Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Triển Vọng Từ Mô Hình Trồng Dừa Xiêm Ở Ninh Ích

Triển Vọng Từ Mô Hình Trồng Dừa Xiêm Ở Ninh Ích
Ngày đăng: 03/07/2011

“Hiện nay, ở xã Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) phát triển mạnh mô hình trồng dừa Xiêm (DX), bởi hiệu quả kinh tế của loại cây này rất cao. Trong tương lai, DX có thể trở thành loại cây chủ lực của xã nếu người dân biết đầu tư mở rộng sản xuất cũng như được sự quan tâm của các ngành, các cấp”. Đó là chia sẻ của ông Phạm Thúc - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Ích.

Từ lâu, Ninh Ích được biết đến là vùng đất “4 biển, 3 đồng” (4 thôn đi biển, làm đìa; 3 thôn làm vườn, trồng lúa). Tuy nhiên, cuộc sống hôm nay đã khác. Có dịp về xã Ninh Ích một ngày tháng 6, tôi không khỏi bị cuốn hút bởi màu xanh ngút ngàn của hàng nghìn cây DX lớn nhỏ. Không chỉ có mảnh vườn hay khoảng sân của hộ dân mới thấy bóng dừa mát rượi, mà dọc các con đường liên thôn hay ven bờ ruộng, đìa tôm, người ta cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh những hàng DX trĩu quả.

Theo chân cán bộ Hội Nông dân xã, chúng tôi đến thôn Tân Phú - vùng đất trồng nhiều DX nhất của xã. Bà Lê Thị Chuyên (thôn Tân Phú) - hộ dân tiên phong trong việc ươm và trồng DX, cho biết: “Vợ chồng tôi trồng DX hơn 15 năm nay. Trồng DX rất đơn giản, không phải tốn nhiều thuốc men, công sức, chỉ sau 3 năm có thể thu hoạch. Hiện nay, nhà tôi có hơn 2 sào DX, hàng năm cho thu hoạch hơn 3.000 trái; mùa mưa cho sản lượng gấp đôi mùa nắng. Hàng tháng, tư thương trong xã và các xã lân cận vào tận vườn để thu mua. Bình quân mỗi năm, gia đình tôi thu được hơn 30 triệu đồng từ việc trồng DX”. Nhìn căn nhà khá khang trang của bà Chuyên, chúng tôi phần nào thấy được hiệu quả kinh tế từ vườn DX của nhà bà. Cũng theo bà Chuyên, đây là loại cây “dễ tính” nên thích hợp trồng quanh năm, nhưng tốt nhất trồng từ tháng Giêng, tháng 2 âm lịch, vì khi đó khí trời ấm áp, DX “chóng lớn”. Cái khó nhất của việc trồng DX là giai đoạn bắt đầu ươm giống cho đến 1 năm tuổi. Chỉ cần năng tưới nước mỗi ngày, DX cứ thế mà sống, mà lớn… Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ việc trồng DX của nhà bà Chuyên, nhiều hộ dân trong xã bắt đầu mua giống của gia đình bà về trồng. Phong trào trồng DX của xã Ninh Ích bắt đầu “nở rộ”. Chỉ sau 3 năm, bà con rất phấn khởi vì vườn DX kết trái sum suê và bắt đầu thu hoạch.

Ngoài những hộ trồng DX chuyên canh với diện tích lớn, nhiều hộ trong xã có quỹ đất hẹp cũng bắt tay vào việc trồng DX. Bà Đặng Thị Hằng (50 tuổi, thôn Tân Phú) cho biết: “Trước đây, nhà tôi chủ yếu sống bằng nghề nuôi tôm, trồng lúa; thế nhưng mấy năm nay, lũ lụt triền miên nên thu nhập rất bấp bênh. Thấy bà con trong xã trồng DX cho thu nhập khá, thời gian sinh trưởng của DX rất nhanh (từ 2,5 - 3 năm cho trái) nên tôi tận dụng đất vườn và đìa tôm để trồng DX. Tuy mới trồng hơn 3 năm nay, nhưng vườn DX (hơn 100 cây) của nhà tôi đã ra trái. Bình quân mỗi cây có 4 - 5 buồng, mỗi buồng từ 15 đến 20 trái. Hiện nay, tôi đang bán lứa đầu tiên với giá từ 7.000 đến 9.000đồng/trái”.

Cũng như bao gia đình khác trong xã, với mong muốn có cuộc sống đỡ vất vả hơn nên đã ngoài 70 tuổi, ông Lê Coi (thôn Tân Phú) cũng “vào cuộc” trồng DX. Hiện nay, gia đình ông trồng khoảng 50 cây DX. Tuy chưa đến mùa thu hoạch, nhưng vợ chồng ông luôn đặt hy vọng vào vườn dừa này. “Tuổi già chẳng biết làm gì, thấy bà con trồng DX rất có triển vọng nên vợ chồng tôi cũng trồng” - ông Coi nói.

