiền Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo VietGAP, có quy mô 2 ha/mô hình; Mô hình nuôi tôm sú theo VietGAP, có quy mô 3 ha/mô hình.
Có thể bạn quan tâm
Theo Cục Thống kê tỉnh, tháng 8 sản xuất công nghiệp của tỉnh có mức tăng trưởng không cao, do các doanh nghiệp trong tỉnh vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm.
Hiện UBND huyện Lấp Vò cũng đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các địa phương đẩy mạnh công tác gia cố đê bao, bảo vệ ăn chắc trên 10.000ha lúa vụ thu đông đang giai đoạn đòng trổ, dự kiến sẽ thu hoạch dứt điểm vào cuối tháng 8 âm lịch.
Các đơn vị hữu quan khẩn trương rà soát và di dời những hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn; thường xuyên bám sát địa bàn, theo dõi chặt chẽ tình hình để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn tại địa phương.
Theo dự báo của Chi cục Bảo vệ thực vật Đồng Tháp, lứa rầy cám mới sẽ nở rộ từ ngày 22 - 31/8 gây hại trên trà lúa đẻ nhánh - làm đòng chủ yếu ở mức nhẹ, trung bình; cục bộ một số diện tích có thể nhiễm nặng do có nhiều lứa rầy gối nhau, tích lũy mật số từ đầu vụ.
Với mục tiêu tiết giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận, đảm bảo quá trình canh tác cho cả 3 vụ lúa trong năm, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân có đất ruộng trong cánh đồng mẫu lớn (CĐML) tại địa phương mạnh dạn liên kết lại để cùng nhau bơm tát tập trung trên cùng khu vực sản xuất.