Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Bơ tặc lộng hành

Bơ tặc lộng hành
Ngày đăng: 24/06/2015

Những năm gần đây, cây bơ đã được người dân lai ghép thành nhiều giống mới cho thu hoạch quanh năm. Khi cây bơ chính vụ vừa kết thúc mùa thu hoạch (tháng 4 hằng năm), thì người dân lại chuẩn bị thu hoạch bơ trái vụ (là giống bơ Buth-7). Trái bơ trên cành hiện còn đang xanh, thậm chí là chưa chắc hạt, song, tại nhiều địa phương đang nổi lên tình trạng mất trộm quả ngay tại rẫy, vườn của bà con. Thực trạng này khiến người trồng bơ trên địa bàn tỉnh Dak Lak gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ vườn cây.

Ông Bành Việt Tùng ở thôn 4, xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar) hiện có 3 ha bơ Buth-7 trồng từ năm 2011. Mặc dù rẫy chỉ cách nhà chừng 500 m, nếu đứng ở sân nhà cũng có thể quan sát hết vườn bơ, vậy mà năm ngoái, cũng vào thời điểm này, khi trái bơ chưa chắc hạt thì đã bị trộm “viếng thăm”. Chỉ sau một đêm, kẻ gian đã hái trộm khoảng 5 tạ bơ, thiệt hại gần 30 triệu đồng. Rút kinh nghiệm từ việc mất trộm, năm nay ông Tùng đã dựng một cái chòi ngay giữa vườn bơ để canh gác ngày đêm đợi đến ngày thu hoạch.

Còn gia đình chị Lê Thị Hòa ở thôn Ea Heo, xã Ea Tân (huyện Krông Năng) trồng xen 200 cây bơ trong rẫy cà phê cách nhà khoảng 2 km, năm nay mới bắt đầu cho thu hoạch. Chưa kịp vui mừng thì mới đây, chị phát hiện có khoảng 30 cây bơ trong vườn đã bị kẻ gian hái trụi cả quả non. Với giá bơ như hiện nay khoảng 40.000 đồng/kg thì gia đình chị thiệt hại trên 20 triệu đồng.

Theo phản ánh của người dân thì tình trạng trộm cắp bơ đã diễn ra từ nhiều năm nay. Do phần lớn diện tích bơ được trồng xen trong các rẫy cà phê nên bà con vẫn có tâm lý xem loại cây này là phụ, việc quản lý vườn cây thường bị buông lỏng. Trong khi rẫy cà phê thường cách xa nhà và bị tán cà phê che khuất nên kẻ gian dễ dàng lợi dụng sơ hở để hái trộm.

Anh Ngô Văn Nam ở thôn Cao Thành, xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, kẻ gian thường ở nơi khác đến, giả làm người đi thu mua bơ, sử dụng phương tiện xe gắn máy và mang theo dụng cụ thu hái bơ để vào vườn, rẫy của người dân. Nếu gặp người dân thì họ giả vờ hỏi mua bơ, còn nếu không có ai thì vô tư hái trộm rồi mang đi tiêu thụ. Người dân trong thôn cũng đã bắt được một vài trường hợp kẻ gian lợi dụng thu mua bơ để hái trộm, tuy nhiên, vụ việc thường được giải quyết theo hướng bắt kẻ trộm bồi thường theo giá bơ thị trường rồi thả cho đi.

Tìm hiểu thêm nguyên nhân những trái bơ non cũng bị hái trộm, chị Hà, một chủ đại lý thu mua nông sản tại thôn Tân Hưng, xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) tiết lộ: Với những trái bơ non, người ta thường nhúng vào thuốc để “ép” chín rồi trà trộn với những loại bơ chín tự nhiên. Ngay cả bản thân chị là người nhiều năm trong nghề thu mua nông sản cũng bị mua nhầm bơ chín ép. Chị Hà kể: Vừa qua, chị mua 5 kg bơ của một người bán dạo trên vỉa hè đường Nguyễn Tất Thành (TP. Buôn Ma Thuột). Nhìn bên ngoài rất bắt mắt, vỏ trái bơ còn xanh mướt, khi cắt trái bơ ra ăn thì mới cảm thấy mùi vị rất khác lạ, nhạt và có vị đắng. Cầm hạt bơ lên mới biết đang còn non, chị đành vứt bỏ đi không dám ăn nữa.