Theo ông Phạm Thúc - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Ích, cách đây 7 - 8 năm, hầu hết bà con trong xã đều trồng dừa Bung để bán cho các cơ sở chế biến dầu trong tỉnh. Thế nhưng, khi nhận thấy trồng dừa Bung không có tương lai (bởi giá dừa Bung thấp, từ 1.000 đến 3.000 đồng/trái), năng suất không cao (khoảng 2 - 3 buồng/cây, mỗi buồng có 8 - 10 trái) và đầu ra không ổn định nên phong trào trồng dừa Bung “thoái trào”. Vài năm trở lại đây, du lịch trong tỉnh phát triển, DX được khách du lịch và người dân địa phương ưa chuộng nên giá DX rất cao. Mặt khác, DX là cây trồng nhiệt đới, thích hợp trồng quanh năm. So với dừa Bung, DX có thời gian sinh trưởng nhanh gấp đôi.

Mời bà con tham khảo:
1. Kỹ thuật trồng dừa xiêm
2. Một vài lưu ý khi trồng dừa xiêm

Đặc biệt, với đất bồi phù sa như ở Ninh Ích, DX sẽ cho hiệu quả kinh tế rất cao. Vì vậy, 3 năm trở lại đây, phong trào trồng DX ở xã phát triển mạnh. Toàn xã có hơn 1.800 hộ, trong đó có khoảng 400 - 500 hộ trồng DX với quy mô lớn (từ 50 đến 200 cây); số còn lại trồng xen kẽ với các loại cây ăn trái. Cũng theo ông Phạm Thúc, thời gian tới, xã có kế hoạch khoanh vùng để trồng DX. Đồng thời, để tạo điều kiện cho bà con nhân rộng mô hình trồng loại cây này, xã mong muốn xây dựng quỹ Hội Nông dân để hỗ trợ người dân được vay vốn trồng DX…

Theo người dân ở đây, hiện nay, diện tích DX đã áp đảo các loại cây ăn trái khác. Hầu hết người dân phá những loại cây ăn trái trước đây vốn là thế mạnh của xã như: xoài, bưởi, mít… để nhân rộng cây DX. Có thể thấy, những tín hiệu đáng mừng từ thu nhập do cây DX mang lại đã góp phần khích lệ bà con xã Ninh Ích mở rộng quy mô loại cây này.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi Lợn Sạch, Thu Lãi Cao Nuôi Lợn Sạch, Thu Lãi Cao

Nghe nhiều về mô hình nuôi lợn sạch của chị Nguyễn Thị Mỹ, chúng tôi tìm về thôn Kế Sung, xã Phú Diên, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế để tìm hiểu.

11/02/2012
Mở Rộng Diện Tích Trồng Màu Xen Mía Mở Rộng Diện Tích Trồng Màu Xen Mía

Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, đem lại giá trị kinh tế cao và bù đắp một phần tổn thất trong vụ mía vừa qua, trong niên vụ mía 2011-2012, nông dân vùng mía nguyên liệu huyện Phụng Hiệp tập trung phát triển diện tích rau màu ngắn ngày xen với cây mía, đây được xem là mô hình “lấy ngắn nuôi dài” mang lại hiệu quả cao.

10/02/2012
Người Nuôi Tôm Cần Đề Phòng Những Cơn Mưa Trái Vụ Ở Cà Mau Người Nuôi Tôm Cần Đề Phòng Những Cơn Mưa Trái Vụ Ở Cà Mau

Những cơn mưa lớn xuất hiện đột ngột trong những ngày qua làm môi trường ao nuôi tôm biến động, tạo điều kiện thuận lợi cho các loài vi khuẩn, vi-rút phát triển gây bất lợi cho tôm nuôi, đặc biệt ở loại hình nuôi tôm công nghiệp (NTCN). Đồng thời cũng tạo điều kiện cho các loại bệnh lạ xuất hiện và phát sinh trên diện rộng như bệnh gan tụy.

13/02/2012
Nên Cơ Nghiệp Từ 3 Triệu Đồng Nên Cơ Nghiệp Từ 3 Triệu Đồng

Qua 10 năm đầu tư chăn nuôi heo, chị Nguyễn Dương (thôn Di Đông, xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) rút ra kinh nghiệm: Với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng nơi đây, muốn thoát nghèo, làm giàu phải từ chăn nuôi.

21/02/2012
Chế Biến Phế Thải Thành Phân Bón Vi Sinh Chế Biến Phế Thải Thành Phân Bón Vi Sinh

Phế thải là nguồn gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, việc không xử lý hoặc xử lý rác thải không đúng quy trình, bằng những công nghệ lạc hậu, tốn kém năng lượng và chi phí nhân công đang là trở ngại lớn cho nhiều địa phương

11/03/2011