Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Triển Vọng Từ Vụ Cá Nam

Triển Vọng Từ Vụ Cá Nam
Ngày đăng: 25/03/2013

Theo lịch thời vụ trong đánh bắt hải sản, bắt đầu từ tháng 4 đến hết tháng 9 âm lịch là thời điểm diễn ra hoạt động khai thác vụ cá Nam. Tuy chỉ kéo dài trong thời gian 5 tháng song vụ cá này sẽ góp phần quan trọng vào tổng sản lượng thuỷ hải sản của toàn tỉnh; là vụ có thể khai thác được nhiều luồng cá nổi và mực. Do thời tiết thuận lợi, các luồng cá xuất hiện nhiều ngay từ đầu năm nên theo kinh nghiệm của ngư dân các địa phương thì đó là dấu hiệu báo trước một vụ cá Nam thuận lợi. Đến thời điểm này, ngư dân các vùng biển trong tỉnh Quảng Trị đã sẵn sàng ra khơi đánh bắt vụ cá Nam. 
Mới hơn 6 giờ sáng, cảng cá khu phố 2, thị trấn Cửa Việt (Gio Linh) đã nhộn nhịp trên bến, dưới tàu. Những chiếc thuyền sau một đêm đánh bắt đã đầy ắp cá từ từ cập bến. Tiếng máy, tiếng cười hoà cùng tiếng sóng. Ông Võ Lới, một ngư dân ở khu phố 2 vừa bước lên từ chiếc tàu cá nặng trĩu đã tươi cười: “Chuyến này riêng tàu tôi đánh bắt được khoảng 5 tấn cá cơm, trị giá khoảng 300 triệu đồng. Thời tiết thuận lợi, nắng ấm, biển êm, ngư trường nhiều tôm cá nên bà con ngư dân rất phấn khởi và hăng hái ra khơi”.

