Mô Hình Nuôi Heo Khép Kín Lợi Nhiều Đường

Vợ chồng anh Huỳnh Tấn Phát ở thôn Khánh Giang là người đầu tiên ở xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành - Quảng Ngãi) thực hiện mô hình nuôi heo "khép kín" trên cơ sở đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng hệ thống chuồng trại và hầm biogas. Anh chị đã có nguồn thu đáng kể từ chăn nuôi vừa đảm bảo giữ sạch môi trường.
Trại chăn nuôi của vợ chồng anh Phát nằm bên đường liên huyện Nghĩa Hành - Ba Tơ. Trong trang trại của mình, anh dành 300m2 xây 10 chuồng heo. Mỗi chuồng rộng 25m2, có bể tắm, hầm biogas, hệ thống cho ăn, uống tự động và bán tự động. Trong mỗi chuồng anh chị nuôi 15 - 20 con heo. Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền vợ anh Phát, bảo: "Đang cố gắng nuôi để bán trong dịp Tết. Nếu heo được giá như mọi năm thì cũng thu được 40 triệu đồng".
Trước khi đến với mô hình nuôi heo khép kín, anh Phát và chị Huyền cũng nuôi khoảng 10 con heo thịt. Thấy nuôi heo kiểu thủ công cực nhọc mà thu nhập chẳng bao nhiêu, lại gây phiền phức đến xóm giềng vì mùi hôi thối từ chất thải, nên vợ chồng anh tổ chức lại chuồng trại chăn nuôi.
Khi có lớp tập huấn về thú y, chị Huyền tham gia và dành nhiều thời gian hỏi cán bộ về các mô hình, kỹ thuật chăn nuôi heo. Đồng thời chị tìm hiểu về nguồn thức ăn và "đầu ra" của con heo. Sau khi tìm hiểu, anh chị quyết định nuôi heo theo mô hình khép kín. Khó khăn ban đầu là nguồn kinh phí đầu tư cho hệ thống chuồng trại lên đến vài trăm triệu đồng. "Nghe số tiền là choáng. Bởi mình đâu có đủ tiền" – chị Huyền kể. Nhưng với quyết tâm cao anh chị dồn toàn bộ vốn liếng tích cóp lâu nay và vay mượn thêm, đầu tư gần 300 triệu đồng xây dựng chuồng trại theo mô hình khép kín và tiến hành thả nuôi.
Lần đầu tiên nuôi hàng chục con heo trong chuồng, anh chị lo lắm. Chị Huyền vận dụng kiến thức học được từ lớp thú y, anh Phát mua sách về tham khảo để hiểu thêm kỹ thuật nuôi heo công nghiệp về áp dụng. Với hệ thống cho ăn tự động, nên định lượng và khẩu phần thức ăn cho heo luôn đảm bảo ổn định. "Nuôi cách này, đi cả ngày, heo cũng vẫn no. Mình chỉ tốn công vệ sinh chuồng trại" - chị Huyền chia sẻ.
Nhờ chăn nuôi đúng quy trình, đàn heo lớn nhanh như thổi. Lứa đầu tiên anh chị thu về hơn 30 triệu đồng. Thấy có lãi, vợ chồng anh Phát tiếp tục thả nuôi với số lượng ngày càng tăng: 50 con, 70 con, 100 con, giờ thì 150 con. Anh Phát cho rằng: "Tăng số lượng chăn nuôi không mệt bằng việc mỗi khi trời trở gió chướng, heo bị bệnh. Lúc này, mình phải thường xuyên trông nom, chích thuốc cho chúng".
Nhờ mua heo giống tại xóm làng, thức ăn thì giá gốc và bán thì tận ngọn nên mỗi năm, từ chăn nuôi, vợ chồng anh Phát lãi khoảng 80 triệu đồng. Ngoài nguồn lợi từ chăn nuôi, nhờ có hầm biogas nên quanh năm suốt tháng anh Phát không tốn tiền mua gas để đun nấu. Anh Phát cho hay: "Sắp đến, theo chương trình khuyến nông Nhà nước hỗ trợ cho hộ chăn nuôi 50% tiền mua máy nổ. Nếu được hỗ trợ mình mua máy phát điện để bơm nước dội chuồng và sử dụng tivi, tủ lạnh...".
Cách nuôi heo theo mô hình khép kín của vợ chồng anh Huỳnh Tấn Phát trên vùng núi Hành Tín Đông vừa có thu nhập cao lại giảm thiểu ô nhiễm môi trường đã gợi mở cho nhiều gia đình ở làng quê huyện Nghĩa Hành mở rộng chăn nuôi, hạn chế ly hương kiếm sống.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 22 tháng 5 năm 2013, ông Nguyễn Văn Phong, phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh ký ban hành công văn số 1717/UBND-NN về việc đề nghị hỗ trợ hóa chất xử lý mầm bệnh, xử lý môi trường vùng nuôi tôm nước lợ tỉnh của tỉnh. Theo nội dung công văn: hiện tượng tôm chết có dấu hiệu lây lan, phải được khống chế kịp thời, nhưng lượng Chlorine của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp cho tỉnh trong năm 2012 đến nay đã sử dụng hết.

Sáng ngày 25/7, tại Hậu Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức Hội nghị tổng kết sản xuất mía đường niên vụ 2012 – 2013.

Hiện nay, các địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long đang xúc tiến xây dựng các cánh đồng mẫu lớn nhằm hướng tới nền sản xuất nông nghiệp hiện đại.

Hàng triệu hộ chăn nuôi trong cả nước đang đối mặt với muôn vàn khó khăn khi heo, gà, vịt, cá tra… rớt giá thê thảm, cộng với dịch bệnh hoành hành trên diện rộng khiến người nuôi thua lỗ. Giá gà công nghiệp trong tháng 5-2013, rớt xuống mức thấp kỷ lục 13.000 - 15.000 đồng/kg, chưa bằng 50% chi phí giá thành sản xuất; gà tam hoàng từ 38.000 đồng/kg vào tháng trước, nay giảm còn 30.000 đồng/kg; trong khi giá heo cũng giảm còn 3,5 - 3,6 triệu đồng/tạ, thấp hơn giá thành nuôi là 4 - 4,1 triệu đồng/tạ… Giá rẻ đã đành, song người chăn nuôi muốn bán sản phẩm dù chấp nhận lỗ cũng rất khó.

Từ sau cơn biến động rớt giá trong những năm 2005, 2006 làm các trang trại và người chăn nuôi lao đao, thì hiện nay dê, cừu đã dần lấy lại vị thế với tổng đàn ngày càng tăng.