Triển vọng từ mô hình nuôi cá tầm ở Sơn Tây
* Cá tầm 3kg!
Chúng tôi cùng cán bộ Trạm Khuyến nông Sơn Tây – đơn vị được huyện giao nhiệm vụ triển khai nuôi thí điểm cá tầm, có mặt ở khu vực nuôi tại suối Bua, xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây để thực hiện thao tác thay nước cho cá. Khi mực nước chỉ còn 20cm, những chú cá tầm to như những bắp chuối rừng dồn lại, đặc quánh bám vào đáy hồ.
Anh Trần Quý – Trạm trưởng Trạm khuyến nông xắn quần lội xuống nhẹ nhàng bắt 3 chú cá tầm bỏ vào thau nhựa khệ nệ bê lên bờ. “Có đến 10kg đấy chứ không ít” – anh Quý hồ hởi nói. Chiếc cân được để sẵn trên bờ để cân thử. Con thì hơn 3,2kg, con khác 3kg, con nhỏ nhất cũng đạt 2,7kg. Cân xong, cá tầm được thả lại xuống ao tung tăng bơi lội.
Dự án thí điểm nuôi cá tầm được huyện Sơn Tây triển khai vào mùa đông 2014 ngay sau khi đi học tập, nghiên cứu mô hình nuôi cá tầm ở một số tỉnh Tây Nguyên. Xác định địa hình, khí hậu có sự tương đồng với các địa phương đã nuôi cá tầm thành công, huyện Sơn Tây đã nghiên cứu, đi đến quyết định thả nuôi 500 con ở đầu nguồn suối Bua, xã Sơn Bua. Sau 8 tháng nuôi, cá đã đạt trọng lượng bình quân 2,7 – 3,5kg/con. “Đúng là thành công ngoài mong đợi. Việc thí điểm thành công, sẽ cho chúng tôi những hy vọng mở rộng mô hình nuôi cá tầm thương phẩm trong nay mai” – anh Trần Quý cho biết.
* Triển vọng mới
Chiều ngày 6.7 vừa qua, Trạm Khuyến nông huyện Sơn Tây tiếp tục thả nuôi thêm 2.000 con cá tầm giống trong 300 mét vuông ao nuôi ở suối Bua. Trước khi thả nuôi, các cán bộ kỹ thuật đã tập trung xử lý môi trường, tiêu độc, khử trùng ao, đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật nuôi cá tầm. Tổng kinh phí khoảng 800 triệu đồng. Theo kế hoạch, năm 2015 này, huyện Sơn Tây sẽ mở rộng thêm 2.000 mét vuông ao nuôi cá tầm nữa.
Một góc mô hình nuôi cá tầm ở suối Bua - Sơn Tây.
Anh Trần Quý – Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Sơn Tây cho biết: Trong quá trình chăm sóc đợt thà 2.000 con cá tầm này, cán bộ kỹ thuật của trạm sẽ tổ chức hướng dẫn và tuyên truyền, chuyển giao kỹ thuật nuôi cá tầm cho bà con. Theo kế hoạch trong thời gian 1 năm, số cá này sẽ xuất ra thị trường. Hiện nay, cá tầm trên thị trường khoảng 300.000đ/kg. Anh Quý bảo: “Giá này là có lãi lắm chứ! Nếu người dân đầu tư nuôi, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ tối đa về kỹ thuật chăm sóc”.
8 tháng trước, HĐND huyện Sơn Tây đã tổ chức cuộc họp bất thường để bàn và quyết nghị 2 mô hình cây, con thí điểm triển khai trên địa bàn. Đó là cây mắc ca và con cá tầm. Lúc ấy cũng có ý kiến chưa đồng tình vì e ngại điều kiện khí hậu, môi trường ở Sơn Tây không thích hợp cho 2 loại cây, con này. Thế nhưng bằng quyết tâm, Sơn Tây đã mạnh dạn đầu tư thử nghiệm.
Cây mắc ca thì còn tới 4 năm nữa mới có thể khẳng định được kết quả. Còn con cá tầm hôm nay, kết quả đã rất rõ ràng, cá tầm thích nghi tốt ở môi trường nuôi tại suối Bua ở Sơn Tây. Đó là đột phá trong quá trình tìm tòi, ứng dụng mô hình sản xuất mới với sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, phù hợp với mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn.
Có thể bạn quan tâm
Xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn (Vĩnh Long) có nhiều nông dân làm giàu từ trồng cam, quýt, bưởi, xoài, nhãn… Tuy nhiên, cũng có một số người thành công nhờ mô hình VAC
Giải pháp nâng cao năng suất tôm càng xanh bằng việc bẻ càng để được tôm loại 1 của ông Nguyễn Văn Đoàn đang được nhiều nông dân áp dụng, mang lại hiệu quả
Kiên tâm, nhẫn nại, ham học hỏi và quan trọng nhất là không bỏ cuộc là bí quyết thành công của những nông dân xuất sắc.
Để có được giống quý này, anh phải lặn lội sang Malaysia, nhờ người quen hướng dẫn đến một vườn sầu riêng để mua bo (mắt ghép) mang về nhân giống.
Mới ở tuổi 34, nhưng anh Nguyễn Văn Tú ở đội 2, thôn Trung Hoà, xã Phú Thịnh, huyện Kim Động, Hưng Yên đã khá nổi danh trong nghề nuôi trồng nấm ăn