Triển vọng trang trại nuôi dê Thái ở Di Linh (Lâm Đồng)
Từ bò sữa đến dê
Là một nông dân đã nhiều năm gắn bó với nghề trồng cây cà phê, ông Nguyễn Văn Cường (thôn 5B) luôn năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, biết áp dụng KHKT vào sản xuất nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2015, ông Cường đã mạnh dạn phá bỏ 2ha cà phê (đang cho thu hoạch ổn định) trồng xen cây mắc ca để chuyển sang trồng cỏ và cùng anh em trong gia đình góp vốn mở trang trại nuôi bò sữa. Trong khi làm việc với Công ty sữa Vinamilk, do hai bên không thống nhất một số điều khoản trong hợp đồng, nên việc mở trang trại chăn nuôi bò sữa của gia đình ông Nguyễn Văn Cường bị thất bại. Vì thế, ông có ý tưởng chuyển sang mở trang trại chăn nuôi dê.
Ông Nguyễn Văn Cường cho biết: “Từ khi quyết định nuôi dê, tôi đã dành nhiều thời gian lên mạng để tìm hiểu về nhu cầu dê trên thị trường, kỹ thuật xây dựng chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi… đồng thời, cử 2 em trai (ở TP Hồ Chí Minh) đi 2 chuyến sang Thái Lan để vừa tìm hiểu thêm về quy trình kỹ thuật nuôi dê tại đây vừa tuyển chọn mua 600 con dê giống (tên thường gọi là dê Bo) về nuôi. Vì thị trường nội địa không đáp ứng được con giống và giá thành lại quá cao (400.000 đồng/kg dê giống), còn mua trực tiếp tại Thái Lan chỉ 200.000 đồng/kg (tính cả phí vận chuyển về Việt Nam). Đến nay, vốn đầu tư cho trang trại này đã lên đến hơn 7 tỷ đồng”.
Ưu điểm của dê Bo có nhiều lợi thế hơn so với dê Bách Thảo, là có thân hình to, khỏe; có sức đề kháng tốt với một số bệnh tật; ăn khỏe; sức tăng trọng nhanh... Trọng lượng của một con dê đực đạt từ 60 - 70kg, con dê cái đạt từ 25 - 30kg.
Để trang trại đi vào hoạt động ổn định, ông Cường đã tuyển các nhân viên kỹ thuật là người đã có kinh nghiệm nuôi dê ở các nơi về giúp việc. Còn những lao động thủ công, ông tuyển dụng tại địa phương. Hiện tại, trang trại dê của ông Cường có 20 lao động đang làm việc ở các khâu kỹ thuật, chăm sóc, xây dựng và vệ sinh chuồng trại… Các lao động làm việc tại đây đều có thu nhập khá ổn định. Nhân viên kỹ thuật có thu nhập từ 8 - 10 triệu đồng/tháng. Lao động dọn vệ sinh mức thu nhập 4 triệu đồng/tháng. Tiền công lao động xây dựng 200.000 đồng/ngày. Bên cạnh đó, công tác phòng chống dịch bệnh và vệ sinh chuồng trại luôn được trang trại quan tâm, thường xuyên hàng tuần phun xịt thuốc tiêu độc khử trùng, dọn và xử lý lượng phân, nước thải để đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh.
Ông Cường cho biết thêm, dê Bo có đặc điểm sinh trưởng cũng tương tự như các loại giống dê tại Việt Nam. Ngoài thức ăn thô (cỏ), dê còn được bổ sung các loại thức ăn tinh bột, cám… Bình quân cho dê ăn 3 lần/ngày (sáng, trưa và tối). Từ khi sinh ra khoảng 1 năm, dê cái bắt đầu bước vào chu kỳ sinh sản. Một năm dê đẻ 2 lứa. Lứa đầu tiên, dê chỉ đẻ được 1 con và từ lứa thứ 2 trở đi đẻ từ 1 - 3 con.