Chia sẻ niềm vui với chúng tôi, ông Nguyễn Trường Kỳ, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt cho biết: “Từ đầu năm đến nay, có thể thấy rõ sự chuyển biến của thời tiết có lợi cho nghề cá. Mọi năm, vụ cá Nam đến muộn nhưng năm nay đến sớm hơn, có thể bắt đầu từ cuối tháng 3 âm lịch. Hiện tại, nhiều luồng cá đã bắt đầu xuất hiện sớm nên hầu hết các tàu thuyền ra khơi đều khai thác hải sản đạt sản lượng cao. Đây thực sự là tín hiệu vui dự báo một vụ cá Nam thắng lợi. Trước tình hình đó, địa phương đã chủ động tạo điều kiện cho ngư dân đóng mới thêm tàu thuyền, chuẩn bị sẵn sàng ngư lưới cụ, củng cố các tổ hợp tác sản xuất trên biển để bám biển dài ngày”. 
Tính đến thời điểm này, thị trấn Cửa Việt có 142 tàu thuyền các loại, trong đó có 85 chiếc 135 Cv trở lên; 50 chiếc 90 Cv; 14 chiếc chuyên làm dịch vụ hậu cần nghề cá… Năm 2012, sản lượng thuỷ hải sản đánh bắt được 4.650 tấn (kế hoạch 4.400 tấn); xuất khẩu 1.750 tấn cá các loại; chế biến 2.500 tấn cá khô. Các hình thức đánh bắt chủ yếu như dùng lưới rê khơi, lưới bùng nhùng… đạt tổng thu nhập trên 140 tỷ đồng, chiếm 54% tổng thu nhập của địa phương. Qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 8,9% năm 2011 giảm xuống còn 6% năm 2012. Hộ khá giàu được nâng lên 40 - 45%, thu nhập bình quân đầu người năm 2012 đạt 18 triệu đồng/người/năm. 
Trên cơ sở những kết quả đạt được, trong năm 2013, thị trấn Cửa Việt phấn đấu khai thác đạt sản lượng 5.000 tấn, trong đó xuất khẩu 1.900 tấn, chế biến khoảng 3.000 tấn chủ yếu là cá cơm, nục. Để đạt kế hoạch đề ra, trên cơ sở số tàu thuyền sẵn có, địa phương đã tạo điều kiện cho ngư dân đóng mới thêm 5 tàu công suất 135 Cv trở lên làm nghề lưới bùng nhùng. Đồng thời, 14 tàu dịch vụ cũng được nâng cấp nhằm tăng hiệu quả hoạt động. Đội tàu này đảm bảo cung ứng, tiếp tế hàng hoá và thu gom hải sản cho hàng trăm phương tiện đánh bắt xa bờ của địa phương. Hoạt động hiệu quả của tàu dịch vụ hậu cần nghề cá giúp giảm chi phí cho các phương tiện khi ra khơi, góp phần làm tăng giá trị hải sản đánh bắt, giúp tăng cường khả năng bám biển dài ngày cho các phương tiện đánh bắt xa bờ. 
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng chủ động chỉ đạo ngư dân tập trung tu sửa phương tiện nghề nghiệp để thực hiện đánh bắt đạt kế hoạch đề ra. Tập trung chỉ đạo các tàu vươn khơi tìm thêm ngư trường mới đánh bắt để tăng sản lượng, kéo dài thời gian sản xuất trên biển. Đồng thời, các tổ đội sản xuất trên biển cũng được củng cố, các tổ tự quản tàu thuyền được thành lập tại 4/6 khu phố. Khi các tổ tự quản hoạt động đã phát huy hiệu quả trong việc cùng nhau tìm ngư trường mới, cùng hỗ trợ nhau khi cứu hộ cứu nạn, nắm thông tin về tình hình an ninh trên biển để kịp thời báo cáo cho chính quyền địa phương và đồn biên phòng gần nhất. 48 lò hấp sấy cá trên địa bàn được tăng cường hoạt động để kịp thời chế biến cá phục vụ xuất khẩu, giải quyết việc làm cho khoảng 750 lao động mùa vụ với lãi ròng bình quân khoảng 150 - 300 triệu đồng/lò/năm. 
Là một vùng ven biển bãi ngang, đến thời điểm này xã Triệu An (Triệu Phong) cũng chuẩn bị sẵn sàng cho ra quân đánh cá vụ Nam. Toàn xã có 63 tàu thuyền các loại, trong đó có 10 tàu công suất trên 90 - 300 Cv; 25 chiếc công suất từ 45 - 90 Cv, còn lại tàu thuyền nhỏ các loại. Hàng năm, nghề đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản chiếm khoảng 49% trong cơ cấu kinh tế địa phương. Riêng trong năm 2012, ước sản lượng khai thác thuỷ sản toàn xã là 2.165 tấn, đạt 154% KH năm. Trong đó, hải sản xuất khẩu các loại 76,3 tấn, đạt 30,5% KH; cá các loại 2.088,7 tấn. Ước giá trị thu được từ khai thác hải sản là 25,159 tỷ đồng. Năm 2013, mục tiêu mà địa phương hướng tới là khai thác hải sản đạt sản lượng 1.500 tấn, trong đó hải sản xuất khẩu 200 tấn. 
Để đạt kế hoạch đề ra, xã Triệu An đã tập trung chỉ đạo ngư dân tranh thủ thời tiết thuận lợi để bám biển đánh bắt hải sản, chú trọng đánh bắt hải sản xa bờ, nâng cấp ngư lưới cụ phù hợp với ngư trường, thời vụ để đánh bắt đạt hiệu quả kinh tế cao nhất. Đồng thời, để đảm bảo an toàn cho ngư dân khi sản xuất trên biển, địa phương đã tăng cường tuyên truyền, vận động ngư dân khi đánh bắt phải có tổ, nhóm, đảm bảo các phương tiện liên lạc để hỗ trợ nhau khi gặp sự cố. Hiện tại, ngư dân địa phương đã chuẩn bị sẵn sàng ngư lưới cụ, bắt đầu những chuyến vươn khơi khai thác cá vụ Nam. 
Năm 2013, toàn tỉnh phấn đấu đạt tổng sản lượng thuỷ sản là 27.500 tấn, trong đó khai thác thuỷ sản đạt 17.000 tấn. Thời gian qua, ngành thuỷ sản trên địa bàn tỉnh đã có bước tăng trưởng khá, năng suất, chất lượng trên các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng và chế biến thuỷ sản không ngừng được nâng cao. Đến nay, đội tàu thuyền khai thác thuỷ sản trên toàn tỉnh có 2.499 chiếc với tổng công suất là 58.250 Cv. Tuy chỉ kéo dài trong thời gian khoảng 5 tháng nhưng do đây là thời điểm nguồn lợi thuỷ sản phong phú, đa dạng nhất trong năm, thời tiết thuận lợi cho đánh bắt xa bờ nên sản lượng vụ cá Nam sẽ góp phần rất lớn trong việc hoàn thành kế hoạch đánh bắt thuỷ sản của cả năm. 
Do vậy, ngay từ đầu năm 2013, Sở Nông nghiệp & PTNT đã chủ động triển khai các giải pháp cụ thể như: tuyên truyền, vận động ngư dân đăng ký khai thác thủy sản tại các vùng biển xa theo nội dung Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhiên liệu đánh bắt xa bờ. Phối hợp với các ngành thực hiện chi hỗ trợ cho ngư dân kịp thời, đảm bảo chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho ngư dân, động viên ngư dân khai thác đạt sản lượng, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền vùng biển Tổ quốc. 
Tiếp tục công tác tổ chức, tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn cho ngư dân thực hiện các nội dung liên quan về pháp luật thủy sản. Tập trung công tác quản lý tàu cá, đăng ký hành chính, đăng kiểm kỹ thuật, công tác trang bị bảo đảm an toàn cho người và phương tiện. Huy động tối đa phương tiện, lực lượng khai thác vụ Nam đạt sản lượng cao. 
Tiếp tục triển khai và xây dựng phương án phối hợp sản xuất theo nhóm, tổ đội sản xuất trên biển, cung cấp thông tin kịp thời, tổ chức di chuyển ngư trường, cơ cấu nghề nghiệp phù hợp để đánh bắt được hiệu quả và hỗ trợ nhau trong sản xuất. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát, đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động trên biển, nhất là hoạt động khai thác xa bờ phát triển nhanh và bền vững. 
Tiếp tục phối hợp tốt các chính sách dân sinh cho ngư dân, nhằm động viên ngư dân an tâm, huy động lực lượng vào sản xuất trên biển. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện các cơ sở hạ tầng nghề cá như: Cảng cá, dịch vụ hậu cần nghề cá và kết hợp khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền. 
Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nhằm đảm bảo 100% người điều khiển phương tiện có đầy đủ bằng cấp, chứng chỉ (bằng thuyền trưởng, máy trưởng, chứng chỉ thuyền viên). Huy động lực lượng tàu thuyền có công suất lớn vươn khơi khai thác, nhằm nâng cao hiệu quả khai thác và đạt kế hoạch năm 2013. 
Vụ cá Nam đang có tín hiệu lạc quan, mở ra cho hoạt động khai thác hải sản của tỉnh niềm hy vọng về sự vươn ra khơi xa, đánh bắt dài ngày trên biển. Cùng với sự vào cuộc, hỗ trợ tích cực của các ngành chức năng liên quan, chính sự chủ động chuẩn bị của các địa phương và quyết tâm bám biển của ngư dân hy vọng sẽ đem lại kết quả một vụ cá Nam thắng lợi.


