Bệnh Đốm Trắng Xảy Ra Nhiều Trên Thanh Long Ở Tiền Giang
Trong thời gian qua, bệnh đốm trắng xảy ra nhiều trên cây thanh long, làm cho nhà vườn đang gặp không ít khó khăn; còn các nhà chuyên môn thì loay hoay tìm hướng xử lý.
Bệnh đốm trắng gây hại nặng
Ông Huỳnh Hồng Ửng (Quang Khương, Quơn Long, Chợ Gạo, Tiền Giang) trồng 3,2 ha thanh long 3 năm tuổi bị bệnh đốm trắng gây hại khoảng 60-70%. Ông cho biết, xung quanh đây, vườn thanh long nào bị bệnh đốm trắng nhẹ thì khoảng 50%, còn vườn nào bị nặng lên đến 100%. Thời gian qua, bệnh đốm trắng xảy ra nhiều, khiến nông dân thiệt hại nặng.
Những năm trước đây, nông dân còn dám xông đèn để xử lý ra trái nghịch vụ để bán giá cao, nhưng hiện tại thì ít ai dám. Bởi xử lý thanh long nghịch vụ rất tốn kém, nhưng khi bệnh đốm trắng xuất hiện kể như mất trắng. Năm 2012, trong vườn nhà ông Ửng, bệnh xuất hiện trên một vài bụi thanh long, nhưng lúc đó chưa biết đây là bệnh đốm trắng.
Mãi đến tháng 3-2013, dấu hiệu thanh long bị bệnh tăng nhanh, xuất hiện nhiều đốm trên cành thanh long, nhất là cành non và lây lan nhanh vào mùa mưa. Đặc biệt, gần đây những đốm xuất hiện càng nhiều trên trái thanh long, nhất là khi trái gần chín. Khi trái chín, những đốm này xuất hiện rõ hơn và nhiều hơn, buộc lòng phải dạt những trái này hoặc bán với giá rất rẻ.
Ông cho biết thêm, nông dân ở đây thấy bụi nào, trái nào nhiễm bệnh thì cắt bỏ và phun xịt thuốc để hy vọng ngăn được bệnh lây lan, nhưng hiện nay lại chưa có thuốc đặc trị nên cũng đang lo.
Những vườn trồng thanh long tại các xã khác của huyện Chợ Gạo cũng đang xuất hiện bệnh đốm trắng và có dấu hiệu lây lan nhanh. Ông Nguyễn Văn Nam, ấp Vĩnh Phước, xã Đăng Hưng Phước có 500 trụ thanh long đang cho trái. Ông cho biết, vườn nhà ông đang xuất hiện những dấu hiệu của bệnh đốm trắng và gây thiệt hại khoảng 80%. Nhờ giá thanh long đang ở mức cao nên nông dân cố cầm cự, nếu giá thanh long xuống thấp như trước đây thì sẽ có rất nhiều người đốn bỏ để trở lại trồng lúa hoặc cây trồng khác.
Chưa có hướng xử lý
Bệnh đốm trắng trên cây thanh long hay còn gọi là bệnh đốm nâu, tắc kè…là những tên gọi khác nhau mà bà con nông dân trồng thanh long ở Bình Thuận, Tiền Giang và Long An đặt cho một loại dịch hại mới phát sinh, gây thiệt hại nghiêm trọng và có xu hướng ngày càng lan rộng.
Ông Nguyễn Thành Hiếu, đại diện nhóm nghiên cứu bệnh đốm trắng trên cây thanh long thuộc Viện Cây ăn quả (CAQ) miền Nam (Bộ NN&PTNT) cho biết, bệnh này xuất hiện đầu tiên và rải rác vào năm 2008 tại Bình Thuận, Tiền Giang. Năm 2011 trở lại đây, bệnh tấn công mạnh và lây lan nhanh hơn tại những địa phương này. Mức độ bệnh xuất hiện ở các vườn dao động từ 20 - 25%, có những vườn mất trắng năng suất do trái bị nhiễm bệnh không thể thu hoạch được, làm tổn thất về kinh tế cho nhà vườn khá lớn.
Thống kê đến cuối năm 2013, diện tích thanh long bị nhiễm bệnh đốm trắng nhẹ ở Bình Thuận khoảng 800 ha, nhiễm bệnh nặng 400 ha; Tiền Giang diện tích nhiễm bệnh nhẹ khoảng 2.420 ha, diện tích nhiễm nặng 80 ha trong tổng số 3.000ha; Long An diện tích nhiễm bệnh nhẹ 766 ha, nhiễm nặng 41 ha trong tổng số 2.700ha.
