Triển Vọng Từ Mô Hình Nuôi Tằm Ăn Lá Sắn
Xã Đạ Lây (huyện Đạ Tẻh - Lâm Đồng) là địa phương trồng sắn (khoai mì) khá phổ biến. Tại đây, bà con nông dân đã tận dụng nguồn lá sắn để phát triển mô hình nuôi tằm. Mô hình này mở ra triển vọng mới, giúp nông dân tăng thêm thu nhập.
Từ nhiều năm trước, một vài hộ dân tại xã Đạ Lây đã bắt đầu nuôi tằm ăn lá sắn. Khoảng 3 năm trở lại đây, mô hình này bắt đầu phát triển khi người nông dân thấy hiệu quả kinh tế mang lại ngày càng cao. Đến nay, xã Đạ Lây đã có 21 hộ dân tại thôn Liêm Phú và thôn Thuận Hà nuôi tằm ăn lá sắn. Ông Ngô Văn Sỹ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạ Lây, cho biết: “Mô hình nuôi tằm ăn lá sắn mang lại hiệu quả cao cho người nông dân, vì nguồn lá sắn dễ tìm kiếm. Ngoài ra, bà con nông dân nơi đây đang nuôi tằm ăn lá sắn trên nền xi măng cũng rất thuận lợi. Tằm sinh trưởng nhanh, không mất nhiều công chăm sóc, không tốn kém nong (nia), ít dịch bệnh… Do nguồn lá sắn dồi dào, khí hậu nơi đây nắng ấm nên rất thích hợp để phát triển mô hình nuôi tằm ăn lá sắn trên nền xi măng”.
Bắt đầu nuôi tằm ăn lá sắn gần 3 năm nay, gia đình anh Trần Văn Linh (thôn Thuận Hà) đã có nguồn thu nhập khá ổn định, cải thiện kinh tế gia đình. Anh Linh cho biết: “Nuôi tằm ăn lá sắn không khó. Từ tháng 7 đến tháng 11 hàng năm, nguồn lá sắn dồi dào nên người nông dân có thể tăng thêm lứa nuôi. Mỗi năm, gia đình tôi nuôi trung bình 8 - 10 lứa tằm. Sau khi trừ chi phí, mỗi lứa thu lãi trên 10 triệu đồng”. Tương tự gia đình anh Linh, gia đình ông Nguyễn Hữu Sơn (thôn Liêm Phú) cũng thu lãi khoảng 200 triệu đồng/năm từ mô hình nuôi tằm ăn lá sắn. Ông Sơn chia sẻ: “Nuôi tằm ăn lá sắn chi phí thấp mà hiệu quả lại cao. Đặc biệt, hiện nay “đầu ra” của kén rất ổn định nên bà con vô cùng phấn khởi”.
So với nuôi tằm ăn lá dâu, thì tằm ăn lá sắn cho chất lượng và sản lượng kén không cao bằng. Do đó, giá bán kén cũng thấp hơn so với tằm ăn lá dâu. Tuy nhiên, do tận dụng được nguồn lá sắn có sẵn, nên lợi nhuận của người nông dân khá cao. Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạ Lây, ông Ngô Văn Sỹ, cho biết thêm: “Hiện tại, xã Đạ Lây đang khuyến khích mô hình nuôi tằm ăn lá sắn. Bởi nuôi tằm ăn lá sắn mang lại hiệu quả “kép”, từ việc trồng sắn để lấy củ và lấy lá để nuôi tằm”.
Hiện tại, toàn xã Đạ Lây có khoảng 100 ha đất trồng sắn (1 vụ/năm). Trước khi thu hoạch củ sắn khoảng 1 tháng, người nông dân có thể hái lá để nuôi tằm. Do nhu cầu lá sắn ngày càng cao, nên một số hộ dân đã bắt đầu thu mua lại lá sắn tại một số huyện lân cận để nuôi tằm. Song song với việc khôi phục và phát triển lại nghề trồng dâu nuôi tằm, định hướng của xã cũng sẽ phát triển và mở rộng mô hình nuôi tằm ăn lá sắn. Ông Nguyễn Thanh Quang, Chủ tịch UBND xã Đạ Lây, cho biết: “Sau khi khảo sát một số mô hình tại huyện, đồng chí Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, đã có văn bản chỉ đạo huyện Đạ Tẻh tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả; trong đó, có mô hình nuôi tằm ở xã Đạ Lây.
Trong năm tới, xã Đạ Lây sẽ tiếp tục phát triển thêm mô hình trồng dâu nuôi tằm ở thôn Thanh Phước và mô hình nuôi tằm ăn lá sắn ở thôn Vĩnh Thủy. Lợi thế của thôn Vĩnh Thủy là có diện tích trồng sắn lớn. Vùng đất ở đây bằng nên sắn cho nhiều lá hơn so với sắn trồng ở đất đồi. Hiện tại, với những mô hình nuôi tằm ăn lá sắn, nuôi tằm dưới nền nhà và trồng các giống dâu mới, người nông dân đã giảm được công chăm sóc và tăng thêm thu nhập”.
Có thể bạn quan tâm
Trên địa bàn huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên), các mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi hiện đang phát triển khá mạnh. Nhiều nông dân đã đầu tư công sức, tiền của để xây dựng những trang trại có quy mô lớn, đem lại thu nhập cao cho bản thân và tạo thêm nhiều việc làm cho người dân...
Mùa xuân trăm hoa đua nở, nhưng vẫn khiến những người nuôi ong mật trên đất SaPa (Lào Cai) “đi ra thở ngắn, đi vào thở dài”. Cũng chỉ tại “ông trời” gây mưa tuyết trung tuần tháng 12/2013 đã giết chết hầu hết số ong nuôi lấy mật.
Sau nhiều năm xây dựng thương hiệu, ngày 8/4/2014, nhãn hiệu Khoai lang Đồng Thái của xã Đồng Thái, huyện Ba Vì (Hà Nội) đã chính thức được Sở KH&CN Hà Nội công bố, mở ra một tương lai mới cho cây trồng truyền thống này.
Đây là mô hình sản xuất lúa đầu tiên ở tỉnh Vĩnh Long và là mô hình sản xuất lúa thứ 5 ở ĐBSCL vừa được Trung tâm Chất lượng nông- lâm- thủy sản Vùng 6 cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng cho biết, sau hơn một năm trồng thử nghiệm, một loại rau có tên là rau dây hương chủ yếu được phân bổ ở miền núi phía Bắc đã “đứng chân” được trên đất Nam Tây Nguyên - Lâm Đồng.