Ông Trương Văn Huyến, Trưởng Công an xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, những năm qua, người dân trên địa bàn đã phát giác nhiều trường hợp trộm cắp nông sản nói chung và bơ nói riêng. Tuy nhiên, những hành vi này không phải trộm cắp có tổ chức nên chỉ phạt hành chính tối đa khoảng 2 triệu đồng/trường hợp.

Mức phạt này chưa đủ sức răn đe nên kẻ xấu vẫn cố tình vi phạm. Trước tình hình trên, công an xã đã thường xuyên phối hợp với các hội, đoàn thể, chính quyền địa phương và các ban tự quản thôn, buôn không ngừng tuyên truyền, khuyến cáo người dân tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ tài sản của mình; kêu gọi các đại lý thu mua nông sản trên địa bàn ký cam kết không mua nông sản của kẻ gian và những loại trái cây còn xanh, non, hay sử dụng các loại thuốc, hóa chất để “ép” chín hoa quả, gây nguy hại cho người tiêu dùng.

Lực lượng công an xã cũng tăng cường các tổ tuần tra, kiểm soát đến các thôn, buôn nhằm ngăn chặn tình trạng trộm cắp tài sản và bảo đảm tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Theo ông Huyến, người dân khi phát hiện kẻ gian nên báo ngay với ban tự quản thôn, buôn, hoặc lực lượng chức năng địa phương để có biện pháp theo dõi, ngăn chặn và xử lý kịp thời, không nên manh động gây nên những hậu quả đáng tiếc về sau.


Có thể bạn quan tâm

Bất Thường Ở Vùng Na Bất Thường Ở Vùng Na

Chẳng hiểu do thời tiết hay sâu bệnh mà na Chi Lăng (Lạng Sơn) năm nay ra hoa ít hơn hẳn, thậm chí có diện tích không ra hoa. Bằng biện pháp kỹ thuật, người dân vùng na đã tuốt lá để kích thích cây ra hoa đợt hai, nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao lại có hiện tượng bất thường này?

26/06/2013
Phát Triển “Cánh Đồng Mẫu Lớn” Phát Triển “Cánh Đồng Mẫu Lớn”

Sau 3 năm triển khai thực hiện “Cánh đồng mẫu lớn”, tổng diện tích lúa đạt trên 10.000 héc-ta của trên 6.400 lượt nông dân tham gia. Kỹ sư Châu Ngọc Thi, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Châu Thành (An Giang) tâm đắc: Mô hình liên kết hợp tác sản xuất và tiêu thụ nông sản cho nông dân mang lại hiệu quả kinh tế cao nên diện tích lúa “Cánh đồng mẫu lớn” đang ngày càng mở rộng.

04/06/2013
Từ Phận Nghèo Thành Ông Chủ Từ Phận Nghèo Thành Ông Chủ

Những năm qua, Hội ND và chi nhánh Ngân hàng CSXH Hà Nội đã tích cực phối hợp để hộ nghèo được vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập...

26/06/2013
Thoát Nghèo Từ Nghề Nuôi Ong Thoát Nghèo Từ Nghề Nuôi Ong

Ban đầu chỉ có dăm hội nuôi, sau 8 năm “cắm rễ” ở huyện nghèo Vũ Quang, nghề nuôi ong lấy mật đã thu hút 1.000 hộ nuôi với trên 4.000 đàn. Mỗi năm, các hộ thu về hơn 40 tấn mật và bán ra khoảng 1.000 đàn ong giống, thu hàng tỷ đồng...

04/06/2013
Trang Trại Tổng Hợp Thu Trên 1 Tỷ Đồng/năm Trang Trại Tổng Hợp Thu Trên 1 Tỷ Đồng/năm

Hưởng ứng phong trào xây dựng NTM, ông Lê Văn Bình (thôn Hương Mỹ, Xuân Mỹ, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã đầu tư gần 10 tỷ đồng để xây dựng trang trại tổng hợp, trong đó có mô hình chăn nuôi lợn tập trung. Đến nay, sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, mô hình đã góp phần nâng cao thu nhập trên 1 tỷ đồng.

26/06/2013