Vì đang trong giai đoạn kiến thiết, nên hiện nay, trang trại dê của ông Cường chủ yếu đang gây dựng dê giống, chưa có dê thương phẩm. Hiện, trong số 600 con dê nói trên, chỉ có 10 con dê đực, còn lại là con dê cái. Tính đến thời điểm này, 50 - 60% con dê cái đang mang thai và bắt đầu sinh con.
Những triển vọng
Thời gian tới, ngoài việc tiếp tục mở rộng trang trại với diện tích 2ha, phấn đấu đến năm 2017, trang trại sẽ đi vào hoạt động ổn định và có qui mô nuôi lên đến từ 3 - 5 nghìn con. Cùng với việc cung cấp dê giống cho bà con có nhu cầu, trang trại còn cung ứng dê thương phẩm cho thị trường (chủ yếu tại TP Hồ Chí Minh). Theo chiết tính, bình quân trang trại ông Cường sẽ cung cấp ra thị trường 10 con dê thương phẩm/ngày (1 năm đơn vị này cung cấp lên đến 3.650 con, tương đương trên 110 nghìn kg thịt dê hơi). Với giá dao động từ 80 - 140 ngàn đồng/kg thịt dê hơi thì trang trại của ông Nguyễn Văn Cường cũng có tổng doanh thu trên dưới 10 tỷ đồng/năm.
Theo đánh giá của ngành chăn nuôi địa phương: Đây là mô hình chăn nuôi mới và là mô hình chăn nuôi dê theo hướng trang trại đầu tiên ở Di Linh. Tuy mới triển khai nhưng đàn dê sinh trưởng và phát triển tốt. Trang trại nằm cách xa khu vực dân cư, nên hạn chế được dịch bệnh lây lan. Bên cạnh đó, công tác vệ sinh chuồng trại, xử lý ô nhiễm môi trường được đơn vị thực hiện nghiêm ngặt và đúng theo qui trình của ngành chăn nuôi.
“Trang trại chăn nuôi dê của gia đình ông Nguyễn Văn Cường được thực hiện khá tốt và sẽ có nhiều triển vọng. Hy vọng, trang trại này sẽ cung cấp nguồn giống dê cho bà con nông dân phát triển chăn nuôi dê tại địa phương” - ông Trần Nhật Thi, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Di Linh đánh giá.
Có thể bạn quan tâm
Vừa qua, chúng tôi có dịp đến thăm mô hình chăn nuôi bò thịt của ông Đinh Văn Khoa ở xã Quang Lãng (huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội), nơi mà gần 2 năm qua ông được Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội trợ giúp về kỹ thuật xây dựng trang trại chăn nuôi.
Mặc dù sản lượng có giảm hơn so với năm ngoái nhưng hiện nay giá bưởi lại cao hơn gần gấp đôi so với năm ngoái, nhất là trong dịp tết giá bưởi sẽ còn tăng cao nên các nhà vườn ở Bạch Đằng (Bình Dương) đang tất bật chăm sóc để chờ đón tết.
Năm 2013, Bình Thuận có dấu hiệu phục hồi sản xuất nuôi tôm nước lợ, người nuôi tôm được mùa, được giá và kiểm soát tốt dịch bệnh. Đồng thời, xác định được hướng phát triển rõ ràng đối với nuôi tôm nước lợ, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng đang ở vị trí “soán ngôi”.
Ngày 30-12, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết hiệp hội vừa tổ chức họp mặt gần 200 hộ chăn nuôi và các chủ trang trại trong tỉnh để cùng cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Cùng với đó, các hộ dân còn được tập huấn kỹ thuật về chăm sóc, phòng bệnh đúng cách. Sau hơn 3 tháng nuôi, đàn gà của các hộ đều có tỷ lệ sống gần 100%, phát triển nhanh, trọng lượng trung bình đạt 2 kg/ con.