Theo Viện CAQ miền Nam, bệnh đốm trắng gây hại trên bẹ non, nụ bông, trái non và giai đoạn chuẩn bị thu hoạch. Lúc đầu triệu chứng trên bẹ/trái là những chấm nhỏ li ti như kim chấm, phát triển thành đốm tròn nhỏ màu trắng, vết bệnh trũng thấp so với bẹ; về sau vết bệnh có màu vàng cam và phát triển nhô lên những vết ghẻ có màu nâu và đôi khi gây thối nhũn nếu bị bệnh tấn công nặng.
Trước thực trạng dịch bệnh gây hại nghiêm trọng trên loại cây trồng này, Viện CAQ miền Nam đã tiến hành nghiên cứu, khảo nghiệm bằng nhiều phương pháp khoa học, chuyển giao kỹ thuật và triển khai tập huấn “Quy trình quản lý tổng hợp sâu bệnh hại quan trọng trên thanh long” cho 600 nông dân trồng thanh long tập trung ở Bình Thuận và Tiền Giang; cử 18 bác sĩ của Viện và 6 chuyên gia CABI đến từ Malaysia đi thăm khám định kỳ tại một số xã có trồng thanh long ở huyện Chợ Gạo.
Viện cũng đã phổ biến quy trình “Quản lý bệnh đốm trắng trên thanh long tạm thời” trên các phương tiện thông tin đại chúng để giúp nhà vườn trồng thanh long ứng dụng vào sản xuất bước đầu có hiệu quả.
Làm việc với Viện CAQ miền Nam chiều 23-2, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, thanh long đang là một loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh xảy ra làm cho nông dân lo lắng và ngành chức năng cũng quan tâm.
Vì vậy, việc nghiên cứu để tìm ra giải pháp phòng trừ bệnh đốm trắng trên thanh long, giúp nhà nông hưởng lợi là một vấn đề rất cấp bách. “Viện CAQ miền Nam cần điều chỉnh bổ sung thêm vấn đề nghiên cứu canh tác tổng hợp và đề tài nghiên cứu giống thanh long mà Viện đang thực hiện. Đối với bệnh đốm trắng trên thanh long đang là vấn đề “nóng” nhất cần phải làm ngay, không phải chờ kết quả nghiên cứu cuối cùng.
Cục BVTV tập hợp kết quả nghiên cứu quy trình quản lý bệnh đốm trắng trên thanh long tạm thời, cộng với kết quả nghiên cứu của Trung tâm BVTV phía Nam để sớm đưa ra quy trình quản lý tạm thời trước ngày 15-3. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia dành ngay kinh phí để tập huấn, chuyển giao quy trình quản lý dịch bệnh tạm thời tại 3 tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang.
Viện CAQ miền Nam tiếp tục nghiên cứu đề tài khoa học về vấn đề dịch bệnh trên thanh long để tìm ra tác nhân và đưa ra giải pháp tốt nhất giúp nông dân. Cục Trồng trọt sớm tổ chức hội nghị phát triển thanh long bền vững để giúp nông dân hưởng lợi vì cây thanh long là cây trồng có giá trị kinh tế cao” - ông Doanh cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Nuôi tôm nước lợ mang tính tự phát trong khi hàng loạt các vấn đề phục vụ sản xuất chưa đáp ứng kịp, cùng với đó là thời tiết diễn biến khó lường đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, sản lượng nuôi tôm. Chính vì vậy, việc áp dụng quy trình nuôi an toàn sinh học VietGAP được xem là giải pháp đảm bảo cho nghề nuôi tôm phát triển bền vững.
Ở Phú Quý (Bình Thuận), trước đây cá chình chẳng có giá trị nhiều về mặt kinh tế. Thỉnh thoảng ngư dân bắt làm mồi lai rai. Gần đây, cá trở nên có giá nhờ vào xuất khẩu. Một số hộ dân đã “phất” lên nhờ nuôi chình.
Nuôi cá lăng đuôi đỏ bằng bè lồng của gia đình anh Nguyễn Minh Tuấn, xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk đang là một trong những mô hình được mọi người quan tâm học hỏi, bởi giá trị kinh tế cao, thu nhập hàng năm lên tới cả tỷ đồng.
Ngoài khó khăn do chi phí tăng cao, phải cho tàu nằm bờ, hiện các tập đoàn đánh cá lớn ở Hải Phòng còn phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn lao động nghề cá, đặc biệt là lao động có khả năng làm việc trên các tàu vươn khơi xa, khai thác tại vùng đánh cá chung trên vịnh Bắc bộ.
Ban Quản lý Dự án Cạnh tranh Nông nghiệp Bình Thuận (ACP) vừa phối hợp với Công ty Cổ phần thương mại và sản xuất (CPTM&SX) Thái Việt Mỹ, hội thảo về ứng dụng chế phẩm sinh học Chitosan trong sản xuất thanh long. Đây là chuyên đề thuộc hợp phần A dự án ACP Bình Thuận, về tăng cường công nghệ nông nghiệp.