Có thể bạn quan tâm

Xây dựng và phát triển cánh đồng lớn ở ĐBSCL Khởi đầu cho một mô hình nông nghiệp lớn Xây dựng và phát triển cánh đồng lớn ở ĐBSCL Khởi đầu cho một mô hình nông nghiệp lớn

Gần 30 năm đổi mới, nhiều chuyên gia nhận định: Thành tựu nổi bật nhất của ngành nông nghiệp ĐBSCL và cả nước là đưa nước ta từ thiếu ăn đến đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước, đảm bảo dự trữ quốc gia và xuất khẩu gạo nhiều năm liền đứng hàng thứ 2 trên thế giới.

05/11/2015
Hội thảo mô hình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ bã thải rơm rạ Hội thảo mô hình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ bã thải rơm rạ

Ngày 30-10, Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng phối hợp với Công ty TNHH Yanmar Việt Nam tổ chức Hội thảo mô hình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ bã thải rơm rạ tại xã Mỹ Hương (huyện Mỹ Tú).

05/11/2015
Gừng giảm giá hơn 50% so với năm trước Gừng giảm giá hơn 50% so với năm trước

Trái với niềm vui trúng giá của năm trước, hiện nhiều nhà vườn trồng gừng tại ĐBSCL bước vào vụ thu hoạch gừng với giá bán giảm hơn 50% so với năm trước.

05/11/2015
Thạch Quảng gây dựng thương hiệu nghệ Việt Thạch Quảng gây dựng thương hiệu nghệ Việt

Những năm gần đây, giống nghệ N8 được du nhập, trồng xen canh, luân canh cùng cây trồng truyền thống ở vùng đất Thạch Quảng, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa), đem lại hiệu quả kinh tế cao.

05/11/2015
Mặn xâm nhập sâu và kéo dài đến tháng 5/2016 Mặn xâm nhập sâu và kéo dài đến tháng 5/2016

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, mùa khô năm 2015 - 2016 có khả năng mặn xâm nhập sớm, sâu và kéo dài: các vùng cách biển 25 - 35km từ tháng 12 mặn có khả năng vượt quá 4g/l, từ tháng 1 - 2 trở đi, các vùng này gần như không có khả năng lấy nước ngọt từ cửa sông.

05/11/2015